Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích và chứng minh câu thơ sau trong truyện Kiều của Nguyễn Du: Người sao hiếu nghĩa đủ đường.

Thứ hai - 23/11/2020 07:39
Trong truyện Kiều, Nguyễn Du có nhận xét về đức hạnh của Thúy Kiều như sau: Người sao hiếu nghĩa đủ đường. Dựa vào hiểu biết của anh/chị về Truyện Kiều, hãy phân tích và chứng minh câu thơ trên.

I. Dàn ý

1. Mở bài
- Giới thiệu sơ lược về Nguyễn Du và “Truyện Kiều”

- Nêu nhận xét của tác giả về nhân vật Thúy Kiều: "Người sao hiếu nghĩa đủ đường".

2. Thân bài
a. Phân tích và chứng minh Thúy Kiều là người con hiếu thảo
- Dẫu là phận gái nhưng Thúy Kiều ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình là người con lớn, là chỗ dựa đáng tin cậy của cha mẹ và các em.

- Trong cơn gia biến, Kiều rơi vào bi kịch: "Bên tình, bên hiếu, bên nào nặng hơn?”
Nàng chấp nhận hi sinh chữ tình để đền đáp chữ hiếu:

"Để lời thệ hải minh sơn
Làm con trước phải đền ơn sinh thành”.

- Biểu hiện cao nhất của lòng hiếu thảo ở Kiều là hành động bán mình chuộc cha.

- Suốt quãng đời truân chuyên lưu lạc, lúc nào trong lòng Kiều cũng canh cánh nỗi xót xa, tưởng vọng về cha già mẹ yếu; tủi phận làm con không được gần gũi, chăm sóc mẹ cha:

“Nhớ ơn chín chữ cao sâu,
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà...
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?”

- Hi vọng được đoàn tụ gia đình, gặp lại cha mẹ và các em đã trở thành nguồn an ủi và sức mạnh giúp Kiều bao phen vượt qua giông tố của cuộc đời.

- Hân hoan và cảm động khôn cùng trong ngày hội ngộ:

“Trông xem đủ mặt một nhà,
Xuân già còn khỏe, duyên già còn tươi”
(Ý chỉ những người thân trong gia đình đều có mặt đầy đủ và quý nhất là cha mẹ đều còn khỏe mạnh).

b. Phân tích và chứng minh Thúy Kiều là người rất trọng đạo nghĩa ở đời
*. Đối với Kim Trọng
- Thúy Kiều và Kim Trọng đã thề nguyền vàng đá:

“Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng một lời song song”.

Trong cơn vật vã đau đớn trước lúc bán mình cho gã giám sinh họ Mã, nàng đã tha thiết gọi người yêu là Kim lang, coi chàng đã thực sự là chồng của mình, rồi tự trách: “Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”.

- Thúy Kiều cố quên nỗi khổ tâm ghê gớm của bản thân để nghĩ cách đáp đền nghĩa tình với Kim Trọng. Nàng năn nỉ Thúy Vân thay mình nối duyên với chàng:

“Giữa đường đứt gánh tương tư,
Giao loan chắp môi tơ thừa mặc em...
Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ thay lời nước non”...

*. Đối với những ân nhân khác
- Trong quãng đời mười lăm năm lưu lạc, Kiều nhiều lần gặp được người tốt sẵn lòng cưu mang giúp đỡ nàng trong cơn hoạn nạn (Kiều Nhi, sư Tam Hợp, vãi Giác Duyên, Thúc Sinh...). Khi có điều kiện, Thúy Kiều nghĩ ngay đến việc đền ơn đáp nghĩa một cách đầy đủ và trân trọng. Nàng nhờ Từ Hải cho quân lính đi khắp nơi mời họ tới:

“Thoắt đưa tới trước, vội mời lên trên...
Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân,
Tạ lòng dễ xứng, báo ân gọi là”...

- Dù đã tạ ơn rất hậu hĩnh, nàng vẫn tự nhủ lòng phải khắc cốt ghi xương công lao của họ. Điều đó càng khảng định Kiều là người rất trọng nghĩa tình.

