Đây chính là triết lí sống là nhân vật Nhĩ đã nhận ra khi anh đang đứng ở bên kia cái dốc của cuộc đời. Phải chăng đây cũng chính là triết lí mà Nguyễn Minh Châu đúc rút nên, vừa mang tính trải nghiệm, vừa mang tính tổng kết cho một đời người. Hẳn rằng phải có sự tinh tế, sự thấu hiểu cũng như sự từng trải, tác giả mới có thể nhận ra chân lí hiển nhiên nhưng lại đầy chua xót và nuối tiếc như vậy.
“Bến quê” là câu chuyện được kể lại qua cái nhìn, chiêm nghiệm của nhân vật Nhĩ, nhân vật trung tâm, nhân vật mà tác giả gửi gắm rất nhiều tâm tư, nguyện vọng cùng những chiêm nghiệm cuộc sống đáng trăn trở.
Nguyễn Minh Châu đã đặt ra những nghịch lí, có thể coi đó là những tình huống tạo nên nghịch lí và tạo nên triết lí cuộc sống sâu sắc nhất. Nhân vật Nhĩ được đặt vào một hoàn cảnh rất trớ trêu “suốt đời Nhĩ từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất” nhưng đến cuối đời căn bệnh quái ác hành hạ, Nhĩ lại chưa từng đặt chân sang bãi bồi bên kia sông Hồng, nơi gần gũi và thân quen nhất. Đây chính là một nghịch lí cuộc sống đáng suy ngẫm.
Cả cuộc đời bôn ba khắp nơi, nhưng cái nơi thân quen và gần gũi nhất, ngay trên quê hương mình lại chưa một lần có cơ hội đặt chân tới. Sự trớ trêu này đã tạo nên ân hận và đầy day dứt trong lòng Nhĩ.
Tuy nhiên vào một buổi sáng, Nhĩ nhận ra mọi thứ quá đỗi thân quen qua ô của sổ, Nhĩ nhận ra vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sông và muốn được đặt chân đến đó trước khi từ giã cuộc đời. Nhưng số phận khắc nghiệt, cuộc sống trớ trêu, Nhĩ lại không thể tự mình làm được cái việc tương chừng đơn giản đó. Đây chính là một nghịch lí thứ hai mà người đọc cảm nhận được.
Cuối cùng Nhĩ đã nhờ đứa con trai sang bên đó hộ mình, để ngắm nhìn bãi bồi màu mỡ, phù sa. Nhưng đứa con trai không thể hiểu được điều mà cha mong muốn nên thực hiện một cách miễn cưỡng nhất. Trên chặng được đi, đứa con trai đã không thể vượt qua được cám dỗ của những người chơi cờ, cậu đã mê mải và sà vào đó, quên mất lời cha, có thể sẽ lỡ mất chuyến đò ngang duy nhất trong ngày. Lúc này Nhĩ mới đau đớn nhận ra “Con người ta trên đường đời khó tránh khỏi những cái vòng vèo hay chùng chình”. Cái sự “vòng vèo hay chùng chình” đó chính là cám dỗ mà con người khó có thể vượt qua được. Nếu không có đủ mạnh mẽ, không biết tỉnh táo thì sẽ rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy đó. Nhĩ bất lực nhìn con trai và cố vươn tới cửa sổ lấy tay vẫy vẫy, Nhĩ cố dồn chút sức lực cuối cùng để bảo đứa con trai hãy đi đi, đừng để những thứ tầm thường xung quanh mình cám dỗ. Đây chính là triết lí mà đi hết một đời Nhĩ mới nhận ra và thấu hiểu. Nhưng tất cả đều đã muộn rồi, cuộc đời Nhĩ sắp không gượng được bao nhiêu nữa.
Với triết lý sâu sắc và đầy sức ám ảnh đó. Nguyễn Minh Châu đã gieo vào lòng người đọc nhiều băn khoăn, nhiều trăn trở khi đang bước đi trên chặng đường đời. Liệu rẳng chúng ta có đủ bản lĩnh để vượt qua được những cám dỗ ngọt ngào ở bên ngoài kia hay không. Sự vòng vèo, chùng chình đó có cuốn chúng ta vào, và chúng ta có bỏ lỡ những điều bình dị nhưng tốt đẹp ở trong cuộc đời hay không.
Như vậy với triết lí sống đó, mỗi khi nghĩ đến nhân vật Nhĩ, nghĩ đến cái khoát tay ở cuối truyện; người đọc càng thêm thấm thía hơn, càng thêm trận trọng cuộc sống hiện tai. Những thứ tưởng chừng như rất đỗi bình dị nhưng lại có sức ám ảnh lớn vỡi mỗi người.