Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

“Thơ phải có tư tưởng, có ý thức, vì bất cứ cảm xúc, tình tự nào của con người cũng dính liền với sự suy nghĩ. Nhưng tư tưởng trong thơ là tư tưởng dính liền với cuộc sống, ở trong cuộc sống. Tư tưởng của thơ nằm ngay trong cảm xúc, tình tự”

Thứ bảy - 12/11/2016 07:05
Dựa vào các bài thơ đã học, anh (chị) hãy nhận xét về ý kiến trên.
Là một thể loại văn học nằm trong phương thức trữ tình nhưng bản chất của thơ lại rất đa dạng, với nhiều biến thái và màu sắc phong phú. Thơ tác động đến người đọc vừa bằng sự nhận thức cuộc sống vừa bằng khả năng gợi cảm sâu sắc, vừa trực tiếp với những cảm xúc, suy nghĩ cụ thể, vừa gián tiếp qua liên tưởng và những tưởng tượng phong phú, vừa theo những mạch cảm nghĩ, vừa bằng sự rung động của ngôn từ giàu nhạc điệu. Không chỉ hàm chứa cảm xúc, “Thơ phải có tư tưởng, có ý thức, vì bất cứ cảm xúc, tình tự nào của con người cũng dính liền với sự suy nghĩ. Nhưng tư tưởng trong thơ là tư tưởng dính liền với cuộc sống, ở trong cuộc sống. Tư tưởng của thơ nằm ngay trong cảm xúc, tình tự” (Nguyễn Đình Thi - Mấy ý nghĩ về thơ). Là người nghệ sĩ đa tài, Nguyễn Đình Thi đã đưa ra lời luận bàn có giá trị sâu sắc khi nói tới thơ, một loại thể đặc sắc của văn học.
Có người xem thơ ca không khơi nguồn từ sự sống, từ cuộc đời cụ thể. Thơ ca thoát ra ngoài xã hội, lấy thế giới mộng tưởng, lấy cái đẹp thơ mộng trong thiên nhiên, tạo vật và chuyện cao xa muôn đời làm nguồn sáng tạo. Xuân Diệu định nghĩa: “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió. Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây...”. Thế Lữ cũng có một quan niệm gần gũi:
 
“Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ đẹp có muôn hình muôn thể
Mượn lấy bút nàng Li Tao tôi vẽ
Và mượn cây đàn ngàn phím tôi ca”
(Cây đàn muôn điệu)
 
Chạy theo thế giới mộng tưởng thoát li và chơi vơi ấy, thơ ca không thực hiện được chức năng chân chính của mình. Thơ trân trọng phầm thâm thúy, cao siêu... nhưng không phải là cái cao siêu của một đạo, cõi vô cùng mà chính là cái cao đẹp ở giữa cuộc đời mà con người cần phải đấu tranh, bảo vệ để có được.
 
Quan điểm của Nguyễn Đình Thi là một quan điểm dành cho thơ ca chân chính. “Thơ phải có tư tưởng, có ý thức, vì bất cứ cảm xúc, tình tự nào của con người cũng dính liền với sự suy nghĩ”. Thật vậy, thơ thuộc phương thức trữ tình nên thơ lấy điểm tựa ở sự bộc lộ thế giới nội cảm của nhà thơ ở trước cuộc đời. Những suy nghĩ có ý nghĩa khái quát triết học, những nhận thức mang màu sắc đạo lí, những tình cảm xã hội sâu sắc, những cảm giác với nhiều sắc thái cảm nhận và rung động tinh vi đều thuộc về cuộc sống bên trong của nhà thơ và là đối tượng biểu hiện của thơ.
 
Với quan điểm như trên, ngay trong những tác phẩm của mình, Nguyễn Đình Thi đã thực hiện đúng vai trò của một nhà thơ chân chính, một người nghệ sĩ tài hoa. Bài thơ “Đất nước” là một minh chứng tiêu biểu, với đỉnh điểm của cảm xúc và nghĩ suy về đất nước đã chắt lọc thành tư tưởng:
 
“Súng nổ rung trời giận dữ Người lên như nước vỡ bờ Nước Việt Nam từ máu lửa Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”
 