3. Kết bài
- Nguyễn Du viết “Truyện Kiều” với cảm hứng chủ đạo là thân phận con người và với mục đích xây dựng nhân vật Thúy Kiều như một tượng trưng cho tất cả những gì là đẹp, là tinh hoa của con người. Hơn hai trăm năm qua, nhân vật Thúy Kiều đã từ trong trang sách bước ra cuộc đời, nàng được người đọc yêu mến, xót xa và thông cảm bởi chính phẩm chất cao quý của nàng: một con người đầy nghĩa tình và hiếu hạnh.

II. Bài làm

Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, người con gái mang vẻ đẹp đối lập với tự nhiên nên phải gánh chịu những truân chuyên, biến cố đầy bất hạnh của cuộc đời. Cuộc đời mười lăm năm trôi nỗi cùng với bao nỗi thăng trầm đắng cay của Thúy Kiều khiến cho người đọc không khỏi xót xa, đau đớn. Có thể nói, trong kiệt tác “Đoạn trường tân thanh” ( Truyện Kiều) của mình, đại thi hào Nguyễn Du đã vô cùng tinh tế và sâu sắc trong miêu tả về cuộc đời cùng với bao đau khổ của nàng Kiều, đưa người đọc vào thế giới của nàng Kiều để cảm nhận thấm thía đến tận cùng nỗi bất hạnh của người con gái tài sắc nhưng có số phận bất hạnh. Chính vì vậy mà Truyện Kiều được coi là một trong những kiệt tác bậc nhất của nền văn học Trung đại, mang lại vẻ vang cho văn học dân tộc. Thúy Kiều trong tác phẩm của Nguyễn Du là một người con hiếu nghĩa, một người tình thủy chung, có thể nói là một người con gái hiếu nghĩa đủ đường, đúng như lời nhận xét của Nguyễn Du “Người sao hiếu nghĩa đủ đường”.

Trong xã hội phong kiến xưa, người phụ nữ thường phải chịu những nỗi bất hạnh, đau khổ bởi sự bất công, những định kiến nghiệt ngã của xã hội. Và Thúy Kiều cũng chính là nạn nhân của xã hội đen tối ấy, không những vậy, xã hội mà Thúy Kiều sinh sống còn hội tụ đủ những mặt tiêu cực, xấu xa, đen tối. Đó là xã hội đồng tiền, trong xã hội ấy con người bị rẻ rung, gây ra bao đau khổ, bất hạnh cho con người. Gia đình của Thúy Kiều cũng bị sự chèn ép của những thế lực đen tối, của xã hội đồng tiền khiến cho Thúy Kiều phải đau khổ, bất lực mà quyết định bán thân để lấy tiền chuộc cha và em khỏi nhà lao, khỏi sự đánh đập tàn nhẫn của bọn quan lại, tay sai.

Phải chấm dứt mối tình đầy đẹp đẽ của mình với chàng Kim để làm tròn chữ hiếu. Nhưng đâu chỉ có vậy, Thúy Kiều còn nhờ cậy Thúy Vân thay mình thực hiện lời nguyền ước với chàng Kim. Chính vì vậy mà Thúy Kiều đúng như trong nhận định của Nguyễn Du “Người sao nhân nghĩa đủ đường”. Trước khi biến cố ập đến, Thúy Kiều vốn là một tiểu thư khuê các sống trong cảnh “Êm đềm chướng rủ màn che” với bao nhiêu mơ mộng lãng mạn của tuổi trẻ, đó là khát vọng tình yêu, khát vọng hạnh phúc, và nàng cũng đã có một mối tình đẹp đẽ, trong sáng với chàng Kim. Hai người còn có những lời thề nguyền ước nguyện tình yêu thật đẹp.

Nhưng biến cố ập đến với gia đình Kiều khi Vương ông bị tên bán tơ lừa, gia sản của gia đình Kiều bị bọn quan lại tịch thu, thậm chí chúng còn bắt Vương Ông vào ngục, không có tiền chuộc ra thì bị đánh đập, hành hạ tàn nhẫn. Không thể chứng kiến cảnh người cha già yếu ngày ngày chịu những trận đòn roi của bọn quan lại, Thúy Kiều trong sự vô vọng cùng cực đã quyết định bán thân lấy tiền chuộc cha, phản bội lại tình yêu với chàng Kim, quyết định này khiến cho nàng vô cùng đau khổ. Bán mình cứu cha cũng coi như một phần báo đáp công ơn dưỡng dục, nhưng đối với Kim Trọng thì nàng vẫn khắc khoải day dứt:

“Tái sinh chưa dứt hương thề
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai
Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”

Quyết định bán mình, Thúy Kiều cũng đã lường trước được những biến cố, đau khổ có thể đến trong tương lai. Nhưng điều làm nàng đau khổ nhất không phải là nỗi đau của bản thân mà lại là lời bội ước với chàng Kim. Thúy Kiều đã nhờ cậy Thúy Vân, mong em có thể giúp mình thực hiện lời ước nguyền, coi như tìm một chút công bằng cho Kim Trọng, cũng là làm vơi bớt nỗi sầu khổ, day dứt đối với sự bội ước của bản thân:

“Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa
Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc ai”

Thúy Kiều vốn là chị, lại là người quyết định bán thân cứu cả gia đình, làm tròn chữ hiếu với cha mẹ, chữ nghĩa với an hem. Nhưng khi có việc nhờ cậy thì Thúy Kiều đã vô cùng chân thành mà nhờ em, nàng quỳ xuống kể về mối nhân duyên đầy nghiệt ngã của bản thân, vì hoàn cảnh gia đình mà phải phản bội lại lời thề ước. Nay tương tư đứt gánh giữa đường, không muốn chàng Kim phải sầu hận, đau khổ, Thúy Vân vì bất đắc dĩ mà phải nhờ cậy em:

“Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”

Như vậy, Thúy Kiều đã mang những vật đính ước với chàng Kim giao cho Thúy Vân và nhờ cậy nàng Vân thay mình thực hiện lời thề ước năm nào, mong Thúy Vân có thể thương xót tình máu mủ mà nguyện ước thực hiện. Những dự cảm bất hảo về một tương lai sóng gió càng làm cho Kiều quyết định chắp nối nhân duyên này, muốn cho lời hẹn ước được trọn vẹn, hai con đường hiếu nghĩa, tình duyên đều được vẹn tròn đôi bên. Có như vậy nàng mới có thể yên tâm đương đầu với những biến cố, những ngày tháng bão tố phía trước, thực hiện được mong ước ấy thì nàng dẫu có thịt nát xương mòn, dù đau khổ đến đâu thì cũng có thể mỉm cười nhẹ nhõm.

Trong xã hội phong kiến xưa vô cùng coi trọng chữ “trinh”, mất đi chữ “trinh” thì giá trị của người con gái ấy sẽ vô cùng rẻ rúng, bị định kiến nghiệt ngã rày xéo, chà đạp. Thúy Kiều vì cứu cha mà phải bán mình, rồi phải sống cuộc sống ở thanh lâu đầy rẫy thị phi, nhơ bẩn. Nhưng hoàn cảnh sống không thể làm ảnh hưởng đến sự trắng trong trong tâm hồn của nàng. Bởi dù phải sống nơi lầu Ngưng Bích trống rỗng, cô đơn, đau khổ đến héo mòn thân xác, nhưng nàng chưa bao giờ nguôi lo nghĩ về cha mẹ, và về chàng Kim:

“Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm”

Cuộc sống lưu bạt nơi lâu Ngưng Bích khiến cho Thúy Kiều đau khổ khi nghĩ về cha mẹ, lo lắng cha mẹ mỏi mòn đứng cửa trông chờ con về, rồi lại đau khổ vì không được phụng dưỡng, chăm lo cho cha mẹ lúc tuổi về già. Nỗi đau ấy đâu ai có thể thấu, đâu ai có thể cùng nàng sẻ chia. Nỗi cô đơn, nhớ nhà nhớ cha mẹ nhưng trên hết là nỗi nhớ của nàng đối với chàng Kim:
 
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”

Biến cố không làm cho tình yêu của nàng Kiều với chàng Kim vơi nhạt đi mà càng làm cho mối tình ấy thêm da diết, khắc khoải, nàng mặc cảm về bản thân, đau khổ khi nghĩ đến tình lang và xót thương cho thân phận đọa đày đau khổ của mình.

Thúy Kiều có thể lưu lạc nơi thanh lâu đầy rẫy thị phi nhưng ta có thể thấy ở nàng những phẩm chất thật cao đẹp, nàng lấy chữ hiếu làm trinh, dù tự trách mình bội bạc nhưng tấm lòng trong sáng dành cho Kim Trọng không chút đổi thay, quả như Nguyễn Du đã nói: “Người đâu hiếu nghĩa đủ đường”.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây