Con trâu là cánh tay phải của người nông dân. Từ bao đời nay, con trâu đã trở thành quen thuộc và gần gũi với xóm làng, đồng ruộng. Trâu là bạn nhà nông, được người nông dân nâng niu, chăm sóc.
Trâu thuộc lớp thu có vú, nhóm sừng rỗng, bộ guốc chẵn. Trâu Việt Nam có nguồn gốc từ trâu rừng thuần hóa. Long tơ màu xẫm hoặc xâm đen, thỉnh thoảng có một số ít con màu trắng. Bộ lông tơ ấy dù mọc dày đến đâu chăng nữa thì vẫn bị thưa dần bởi ánh nắng và cái ách cày trên đồng ruộng, để rồi thấp thoáng trong lớp lông ấy là lớp da căng bóng, nhẵn lì. Thân hình trâu vạm vỡ, chân to và ngắn, bụng to, mông dốc, đầu vú nhỏ, đuôi tựa cái chổi luôn ngoe nguẩy, mắt to và lồi, sừng trâu cong hình lưỡi liềm, cũng có con sừng dài và cong vút. Người ta thường phân biệt trâu lành hay trâu dữ nhờ đôi sừng và cặp mắt. Sừng dài và cong cùng cặp mắt đỏ ngầu ở khóe thì thường là trâu dữ, cần phải có biện pháp thuần phục. Trâu cái thường nặng từ 350 – 400 kg, trâu đực thường nặng từ 400 – 450 kg có con lên đến 600 – 700 kg.
Trâu 3 tuổi có thể đẻ lứa đầu, có con đến 4 tuổi mới đẻ. Trâu đẻ có mùa vụ. Tỷ lệ đẻ hằng năm ở vùng núi là 40 – 45%, ở đồng bằng là 20 – 25%. Một đời trâu cái thường cho 5-6 nghé, nghé sơ sinh nặng 20 – 25kg. Đôi răng cửa giữa cố định bắt đầu mọc lúc 3 tuổi, trâu kết thúc sinh trưởng khi hết 6 tuổi. Lúc đó, trâu đã có 8 răng cửa. Đặc điểm nổi bật ở trâu là chỉ có một hàm răng, vì vậy trâu phải nhai lại thức ăn.
Trâu nuôi chủ yếu để kéo cày. Lực kéo trung bình trên ruộng từ 70 – 75kg, bằng 0,36 – 0,40 mã lực. Trâu loại A mỗi ngày cày 3 – 4 sào ruộng, trâu loại B mỗi ngày cày 2 – 3 sào, trâu loại c mỗi ngày cày độ 1,5 – 2 sào.
Ngoài việc kéo cày trâu còn kéo được xe. Đường xấu thì tải được 400 – 500kg, đường tốt 700 – 800kg, đường nhựa có thể kéo trên một tấn.
Trâu không những giúp người nông dân kéo cày, kéo xe mà trâu còn cho thịt, cho sữa và cho phân. Trâu có thể cho 400 – 500kg sữa trong một chu kì vắt. Trong 24 giờ, trâu 2 ráng cửa thải ra 10 kg phân, trâu 4 răng cửa thải 12 – 15kg và trâu trưởng thành thải ra 20 – 25kg. Phân trâu là chất dinh dưỡng chủ yếu cho cây trồng.
Trâu thật có ích nên người nông dân luôn coi trâu là gia sản của mình. Chẳng phải nhà nông nói:
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
Hết mùa vụ trâu được nghỉ ngơi, được con người chăn dắt, được hưởng phút thanh nhàn sau những ngày lam lũ. Người tắm mát cho trâu, máng rơm, máng nước luôn chực sẵn mỗi ngày. Chuồng trại của trâu ngày nay cũng được khang trang, rộng rãi. Không những thế, trâu được người đưa đi dự hội hè, dự hội chọi trâu trong dịp tết đến xuân về.
Trâu là biểu tượng của SEAGAMES 22 được tổ chức tại Việt Nam. Biểu tượng “trâu vàng” mặc quần áo cầu thủ đón các vận động viên của các nước bạn đến Việt Nam là sự tôn vinh trâu Việt Nam, tôn vinh người nông dân Việt Nam. Trâu Việt Nam thật có ích, thật đáng yêu. Trâu còn là đề tài của thơ ca, nhạc họa:
Trước xóm sau thôn tựa khói lồng
Bóng chiều man mác có đường không
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.
Trần Nhân Tông
Con trâu đã làm tăng hương vị của đồng quê. Nhà hiền triết – nhà thơ – nhà vua Trần Nhân Tông cũng có những giây phút buồn man mác khi thấy quê hương vắng đi hình ảnh của đám mục đồng cùng đàn trâu thong dong gặm cỏ. Có lẽ nhà vua ấy ngắm nhìn những chú bé ung dung trên lưng trâu thổi sáo, thích nhìn đàn trâu no cỏ đi về với bóng sừng trâu in giữa ruộng đồng yên lặng. Trâu đã giúp cho con người thư thái sau bao nỗi lo toan, giúp con người thêm gắn bó với làng quê đồng nội. Chắc ai cũng nhớ đến tranh Đông Hồ, những bức tranh dân gian ấy là những mảnh tâm hồn đất Việt, là tình cảm con người dành cho trâu Việt Nam.
Ngày nay, đất nước ta đang phát triển ngành trồng lúa, dẫu cho máy cày hay máy kéo hiện đại xuất hiện nhưng con trâu vẫn được nuôi nhiều, trâu vẫn là con vật thiêng liêng trong sâu thẳm tâm hồn người nông dân Việt Nam. Trâu luôn là bạn của nhà nông.