Trước hết, nón là một đồ dùng rất “thực dụng”. Nó dùng để che mưa nắng. Nón chóp nhọn đầu, nón thúng rộng vành, nón ba tầm như nón thúng nhưng mảnh dẻ hơn... tất cả đều để che chắn cho những con người sống trên một dải đất nắng lắm mưa nhiều. Dù nón có nhiều loại, song nét đặc thù chung của nó là rộng vành (để chống nóng) và có mái dốc (để thoát nước nhanh, che mưa). Ngoài chức năng ứng phó với môi trường tự nhiên, chiếc nón còn hướng tới mục đích làm đẹp cho con người và phù hợp với cảm quan thẩm mĩ của người Việt: đẹp một cách tế nhị, kín đáo. Dưới vành nón, đôi mắt, nụ cười, lúm đồng tiền, những sợi tóc mai, cái gáy trắng ngần của cô gái dường như được tôn thêin nét duyên dáng, kín đáo mà không kém phần quyến rũ... Người ta đội nón làm đồng, đi chợ, chơi hội. Tiễn cô gái về nhà, bà mẹ đặt vào tay con chiếc nón thay cho bao nhiêu lời nhắn gửi yêu thương... Chiếc nón gợi nguồn cảm hứng cho thơ, cho nhạc. Đã có hẳn một bài hát về nón: Nón bài thơ, em đội nón bài thơ, đi đón ngày hội mới”... Giữa những kênh rạch, sông nước chằng chịt ở miệt vườn Nam Bộ, ai đó đã phải ngẩn ngơ vì: “Nón lá đội nghiêng tóc dài em gái xõa”. Chiếc nón còn gợi nhớ dáng mẹ tảo tần: “Quê hương là cầu tre nhỏ/ Mẹ về nón lá nghiêng che...”.
Trong những năm chiến tranh, tiễn người yêu ra chiến trường, các cô gái thường đội nón với cái quai mầu tím thủy chung. Chỉ như vậy thôi đã hơn mọi lời thề non, hẹn biển, làm yên lòng người ra trận... Chiếc nón xuất hiện từ khi nào không ai biết. Từ thời xưa đã có câu: “Nón chuông, khua lụa, quai thao làng Đò”. Chiếc nón quai thao đã được các bà, các cô (tầng lớp trung lưu trở lên) ưa chuộng, chiếm vị trí quan trọng trong trang phục lễ hội của phụ nữ mà thời Nguyễn được sử dụng phổ biến nhất. Ở Hà Nội xưa, các “cô nàng” mười lăm, mười sáu - cái tuổi bắt đầu làm duyên, thường đi sắm chiếc nón Nghệ, về cái nón Nghệ, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy mô tả kĩ lưỡng thế này: “Nón rộng đến 80cm, sâu 10cm, lần lót đan bằng sợi tre rất nhỏ, đằng sau cài những mảnh gương vào. Nón Nghệ nặng lắm vì thế cái “khua” phải cứng, sơn quang dầu. Lèn Hàng Bạc sắm một bộ “chiên, thẻ”. Chiên là miếng bạc vuông, trong đó có vòng tròn, chạm hai rồng chầu mặt nguyệt. Hai chiếc thẻ cũng bằng bạc, to như quân bài tam cúc, chạm hoa lá, ở giữa có cái vòng để buộc quai thao. Cắm hai cái thẻ vào bên trong nón, đặt cái chiên vào đáy khua, rồi chờ phiên chợ hàng tơ, các bà làng Triều Khúc ra bán quai thao. Một bộ quai thao gồm tám sợi bằng tơ, mỗi sợi gồm nhiều sợi tơ, ngoài bọc tơ dệt liên tục, như bấc đèn con. Quai thao dài độ l,5m. Hai đầu mỗi sợi thao là một quả găng, từ đó rủ xuống những chỉ tơ, dài độ 20cm. Phải đưa thao mộc đi nhuộm thâm, nhuộm kĩ”. Chỉ như thế củng đủ biết chiếc nón được làm công phu đến mức nào. Chỉ riêng về cái quai thao của nón cũng rất nhiều chuyện thú vị phải không các bạn?
Để có một chiếc nón ra đời là cả một quá trình lao động nghệ thuật tài hoa, công phu, tỉ mỉ, kiên nhẫn của người làm nón sao cho tròn, nhỏ, nhẵn đều, thanh tú và chọn những chiếc lá non mỏng, sống nhỏ, trắng ngà, nõn nà, đến từng đường khâu có khoảng cách ngắn, đều tăm tắp, không nhìn thấy chỗ nối sợi, tạo nên sự mịn màng như đường may trên vải. Tất cả phối hợp nhịp nhàng, hòa nhập với nhau để tạo nên chiếc nón xinh xắn, mộng mơ, nghiêng nghiêng làm nên nét duyên dáng của con gái Việt Nam.