Những câu thơ co lại sáu chữ, dồn dặt, khắc tạc. Bức chân dung dân tộc vừa cụ thể trong âm vang chiến trận vừa vươn tới hình tượng sử thi hoành tráng, giàu sức khái quát. Câu thơ kết là một khám phá độc đáo về chủ nghĩa anh hùng Việt Nam: từ bùn lầy của nghèo nàn, lạc hậu, chúng ta vùng đứng dậy để làm nên thiên thần thoại lịch sử bằng chính lòng dũng cảm phi thường của mình. Những câu thơ trên mang âm hưởng của một thực tế chiến đấu dữ dội, chẳng phải chính nhà thơ đã chắt lọc nó từ hiện thực cuộc sống chiến trường hay sao? Nếu cứ “Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” liệu Nguyễn Đình Thi có tìm thấy chất liệu sáng tác bằng hiện thực đến thế?
 
Tư tưởng trong thơ gắn trực tiếp với chủ thể sáng tạo và nó “dính liền với cuộc sống ở trong cuộc sống. Tư tưởng của thơ nằm ngay trong cảm xúc, tình tự” nhưng không phải là một yếu tố đơn độc, tự nó nảy sinh và phát triển. Thực ra đó chính là quá trình tích tụ những cảm xúc, suy nghĩ của nhà thơ. Nhà thơ chính là con ong hút nhụy từ những bông hoa của đời sống, không có sự tái tạo tài tình của con ong thì phấn hoa cũng không thể thành mật ngọt. Nhà thơ Tố Hữu đã chỉ ra: “Nói cho cùng thơ là kết quả của sự nhập tâm... Nhập tâm từ tâm hồn, tình cảm, đến dáng đi, giọng nói, tiếng khóc, tiếng cười. Nhập tâm đến mức độ nào đó thì thơ ấy hình thành. Có thể nói thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy”. Quan điểm của Nguyễn Đình Thi cũng như Tố Hữu phù hợp với bản chất thơ ca xã hội chủ nghĩa. Trong xã hội cũ, tình cảm trong thơ thường có nhiều trường hợp gắn với những chuyện riêng tư của tác giả. Nhiều nhà lí luận thơ ca của giai cấp vô sản xem thơ là hình thức tự biểu hiện và mỗi nhà thơ là một vương quốc riêng. Quan niệm này dẫn đến chỗ tạo nên ngăn cách giữa nhà thơ và cuộc sống, biến nhà thơ thành một ốc đảo cô đơn. Xem việc tự khai thác và đào sâu vào cái riêng là mục đích của thơ sẽ làm cho thơ nghèo nàn hoặc đẩy thơ đến chỗ bệnh hoạn, kì quái. Cảm xúc trong thơ phải là cảm xúc xã hội.
 
Còn nhớ, thơ ca cách mạng đã tìm được vẻ đẹp khá toàn bích của mình trong thành công của bài thơ “Việt Bắc”. Tiếng thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu đã mượn được hình thức cấu tứ và hình thức thể loại đậm tính dân tộc để thể hiện một cảm xúc mang tính xã hội và nói được những vấn đề rất lớn của thời đại mới. Bài thơ đã chạm được vào chỗ thâm sâu trong truyền thống ân nghĩa thủy chung của tâm hồn con người Việt Nam. Với tầm nhìn của một nhà thơ cách mạng, một nhà tư tưởng. Tố Hữu đã phản ánh sâu sắc hiện thực kháng chiến mười lăm năm của Việt Bắc và dự báo những diễn biến tư tưởng trong hòa bình.
 
Tình cảm mà Tố Hữu nói đến trong tác phẩm của mình không phải thứ tình cảm riêng tư mà là tình cảm nhớ thương, lưu luyến giữa Việt Bắc và những người cán bộ kháng chiến, thứ tình cảm dân tộc. Cảnh tiễn biệt đầy dùng dằng thương nhớ xuất hiện trước một hoàn cảnh đặc biệt: cuộc chia li. Kẻ ở, người đi chung nhau nỗi nhớ, nhưng mỗi người biểu hiện nỗi nhớ theo cá tính của riêng mình. Với kẻ ở, thương nhớ bật thành lời:
 
“Mình về mình có nhớ ta Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng Mình về mình có nhớ không Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?”
 
Trước nỗi niềm cảm xúc kẻ ở, người đi im lặng bồi hồi khôn nguôi “Tiếng ai tha thiết bên cồn Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi Áo chàm đưa buổi phân li Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...”
 
