Không có cốt chuyện, một chuỗi cảm xúc được biểu hiện qua lời tâm sự của người mẹ: lo lắng, hồi hộp, hi vọng, tin tưởng... các cung bậc ấy cứ đan xen, trở đi ở lại trong lòng người mẹ yêu con. Ngắm nhìn con ngon giấc, mẹ nói với con nhưng là nói với chính lòng mình. Bước ngoặt đầu tiên của cuộc đời con là ngày khai trường con vào lớp Một, nó mở ra một “thế giới kì diệu” cho con. Hơn ai hết, mẹ hiểu điều đó bởi mẹ cũng có một ngày như thế trong đời. Kí ức ùa về, kỉ niệm xưa sống dậy. Việc mẹ làm, điều mẹ nghĩ tất cả đều toát lên tình yêu tha thiết và niềm hi vọng vô bờ gửi cho con. Vừa thấy con bé bỏng, ngây thơ, hồn nhiên, vừa có vẻ trưởng thành. Lòng mẹ vừa vui lại xen một chút lo lắng bồn chồn.
Không gây ấn tượng với người đọc bằng tình tiết, sự kiện mà lôi cuốn người đọc bởi sự miên man của dòng cảm xúc và lấp lánh tình yêu vô bờ của người mẹ. Nói với con nhưng thực ra người mẹ ấy đang nói với chính mình. Cách nói ấy vừa giản dị gần gũi vừa dễ gây được sự đồng cảm bởi nó chân thành và mãnh liệt.
Trong bộn bề tâm sự, lo lắng của người mẹ ấy, ta còn nhận ra vị trí, vai trò vô cùng quan trọng của nhà trường với cuộc đời mỗi con người. Cổng trường mở ra cũng là một thế giới kì diệu cho con, bởi bước qua cổng trường con đến với tri thức, với bạn bè, còn hòa mình vào cuộc sống cộng đồng. Những điều con rất cần trong hành trang bước vào đời bởi theo quy luật của cuộc sống, con không thể mãi bé bỏng để ở trong vòng tay mẹ. Đấy là ý nghĩa sâu sắc của văn bản và cũng là điều người mẹ lo lắng khi con bắt đầu xa dần vòng tay mẹ. Hồi hộp, lo lắng, bởi người mẹ biết rằng “mỗi một sai lầm trong giáo dục sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ mai sau”. Nghĩ đến chuyện nước Nhật xa xôi là để nghĩ đến mình, nghĩ đến trách nhiệm nặng nề của chính bản thân với sự trưởng thành của con và của thế hệ trẻ trên đất nước mình. Phải chăng, người mẹ ấy đang trăn trở, không phải cho riêng đứa con bé bỏng của mình mà trăn trở cho cả một thế hệ tương lai. Trăn trở cho sự tiếp nối, sự chuyển giao thế hệ. Bởi thế giá trị nhân văn của tác phẩm sâu sắc hơn rất nhiều. Cũng bởi thế, vượt ra ngoài một lời tâm sự với riêng con mình, văn bản đặt ra vấn đề cho toàn xã hội là đảm bảo cho con trẻ được học hành, được trưởng thành, trong một môi trường giáo dục tốt nhất, khi mà trong cuộc sống ta còn bắt gặp rất nhiều em bé không có tuổi thơ, trong kí ức của các em không có tiếng trống trường, không có tuổi học trò. Đồng cảm với người mẹ ấy, ta có thể dửng dưng được chăng?
Trở lại với dòng tâm sự của người mẹ. Tin yêu và hi vọng, mẹ an ủi con mình: “Hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”. Đã bảy năm rồi, ta đã hiểu cái thế giới diệu kì ấy là gì. Từ bé bỏng, dại khờ ta đã lớn khôn. Từ những con chữ đầu tiên với nét chữ còn run rẩy ta đã hiểu biết thêm bao điều. Từng ngày, từng ngày ta cần mẫn cùng thầy cô bạn bè tích lũy tri thức, chuẩn bị hành trang bước vào đời, bởi vì ta biết rằng thế kỉ XXI cần những con người không chỉ có đức mà còn phải có tài. Đất nước cần những con người yêu đất nước, cống hiến hết mình, cần những con người có hiểu biết, có trong mình trí tuệ của nhân loại, cần những con người có thể làm thế giới biết đến một Việt Nam giàu mạnh để xứng với thuở xa cha ông đã làm thế giới nghiêng mình về một Việt Nam anh dũng tuyệt vời. Sứ mệnh ấy đặt lên vai lớp trẻ chúng ta. Ta càng hiểu và cảm động biết bao khi đọc những dòng tâm sự bồi hồi của người mẹ như mẹ ta bảy năm về trước.
Khép lại bài vặn là dư âm của một thế giới kì diệu phía sau cánh cổng trường, dư âm của lòng mẹ và tình yêu tha thiết. Dư âm của nỗi mong mỏi, khát khao, niềm tin yêu vô hạn mà cha mẹ, thầy cô và tất cả mọi người gửi cho thế hệ trẻ. Ta thấy lòng mình ấm áp, thấy như mình được chắp cánh để bay tôi những chân trời mơ ước và khát vọng.