Đoạn trích mở đầu bằng tình thế của vợ chồng chị Dậu khi nồi cháo vừa chín tới. Anh Dậu sau một thời gian bị trói, bị hành hạ đã hồi tỉnh nhưng món nợ thuế thân vẫn còn đó. Bên ngoài, “tiếng trống và tù và đã thủng thẳng đua nhau từ đầu làng đến đình”. Tiếng trống và tiếng tù và ở đây được miêu tả trong trạng thái đối lập, một mặt là “thủng thẳng” với vẻ chậm rãi, từ tốn; mặt khác lại “đua nhau”, tạo thành âm thanh hỗn độn, dồn dập, tạo tình thế thúc bách, không đợi chờ, không trì hoãn. Điều đó được cảm nhận không chỉ với gia đình chị Dậu mà còn cả với bà lão láng giềng qua cử chỉ “lật đật”, qua “vẻ mặt băn khoăn”, qua nhận xét “người ốm rề rề như thế, nếu lại phải một trận đòn, nuôi mấy tháng cho hoàn hồn”. Sự chân thành của bà lão láng giềng thể hiện tình cảm bao dung nhân ái theo quan niệm “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Bản thân chị Dậu cũng ở trong trạng thái ruột như lửa đốt (“Nhưng để cháo nguội, cháu cho nhà cháu ăn lấy vài cái húp đã. Nhịn suông từ sáng hôm qua tới giờ còn gì”). Chị nhớ rất rõ chồng mình đã một ngày không được ăn, lại còn bị trói và đánh đập dã man nữa. Chị rất lo cho chồng, quên cả nỗi mệt nhọc, tất cả chạy ngược chạy xuôi lo cho đủ mấy đồng bạc SƯU để cứu chồng. Đó là một món tiền lớn đối với gia đình chị - một món tiền mà người lao động quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, phải vất vả lắm nhưng vẫn không kiếm nổi. Chị dồn mọi tình cảm cho anh Dậu: dành cho anh “bát cháo lớn” và “rón rén bưng” đến cho chồng. Lời nói của chị đối với chồng cũng thể hiện tình yêu thương rât mực: “Thầy em hãy cô ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột”. Tình cảm vợ chồng thể quan cách xưng hô (thầy em vừa trân trọng vừa đằm thắm yêu thương); qua sự van nài (hãy cố ngồi dậy — (cố) húp ít cháo) mà qua đó cho thấy đối với chị Dậu, chồng con là tất cả.
Trạng thái anh Dậu là mệt mỏi, đau đớn vô cùng, biểu lộ qua các hành động: “uốn vai ngáp dài một tiếng” (uốn vai chứ không phải vươn vai); anh phải “chống tay xuống phản” mới ngồi dậy được; rồi “vừa rên vừa ngỏng đầu lên” (ngỏng đầu chứ không phải là ngẩng đầu. Khi nói ngẩng đầu ta hiểu là có sự chủ động của chủ thể, còn ngỏng đầu cho thấy trạng thái mệt mỏi, sức khỏe kiệt quệ);....
Cả gia đình chị Dậu đang ở trong tình thế đối mặt với sự đe dọa từ phía bọn cường hào ác bá đang hoành hành trong mùa sưu thuế. Đối mặt với lũ tay sai do tên cai lệ đứng đầu ấy không chỉ có anh Dậu đang sống dở chết dở mà còn có cả chị Dậu, một người đàn bà yêu chồng thương con hết mực. Với chị, bất cứ kẻ nào đụng tới những người mà chị yêu thương đều sẽ phải trả giá.
Chị Dậu rất biết hoàn cảnh mà gia đình mình bị rơi vào. Chị phân trần một cách rạch ròi phân minh: “Nhà cháu đã túng lại phải đóng cả suất SƯU của chú nó nữa, nên mới lôi thôi như thế”. Trước hết, chị nhận thức được trách nhiệm phải đóng sưu, phải đóng thuế thân như một nghĩa vụ bắt buộc mặc dù loại thuế đó là loại thuế bất nhân, vô lí mà chính quyền thực dân phong kiến đặt ra: “Chứ cháu có dám bỏ bê tiền SƯU của nhà nước đâu?”. Còn sự chậm trễ trong việc nạp thuế mà theo cách diễn đạt của chị là “lôi thôi” thì liên quan tới cái chết của người em chồng. Chị không hề oán thán em chồng, vẫn gọi một cách dịu dàng là “chú nó”. Việc chậm trễ này là có lí do xác đáng, mà rắc rối lại nằm ở chỗ chú em chết vào năm ta (tức là âm lịch) mà thuế lại tính theo năm tây (tức dương lịch). Cái “lôi thôi” này trở thành cái cười ra nước mắt, cho thấy chính quyền thực dân ngoài việc tìm mọi cách để bóc lột người dân, chúng còn dùng chính sách ngu dân đế cai trị, để tạo cớ đàn áp những người lao động cùng khổ.
Tình thế này đặt ra cho chị Dậu một trách nhiệm lớn lao, bằng mọi giá phải bảo vệ được chồng mình trong hoàn cảnh nguy khốn đó. Sức mạnh của chị Dậu bắt nguồn từ tình yêu thương, từ đức hi sinh quên mình vì chồng con. Đó cũng là một phẩm chất đáng quý của người phụ nữ Việt Nam nói chung. Đấy cũng là một phần quan trọng của cội nguồn sức mạnh dân tộc khiến bất cứ kẻ thù nào cũng phải run sợ.