Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Thuyết minh về con trâu

Thứ bảy - 25/06/2016 09:17
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.
Từ xưa đến nay, trâu luôn là người bạn thân thiết đối với nông dân Việt Nam. Trâu giúp người trong những công việc đồng áng, cung cấp thịt, sữa cho con người. Chính vì lẽ đó, hình ảnh chú trâu vàng vui tính đã trở thành biểu tượng của đất nước Việt Nam trong SEA Games 22, để giới thiệu với bạn bè các nước lân cận.

Trâu thuộc họ bò, bộ guốc chẵn, phân bộ nhai lại. Da trâu màu đen, hoặc xám, phần dưới bụng và ức có một số điểm màu hồng. Sừng hình lưỡi liềm và rất rắn chắc. Bầu vú nhỏ, mông dốc. Mồm dài, phía trên là hai lỗ mũi lớn và thường được xỏ dây. Răng rất cứng và đặc biệt chỉ có ở hàm dưới, còn hàm trên cỏ thịt nhặn nhưng rất cứng. Trâu đực nặng từ 400 đến 450 kg, trâu cái nặng từ 350 đến 400 kg. Nghé sinh ra nhỏ, nặng từ 22 đến 25 kg. Nghé con bú sữa mẹ, chạy quanh quẩn bên chân mẹ và thỉnh thoảng lại kêu tiếng “Nghé ọ!”. Trâu ba tuổi đã có thể đẻ được lứa đầu.

Trâu rất gần gũi với nông dân Việt Nam. Đi về quê thỉnh thoảng ta lại bắt gặp hình ảnh rất nên thơ của mục đồng thổi sáo dắt trâu về. Hơn thế nữa, làm sao chúng ta có thể bỏ qua phút giây:

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.

Về công dụng, trâu giúp người nông dân cày ruộng, đi bừa. Ngày nào cũng vậy, nắng cũng như mưa, trâu đều cày vỡ được 3-4 sào ruộng. Trâu là loài động vật ăn ít, làm khoẻ nên người ta rất thích nuôi trâu. Ngày nay, trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, máy cày dần thay thế sức kéo của trâu. Tuy nhiên, đối với những miền đất dốc, đồi núi mà sức khéo của những loại máy công nghiệp khác không đáp ứng được thì sự khéo léo của trâu lại càng trở nên hữu ích biết bao. Không chỉ cung cấp sức kéo, trâu còn cung cấp nghé, phân bón, đáp ứng cho con người những đồ dùng, dụng cụ sinh hoạt cần thiết khác. Da trâu được dùng làm trống, sừng trâu được dùng làm đồ trang sức, vật liệu làm đẹp cho ngôi nhà. Thịt trâu là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Sữa trâu cũng rất ngon không kém gì sữa bò. Ở Ấn Độ, người ta nuôi trâu để lấy sữa. Ở Việt Nam ta cũng có nhưng chưa phổ biến bằng sữa bò. Đối với những nước đang phát triển, trâu giữ một vị trí rất quan trọng trong nền nông nghiệp. Nhất là đối với những người dân nghèo, không có tiền mua các loại máy hiện đại khác. Khi cần, trâu có thể được bán đi để lấy tiền chi tiêu cho gia đình.

Về chăm sóc và nuôi dưỡng, trâu ăn mỗi ngày ba lần. Vì là động vật ăn tạp nên trâu có thể ăn hầu hết các loại rau cỏ, rơm rạ. Những thức ăn mà người bỏ đi cũng có thể tận dụng để nuôi trâu. Khi đi làm vào ban đêm, người ta có thể cho trâu ăn thêm cơm, cháo hoặc uống nước đường. Sau một ngày làm việc, ta phải cho trâu nghỉ ngơi và chăm sóc nó chu đáo. Ta phái xoa bóp vai cày trong vài phút, bắt ve, cạy đất trong móng chân, đất bùn bám trên mình trâu, vệ sinh sạch sẽ các vết thương, bôi thuốc sát trùng cẩn thận. Mùa hè cho trâu đầm mình xuống nước, tắm hàng ngày. Khi trâu làm việc ngoài nắng 1-2 giờ nên cho chúng nghỉ giải lao, gặm cỏ, uống nước. Chuồng trại phải thoáng mát, tránh mưa tạt, gió lùa. Chuồng phải khô ráo, dễ làm vệ sinh, không bị ứ đọng nước. Nền chuồng nên xây bằng xi măng và nên có mùng để che muỗi. Trâu cái sau khi sinh đẻ phải được chăm sóc chu đáo.

Trâu đã đi vào những lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam:

Dù ai buôn đâu bán đâu
Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về.
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mồng chín tháng tám thì về chọi trâu
(Ca dao)

Để có những ngày hội chọi trâu tưng bừng, nhộn nhịp, người dân Đồ Sơn phải chuẩn bị rất chu đáo trong khoảng tám tháng. Quan trọng nhất là việc chọn trâu và chăm sóc trâu. Người chăm sóc trâu phải là những người có nhiều kinh nghiệm. Điều quan trọng nhất là không để trâu đấu thấy mặt trâu nhà nhằm khôi phục lại bản năng hoang dã của trâu. Lễ hội rất đông vui và trang trọng, có cả lọng che và
 
phường bát âm. Cảnh chọi trâu và màn thu trâu diễn ra rất hồi hộp và không kém phần hấp dẫn. Trâu thắng hay thua đều bị giết để làm lễ cúng thần. Ngày nay, muốn xem chọi trâu, ta không cần đến tận Đồ Sơn vào ngày mồng chín tháng tám âm lịch mà cứ cách hai tuần vào ngày chủ nhật, sới chọi trâu ở quận 9 Thành phố Hồ Chí Minh lại tổ chức thi đấu. Những lễ hội đó đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc.

Không những thế trâu còn đi vào nền văn học dân tộc như nhà thơ Giang Nam đã từng viết:

Thuở còn thơ ngày hai buổi tới trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
Ai bảo chăn trâu là khổ?
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao.

Hình ảnh mục đồng cưỡi trâu về bên tiếng sáo vẳng vào buổi chiều cũng làm rung động con tim của một vị vua anh minh:

Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng
(Lê Thánh Tông)

Ngày nay, sự có mặt của những loại máy cày hiện đại đã dần thay thế hình ảnh con trâu trên cánh đồng. Tuy nhiên, trâu sẽ luôn là người bạn hiền, vẫn luôn có mặt trong tâm khảm của người Việt Nam. Người Việt Nam sẽ tích cực phát triển ngành nông nghiệp để luôn còn “ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.

(Đỗ Thanh Phong)

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây