Bệnh viêm não Nhật Bản khởi đầu với triệu chứng sốt rất cao khoảng từ 39 độ c đến 40 độ c. Người bệnh rét run, đau đầu, mệt lả, buồn nôn, nôn.. Tình trạng này kéo dài từ một ngày đến sáu ngày. Sau đó là các biểu hiện sốt cao co giật, rối loạn ý thức, kích thích, vật vã, ngủ gà, lơ mơ, hôn mê...
Nguyên nhân mắc bệnh là do virus gây bệnh thuộc họ Togaviridae, xâm nhập cơ thể người qua vết muỗi Culex tritaeniorhynchus và Culex vishnui đốt. Đối tượng mắc bệnh thường là trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới mười lăm tuổi. Bên cạnh đó, người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh. Vừa qua, Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, BV Bạch Mai tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc bệnh trên là người lớn. Khi gây bệnh ở người lớn, bệnh có nguy cơ gây biến chứng cao với những di chứng rất nghiêm trọng. Theo cảnh báo của Viện Vệ sinh Dịch tế TW, hiện nay, hệ thống y tế và người dân chỉ tập trung cảnh báo viêm não Nhật Bản ở trẻ em. Trong khi bệnh viêm não Nhật Bản ở người lớn thì hầu như chưa được nhắc đến. Tỉ lệ mắc bệnh ở nhóm tuổi trên mười lăm tuổi chiếm từ 5% đến 10% tổng số bệnh viêm não Nhật Bản và khoảng 25% tổng số viêm não virus ở người lớn.
Viêm não Nhật Bản là căn bệnh để lại nhiều di hại. Những trường hợp mắc viêm não Nhật Bản thường bị nhiễm khuẩn thần kinh, có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn và tỉ lệ tử vong cao. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, 50% số người lớn khi mắc bệnh sẽ mang di chứng thần kinh và tâm thần vĩnh viễn. Thống kê trong thời gian qua, Khoa Thần kinh (BV Bạch Mai) tiếp nhận 60 bệnh nhân viêm não Nhật Bản là người lớn vào điều trị, trong đó 47 trường hợp có di chứng nặng, chín trường hợp tiến triển cấp tính, 4 người đã tử vong. Biểu hiện của các loại di chứng của viêm não Nhật Bản ở người lớn rất đa dạng và mang tính lan tỏa. Các di chứng về thần kinh tâm thần đều chiếm đa số các trường hợp như liệt vận động, rối loạn trường lực cơ, tăng phản xạ gân xương, co giật (động kinh), rối loạn trí tuệ, rối loạn cảm xúc, biến đổi nhân cách. Điều đáng lo ngại là sau 3 năm di chứng của bệnh trở thành vĩnh viễn mặc dù đã được điều trị tích cực. .
Mùa viêm não thường bắt đầu vào đầu tháng 4, đỉnh cao của dịch rơi vào tháng 6 đến tháng 7. Nguyên nhân do thời điềm đó là mùa hè nắng nóng, mưa nhiều, muỗi sinh sôi nảy nở nên khả năng bệnh lây lan nhanh. Từ đầu tháng 4, số người mắc viêm não Nhật Bản bắt đầu tăng nhanh và kết thúc vào tháng 9. Những vùng có nguy cơ cao tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và bắc Trung bộ như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội, Thanh Hóa. Mỗi năm cả nước có tới 2500 ca đến 3000 ca viêm não, trong đó viêm não Nhật Bản chiếm tới 40% đến 60%: Viêm não là căn bệnh gây tỉ lệ tử vong cao trong khi đó việc điều trị bệnh hiện nay còn gặp nhiều khó khăn vì chưa có thuốc đặc trị, bệnh nhân đến viện muộn. Bệnh nhân chủ yếu được điều trị triệu chứng như dùng thuốc hạ sốt, chống phù nề, co giật.
Các chuyên gia dịch tế khuyên cáo, để ngăn ngừa mắc bệnh viêm não Nhật Bản, ngoài biện pháp tiêm phòng văcxin, người dân cần làm vệ sinh quanh nhà, phun hóa chất diệt muỗi, có lưới bảo vệ nhà, dùng màn chống muỗi, tránh các hoạt động ngoài trời vào chiều tối. Ở một số vùng có nguy cơ cao, cần nhốt gia súc và làm chuồng gia súc xa nhà ở.