Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Sơn Nam và tác phẩm: Bắt sấu rừng U Minh Hạ

Thứ bảy - 09/09/2017 05:49
Đoạn trích Bắt sấu rừng U Minh Hạ rút từ tập truyện ngắn đặc sắc Hương rừng Cà Mau (bao gồm 18 truyện ngắn) của nhà văn Sơn Nam có thể coi là một trong những đoạn trích cho ta hình dung rõ nét và chân thực nhất về đất và người miền cực nam Tổ quốc.
I. TÁC GIẢ
1. Tiểu sử
Sơn Nam (hay Phạm Anh Tài) tên khai sinh là Phạm Minh Tài, sinh năm 1926 tại huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông học tiểu học tại Rạch Giá, trung học tại Cần Thơ, rồi tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, ông trở lại Sài Gòn tham gia viết sách, báo.
 
Sau năm 1975, ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
 
2. Văn nghiệp
Nhà văn Sơn Nam viết nhiều tác phẩm mang đậm dấu ấn Nam Bộ, ông được nhiều người gọi là “ông già Nam Bộ”, “ồng già Ba Tri”, “pho từ điển sống về miền Nam” hay là “nhà Nam Bộ học”. Tác phẩm của ông gồm có: Chuyện xưa tình cũ (1958), Tìm hiểu đất Hậu Giang (nghiên cứu, 1959), Hương rừng Cà Mau (1962), Chim quyên xuống đất (1963), Hình hóng cũ (1964), Vạch một chân trời (1968), Gốc cây - Cục đá và Ngôi sao (1969)...
 
3. Phong cách
Văn Sơn Nam dung dị, thấm đẫm chất Nam Bộ từ giọng điệu, chi tiết đến hình tượng.
 
Đọc văn Sơn Nam, người đọc sẽ có cảm giác được thám hiểm vào một vùng đất xa xôi, bí hiểm nơi địa đầu Tổ quốc. Đó là thế giới của những kênh rạch, những đồng nước mênh mông, của những rừng tràm, rừng đước, bãi sú rậm rạp, nơi trú ngụ của biết bao loài tôm cá, loài cá sấu hung dữ, loài chim thú quý hiếm...
 
Nổi bật trên nền cảnh thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội nơi đây là chân dung những người dân lao động mang dáng vẻ đặc trưng của miền rừng, sông nước Nam Bộ.
 
II. TÁC PHẨM: Bắt sấu rừng U Minh Hạ
1. Xuất xứ
Đoạn trích Bắt sấu rừng U Minh Hạ rút từ tập truyện ngắn đặc sắc Hương rừng Cà Mau (bao gồm 18 truyện ngắn) của nhà văn Sơn Nam có thể coi là một trong những đoạn trích cho ta hình dung rõ nét và chân thực nhất về đất và người miền cực nam Tổ quốc.
 
2. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
Về nghệ thuật, nhà văn đã thể hiện một ngòi bút trần thuật khéo léo, hấp dẫn nhờ thủ pháp tạo không khí kì bí và thủ pháp trì hoãn cốt truyện. Nhân vật chính trong truyện cũng được xây dựng chủ yếu thông qua ngoại hình, ngôn ngữ, hành động, đặc biệt là qua lời kể của những nhân vật khác. Ngôn ngữ đậm đà màu sắc Nam Bộ cũng góp phần làm nên sắc thái riêng hấp dẫn cho những trang văn của Sơn Nam.
 
Truyện được trần thuật từ ngôi thứ ba, người kể chuyện không xuất hiện, nhưng bằng ngôn ngữ dẫn truyện mộc mạc, đậm chất Nam Bộ, độc giả có cảm giác như đang được một người dân miền Tây Nam Bộ chính gốc đưa đến với vùng sông nước U Minh. Nơi rạch Cái Tàu, cá sấu tập trung “nhiều như trái mù u chín rụng”.
 
Không khí âm u, kì bí của vùng U Minh Hạ không chỉ được gợi lên từ cảnh rừng núi, sông nước hiểm trở, nhất là mối đe doạ hiểm hoạ từ bầy cá sấu đông đúc. Không khí ấy còn được khắc hoạ nhờ cách dựng truyện li kì, hấp dẫn của nhà văn.
 
Trước hết, cái “kì” gắn liến với sự xuất hiện bất ngờ và kì lạ của ông Năm Hên, người thợ già chuyên bắt sấu. Bài ca gọi hồn của ông Năm vang lên trên rạch Cái Tàu “nghe ảo não, rùng rợn”. Nó gợi đến chốn “rừng xanh núi đỏ” đầy rẫy hiểm nguy. Nó gọi về những linh hồn lang thang nơi “đầu bãi cuối gành”, bị “hùm tha, sấu bắt” trên bước đường mưu sinh kiếm “manh áo chén cơm”.
 
