Cùng với quá trình phát triển và hội nhập với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập các tổ chức quốc tế thì việc sử dụng ngoại ngữ (tiếng Anh) là rất quan trọng và cần thiết. Không ai có thể phủ nhận lợi ích vô cùng to lớn mà tiếng nước ngoài mang lại cho chúng ta. Bởi nó là phương tiện giúp chúng ta có thể hội nhập và phát triển với thế giới. Nhờ nó mà chúng ta dễ dàng trao đổi với người nước ngoài khi họ vào Việt Nam làm việc, kinh doanh,… Tuy nhiên nếu chúng ta sử dụng tiếng nước ngoài không đúng mục đích, không đúng hoàn cảnh thì chắc chắn sẽ gây tổn hại đối với tiếng mẹ đẻ của chúng ta.
Tiếng Việt có một hệ thống chuẩn mực, quy tắc chung về phát âm và chữ viết, cách dùng từ, đặt cậu,.. Nói hoặc viết đúng chuẩn mực, đúng quy tắc của tiếng Việt sẽ đảm bảo được sự trong sáng của lời nói. Sự trong sáng của tiếng Việt không cho phép dung nạp tạp chất. Do đó, tiếng Việt không cho phép pha tạp, lai căng, những yếu tố khác. Vậy mà thực tế hiện nay, ta có thể dễ dàng bắt gặp giới trẻ kết hợp cách nói hay viết giữa tiếng ta với tiếng nước ngoài theo kiểu “nửa nạc nửa mỡ”, họ sử dụng tiếng nước ngoài một cách tuỳ tiện, thiếu ý thức, trong một câu tiếng Việt thường chêm vào một vài từ nước ngoài. chẳng hạn : “Trông con bé đó kute quá”, “Điện thoại sắp hết tiền rồi làm sao gọi cho honey đây”, “Anh ấy handsome thật!”, “Các superstar thích xài mobile loại xịn”, “ Idol của tao kìa”, rồi nào là hotboy, hotgirl, …
Nếu tình trạng này không được ngăn chặn kịp thời thì sẽ dễ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Dễ thấy nhất là sự phong phú của tiếng Việt sẽ mất dần mà thay vào đó là sự nghèo nàn về phát âm, chữ viết, dùng từ, đặt câu, không chỉ có vậy nó còn phá vỡ luôn hệ thống chuẩn mực, qui tắc của tiếng Việt. Hãy thử hình dung đến một lúc nào đó, người Việt Nam sẽ xa rời chính tiếng mẹ đẻ của mình, làm cho nó bị pha tạp, lai căng làm mất đi bản sắc vốn có của tiếng Việt. Đó quả là một sự thật đáng buồn!
Chúng ta không thể hoàn toàn phủ nhận tiếng nước ngoài là sai. Trong cuốn Sửa đổi lề lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết : “Tiếng ta còn thiếu, nên nhiều lúc phải mượn tiếng nước khác, nhất là tiếng Trung Quốc nhưng phải có chừng mực. Tiếng nào ta sẵn có thì dùng tiếng ta”. Có nghĩa là chúng ta phải biết sử dụng tiếng nước ngoài cho phù hợp, đúng lúc, đúng nơi, đúng hoàn cảnh giao tiếp.
Chính vì vậy việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đang là công việc của tất cả mọi người đặc biệt là giới trẻ hiện nay. Chúng ta phải biết rằng tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của mình, vì vậy phải làm cho nó ngày càng phong phú, giàu đẹp hơn, phải biết phát huy tính văn hoá của dân tộc không nên làm mất đi vẻ đẹp và sự trong sáng của tiếng Việt, không nên quá lạm dụng tiếng nước ngoài nhưng vẫn cần tiếp nhận những yếu tố tích cực của tiếng nước ngoài. Đồng thời mỗi người cũng cần tránh những cách nói thô tục, kệch cỡm để cho lời nói đạt đến mức độ “lời hay, ý đẹp” và có văn hoá.