Im lặng là một tư thế trữ tình sâu lắng, để tri âm, để “tiếng ai” ngân vang, đồng vọng trong lòng mình. Im lặng cũng là một cách trả lời, là đồng tình, đồng ý, vừa hợp tâm lí người đi xa, vừa là sắc thái tâm lí kín đáo, sâu sắc của anh cán bộ miền xuôi. Nhưng lặng im mà vẫn không kém phần mãnh liệt. Ngôn ngữ Tố Hữu rất ý tứ. Kẻ ở nói “thiết tha”, người đi nghe “tha thiết”, sự hô ứng ngôn từ này tạo mạch tri âm, người đi đã lắng nhận được nỗi niềm kẻ ở.
 
“Tư tưởng của thơ nằm ngay trong cảm xúc tình tự”. Điều này được thể hiện rõ nét trong giọng điệu chung của thơ ca cách mạng. Thơ ca cách mạng mang theo những tình cảm cao đẹp trong quan hệ mới giữa người với người. Xuân Diệu sau Cách mạng tháng Tám đã tìm thấy một sức sáng tạo mới, một niềm vui mới:
 
“Tôi phải về dự nhạc đoàn viên Nhân loại mới nói cười như trẻ nhỏ Dẫu đã muôn rồi hãy còn sớm chán Hội loài người vui vẻ lắm ngày mai Tôi sẽ xin đời về một sớm mai”.
 
Thơ tứ tuyệt của Bác Hồ biểu hiện những xúc cảm mang tính tư tưởng cao:
 
“Một canh... hai canh... lại ba canh.
Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành
Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”.
 
Trong sự vận động cảm xúc thơ có một hình thái vận động rất phổ biến là vận động từ cảm xúc đến suy nghĩ, từ những rung động trực tiếp đến chiều sâu nhận thức. Tình cảm trong thơ không mâu thuẫn với lí trí. Cảm xúc và suy tưởng có khả năng tạo nên những kết hợp. Thơ không chấp nhận triết lí khô khan, chất triết lí trong thơ là triết lí từ cuộc sống với những tình cảm cụ thể và những hình ảnh sinh động. Khi Tố Hữu viết:
 
“Không nỗi đau nào riêng của ai
Của chung nhân loại chiến công này
Việt Nam ơi, máu và hoa ấy
Có đủ mai sau thắm những ngày”
 
thì chính tác giả đã đưa cảm xúc vào chiều sâu suy tưởng mà vẫn giữ được những xúc động riêng da diết.
 
Tuy nhiên, thực tế phát triển thơ cũng chỉ ra rằng mối liên hệ giữa cảm xúc và suy nghĩ trong thơ biểu hiện bằng nhiều dạng vẻ phong phú, phức tạp. Có khi một câu thơ đã bộc lộ cả cảm xúc và suy nghĩ: “Anh yêu em như anh yêu đất nước. Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần” (Nguyễn Đình Thi); cũng có khi chất suy nghĩ bộc lộ ra ở phần đúc kết, khái quát hóa trong một bài thơ. Qua cuộc đời Nguyễn Văn Trỗi được biểu hiện trong nhiều hình ảnh, cảm xúc thơ, Tố Hữu muốn rút về một ý niệm có tính chất tổng kết:
 
“Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người như chân lí sinh ra”
 
Mỗi nhà thơ đều có quan niệm về mối quan hệ giữa thơ và cuộc đời, Tố Hữu có lần phát biểu: “chính vì lí tưởng cộng sản, vì sự nghiệp vĩ đại của Đảng mà tôi yêu thơ”. “Từ ấy” - tập thơ đầu của Tố Hữu là sự gặp gỡ rất đẹp giữa lí tưởng cộng sản, tuổi trẻ yêu đời và thơ. “Từ ấy” là một tâm hồn trong trẻo của tuổi mười tám đôi mươi đi theo lí tưởng cao đẹp, dám sống, dám đấu tranh. Những chặng đường tiếp theo của thơ Tố Hữu cũng phản ánh trực tiếp mối liên hệ giữa đời cách mạng và đời thơ.
 
Khẳng định quan niệm của Nguyễn Đình Thi về thơ cũng là xác nhận trách nhiệm của người viết với cuộc đời và với thơ. Một nhà thơ chân chính phải thể hiện được tư tưởng đúng đắn, xuất phát từ chính cuộc sống và nằm ngay trong cảm xúc, tình tự.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây