Trước hết, ai cũng nhận ra đây là một câu chuyện lay động lòng người về tình anh em ruột thịt. Xưa nay dân ta quan niệm: “Anh em như thể chân tay”. Tình chân tay khó thể chia lìa ấy đặc biệt càng đậm đà sâu sắc hơn khi chẳng may gặp cảnh sớm mồ côi phải nương tựa chở che nhau để sống. Đó là điều thường thấy trong đời. Tuy nhiên anh em mồ côi mà thương yêu nhau thắm thiết đến được như anh em họ Cao trong truyện thì thật là hiếm. Thế mà tình yêu thương của họ đáng là bài học quý cho người đời. Xúc dộng trước tình anh em đó, cô gái họ Lưu đã quyết định chọn người anh làm chồng. Nhưng hai anh em giống nhau như hai giọt nước khó thể phân biệt. Vì vậy cô gái dùng một mẹo nhỏ: dọn ra một mâm cháo mà chỉ có một đôi đũa. Mẹo ấy không những giúp cô biết ai là anh, nhưng đồng thời cũng cho cô thấy anh em nhà này “Kính trên nhường dưới” thuận thảo hết lòng với nhau.
Dõi theo truyện này, đâu ai tránh khỏi xúc động khi hình dung ra cảnh người em thua buồn, tủi phận mình mà ra đi. Đi mãi, gặp một dòng suối rộng chắn đường, mệt mỏi, bơ vơ, chàng ngồi bên dòng suối mà khóc rồi thiếp đi. Tình cảm thương nhớ anh mình của người em, đọng lại thành một khối rắn chắc trong phiến đá mà chàng hóa thân. Trong khi đó, người anh tuy hết lòng yêu thương vợ nhưng vẫn bỏ nhà đi tìm em. Chàng đi về phía rừng trước mặt rồi cũng đến bên bờ suối, thương nhớ em, chàng ngồi gục bên tảng đá mà khóc. Khóc mãi, thiếp đi mà chết, chàng hóa thành một cái cây cao vút, thẳng tắp không cành nhánh, vươn mãi lên cao như ngóng cổ kiếm tìm em.
Dõi tiếp phần cuối, ai lại không xót thương cho người vợ, trọn lòng chỉ biết có chồng, ở nhà không thấy chồng về, cô vừa đi vừa gọi vừa khóc. Cho đến khi gặp dòng suối rộng cách ngăn. Thấy một thân cây thẳng tắp, mọc bên một tảng đá to, cô gục xuống bên cây. Đau buồn mệt mỏi, cô thiếp đi rồi chết, hóa thành một cây dây leo quấn quýt. Đúng là đến chết cô vẫn không rời chồng mình.
Truyện thật hấp dẫn. Bằng óc tưởng tượng phong phú tài hoa ông cha ta đã thể hiện đạo lí của dân tộc mình là anh em thương yêu lẫn nhau, vợ chồng chung thủy với nhau. Miếng trầu đỏ thắm là hình ảnh đẹp biết bao., là sự kết hợp của lá trầu, miếng cau, vệt vôi hòa quện. Phải chăng cho thấy tình anh em thắm thiết, nghĩa vợ chồng keo sơn là hai nguồn tình cảm chẳng hề cản trở nhau mà trái lại, còn hòa hợp, bổ sung nhau làm nên mái ấm tình nồng trăm năm thấm đượm.
Ngoài ra, “Sự tích trầu cau” còn giải thích tục ăn trầu một phong tục lâu đời của dân tộc ta. Ngày nay, tục này không còn thông dụng nhưng tấm gương sáng về tình anh em, nghĩa vợ chồng kia hẳn là mãi mãi sẽ không mờ phai.