Bác được mệnh danh là
“Vua Chuột”. Ngoài làm ruộng, làm vườn, bác còn săn bắt chuột tài tình. Điếu cày giắt ở cạp quần, vai vác thuổng, bác Tý đi trước, con Vàng, con Mực - hai vệ sĩ theo sau. Đồng Láng, đồng Chăm, gò Tảo, đê Thánh Châu... là đất làm ăn của bác. Người gầy, đen nhẻm, bác có cặp mắt rất tinh, cái mũi rất thính. Hai đầu gối lồi lên như hai củ từ.
Hôm nào bác cũng ra đi từ sáng sớm, đến chiều tà mới về. Hôm nào cũng thấy bác gánh hai xâu chuột, năm sáu chục con, treo lúng lẳng.
Ở chùa Và có vợ chồng con chuột đã thành tinh. Bác Tý đi vòng quanh chùa, ngồi hút thuốc một lúc, bác cười nói với sư ông:
“Tôi sẽ bắt... để hầu Đại Đức và quý vị tăng ni...” Bác xua chó, bác đuổi, bác truy. Bác chịt hết cửa hang dưới gốc đề cổ thụ. Bác hun khói và đổ nước. Bắt được 14 con chuột to, bác Tý nói:
“Còn hai “cụ chuột” đã về hưu, ta bắt nốt”. Chỉ mấy phút sau, hai
“cụ” đã bị tóm. Mỗi
“cụ” cân nặng ngót hai kí, phân của mỗi
“cụ” to bằng ngón tay người lớn! Sư ông chùa Và đã thết bác Tý một bữa cơm chay
“bát vị” tuyệt ngon.
Giữa đồng Chung có một cái gò mọc nhiều cây xanh. Đây cũng là sào huyệt của chuột. Lúa màu có năm bị chuột phá hoại tan hoang. Lần ấy, bác Tý ra tay. Bác đặt bẫy, bác hun khói, bác đào hang, bác dùng hoả công, bác dùng thuỷ chiến... Chỉ sau hai ngày, bác bắt được gần ba tạ chuột. Từ đó, cánh đồng lúa tám thơm được mùa liên tiếp.
Chợ Gò quê cm nay đã trở thành thị trấn sầm uất. Nhiều quán nhậu mọc lên: cà ri chuột, xốt vang chuột, chuột bó giò, chuột xào chua ngọt, v.v... rất hấp dẫn khách nhậu. Bác Tý trở thành nguồn cung cấp đặc sản, nhiều hôm bị
“cháy hàng”. Gần đây có câu ca được nhiều người nhắc đến:
“Chợ Gò mỗi tháng mười phiên,
Xơi miếng thịt chuột, em quên đường về.”
Bác Tý Chuột được cả làng, cả xã tôn vinh là Chiến sĩ bảo vệ cây trồng. Bác đã trở thành triệu phú bắt chuột ở quê em. Bác vẫn xuề xoà vui tính.