Cái “kì” càng được khơi dậy trong cái nhìn của những người dân ở ngọn rạch Cái Tàu khi nghe lời giới thiệu của ông Năm: ông có thể bắt sấu trên cạn bằng hai tay không. Mọi người nửa tin nửa ngờ, ai nấy đều háo hức muốn được chứng kiến cách thức bắt sấu “hi hữu” của ông già kì lạ này. Sơn Nam đã khéo léo tạo sự trì hoãn cao độ khi để cho ông Năm lùi thời điểm đi bắt sấu vào sáng ngày hôm sau chứ không phải ngay khi ông vừa mới đến.
 
Hơn nữa, tác giả không miêu tả trực tiếp, cận cảnh ông Năm bắt sấu giữa rừng mà dành một khoảng thời gian chờ đợi hồi hộp, căng thẳng cho những người dân rạch Cái Tàu từ lúc ông Năm cùng với Tư Hoạch vào rừng lúc sáng sớm cho đến xế chiều. Người ta chỉ thấy khói bay lên từ trong rừng chứ không biết cụ thể sự việc bắt sấu diễn biến ra sao.
 
Người đọc cũng hoà cùng với những người dân nơi đây tâm ưạng nôn nao, mong ngóng từng giờ, từng phút kết quả chuyến đi của ông già bắt sấu. Độ căng của cốt truyện được tạo nên từ chính những giờ khắc chờ đợi ấy. Không gian, thời gian tưởng chừng như ngưng đọng. Để đến lúc nghe tiếng kêu réo từng hồi của Tư Hoạch, khoảnh khắc trống ngóng dồn nén như bung ra. Người ta vừa háo hức đổ ra xem, vừa sửng sốt không tin vào mắt mình khi chứng kiến cảnh bốn mươi lăm con sấu còn sống bị buộc nối đuôi thành hàng đẩy bè về. Mọi sự được làm sáng tỏ qua lời kể rành mạch, chi tiết của Tư Hoạch về những công đoạn và kĩ thuật bắt sấu của ông Năm. Nhân chứng, vật chứng đã rõ ràng. Niềm thán phục, ngưỡng mộ, kính trọng của người dân U Minh Hạ dành cho ông Năm Hên được hình thành một cách giản dị, tự nhiên mà chắc chắn.
 
Như trên đã nói, Năm Hên - nhân vật trung tâm trong đoạn trích, là kiểu nhân vật kì lạ. “Kì” từ hình dung cổ quái giống như một ông thầy pháp lúc ông lập đàn giải oan cho những người đã bỏ mạng chốn nước đỏ rừng xanh (“áo rách vai, tóc rối nùi, mắt đỏ ngầu quơ qua quơ lại trên tay một bó nhang cháy đỏ”) đến bài hát ảo não, ghê rợn mỗi khi ông đến một vùng đất mới.
 
“Kì” từ cuộc sống phóng túng, phiêu bạt (chỉ với một chiếc xuồng con, một lọn nhang trần và một hũ rượu, hễ cứ nghe ở đâu có sấu là đến bắt) cho đến nguyên nhân làm nghề bắt sấu (để trả thù cho anh trai bị cá sấu bắt mất chứ không vì danh lợi, phú quý). Đặc biệt kì lạ là tài nghệ bắt sấu bằng tay “phi phàm hi hữu” của ông già Nam Bộ. Tài nghệ ấy khiến cho người trực tiếp chứng kiến cũng như người nghe kể lại phải trầm trồ thán phục là “diệu kể” và tôn ông là “bậc thánh của xứ này”.
 
Tuy nhiên, ở nhân vật Năm Hên, ta cảm nhận được về kì lạ mà không xa lạ, kì lạ mà vẫn rất đỗi thân quen, gần gũi, bởi ông già này mang trong mình những nét tính cách và phẩm chất đặc trưng của người dân vùng sông nước, núi rừng Nam Bộ. Dường như thiên nhiên giàu có mà dữ dội, hiểm trở nơi đây đã chung đúc nên khí chất hào phóng, ngang tàng, bộc trực ở ông. Dường như hơi thở thô phác, hoang sơ, mạnh mẽ của đất rừng U Minh đã thấm đẫm vào hình hài, căn cốt của những người nông dân như ông Năm, bởi họ luôn cắm chắc sự sống vào ruộng đất, lăn lộn trong gian nguy, vất vả, có khi phải đổ mồ hôi, nước mắt, xương máu trong cuộc đấu tranh sinh tồn và mở mang, xây dựng cơ nghiệp.
 
Cuộc sống phiêu bạt nay đây mai đó của ông Năm có lẽ chỉ để thoả chí tang bồng, thực hiện tâm nguyện riêng của ông mà thôi. Ngay ở nguyên nhân khiến ông tìm đến những nơi cá sấu tập trung nhiều để bắt là để trả thù cho anh trai chứ không vì danh lợi, phú quý cũng bộc lộ rõ tính cách hồn nhiên, bộc trực và khí phách “trọng nghĩa khinh tài” của ông già Nam Bộ.
 
Tuy nhiên, việc ông Năm tự nguyện tìm đến để bắt cá sấu còn hàm nghĩa ông muốn tiêu diệt hết những thế lực độc ác để bảo vệ cuộc sống con người. Với ông Năm, việc bắt cá sấu và tài nghệ của ông chỉ là chuyện phụ, chuyện sinh sống bình an của con người mói là chuyên lớn, không chỉ đối với người đang sống mà cả đối với người đã khuất. Điều này lí giải vì sao sau khi bắt xong sấu, ông Năm thắp hương cúng, cầu cho sự siêu thoát, bình an đối với những người bị sấu giết hại.
 
Miêu tả nhân vật Năm Hên qua quá trình thức nhận dần của những người dân vùng U Minh Hạ và gián tiếp qua lời kể của nhân vật khác, vẻ đẹp của ông Năm không phải là vẻ đẹp phát lộ chói sáng ra bên ngoài mà là một vẻ đẹp thâm trầm, kín đáo, cần phải nhìn sâu, nhìn kĩ, phải qua trải nghiệm mới thấy rõ.
 
Đoạn văn nhân vật Tư Hoạch thuật kể lại chiến công bắt sấu giữa rừng bằng tay không của ông Năm, có thể coi là những trang viết hào hùng và đầy hứng thú của nhà văn. Ta có thể hình dung một cách sống động từng công đoạn, từng thao tác khéo léo, nhẹ nhàng khuất phục đàn sấu dữ của ông Năm. Không chỉ cần có sự bình tĩnh, dũng cảm mà ở đây, hơn hết, cần phải có tài trí, mưu lược và kinh nghiệm của một người biết nâng nghề bắt sấu lên thành một kĩ thuật, thậm chí thành một nghệ thuật. Vậy nên, lao động mà vẫn nhẹ nhàng, bình thản, lạc quan; trong hiểm nguy vẫn toả sáng tinh thần tài hoa, tài tử. Đó là cái điềm tĩnh, tài tử của một con người đã nắm chắc được quy luật của tự nhiên, biết tin vào khả năng và kinh nghiệm của chính mình.
 
Văn bản khép lại bằng bài hát gọi hồn, giải oan của ông Năm Hên sau khi đã bắt sống được đàn sấu dữ. Tiếng hát “như khóc lóc, nỉ non”, “như phẩn nộ, hi ai”, gợi không khí âm u, ghê rợn. Nhưng tiếng khóc sụt sùi của “vài cụ già, bà lão chạnh nhớ đến tổ tiên, đến bạn bè mình” đã xua đi cái âm u, ghê sợ từ lời bài hát. Bài hát của ông Năm đã chạm đến tâm tư, nỗi niềm của biết bao người dân lao khổ nơi đất rừng hoang vu, hiểm trở. Nó trĩu nặng niềm xót xa, thương cảm, nhớ tiếc đến những người thân, những người xấu số đã bỏ mạng trên con đường mưu sinh gian khổ... Nó khiến con người ta sống đạo đức hơn.
 
Do đó, hình ảnh ông Năm không còn bị phủ lên vẻ kì bí, xa lạ mà trở nên thân thuộc, gần gũi, ấm áp nghĩa tình con người Nam Bộ nói riêng, người Việt Nam nói chung. Trong nhân vật Năm Hên dường như sống cả những nhân vật tiêu biểu cho nghĩa khí, phẩm cách con người Nam Bộ, đó là những Lục Vân Tiên, Hớn Minh, Vương Tử Trực... trong thơ văn của nhà thơ Đồ Chiểu năm xưa.
 
Người dân Nam Bộ thấu hiểu công lao của ông trước việc tiêu diệt cái xấu, cái ác, không ít người đề nghị dân xóm góp tiền nuôi nấng, phụng dưỡng ông Năm cho đến già. Câu chuyện bắt sấu là chuyện của những con người nghĩa tình.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây