Cần đặt bài viết của cố Thủ tướng Phạm văn Đồng về Nguyễn Đình Chiểu, một tấm gương yêu nước - chống Pháp cuối thế kỉ XIX vào thời điểm lịch sử những năm sáu mươi của dân tộc ta mới thấy hết được giá trị to lớn của áng văn chính luận hùng hồn mà sâu sắc này. Bởi vì ngay câu mở đầu bài viết, tác giả đã nhấn mạnh: "Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ lớn của nước ta, đáng lẽ phải sáng tỏ hơn nữa trong bầu trời văn nghệ của dân tộc, nhất là trong lúc này": Vậy "lúc này" là lúc nào?
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu", Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết. Nhưng đế quốc Mĩ quay lưng phản bội hiệp định, từ năm 1955 đến năm 1959, chúng tăng cường thảm sát, giết chóc, lê máy chém đi khắp miền Nam Việt Nam. Đây là giai đoạn đầy đau thương, vô cùng đen tối của cách mạng miền Nam. Từ những năm 60, đế quốc Mĩ ồ ạt đưa quân vào miền Nam Trước tình hình đó, hàng loạt phong trào đấu tranh chống đế quốc Mĩ của nhân dân miền Nam nổi lên, tiêu biểu là phong trào bãi công của công nhân, phong trào đấu tranh xuống đường của học sinh, sinh viên. Hàng loạt nhà sư, rồi các nữ sinh tự thiêu để phản đối chính quyền Mĩ - Diệm. Từ 1965, đế quốc Mĩ bắt đấu tiến hành leo thang ném bom, bắn phá miền Bắc.
Đây là một giai đoạn đầy đau thương của đất nước ta trên cả hai miền Nam - Bắc. Còn nhớ, trong Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu đã viết:
"Sổng đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia".
Ngày giỗ của Nguyễn Đình Chiểu, thắp nén hương tưởng nhớ người con kiên trung của đất nước đồng thời nhắc lại tư tưởng của Người, những áng thơ văn yêu nước bất hủ tràn đầy nghĩa khí của Người cũng là để cháu con nhớ lấy mối thù "muôn kiếp" phải trả, hãy cùng "lình hồn" thiêng liêng, bất diệt của nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu bước vào trận chiến sinh tử hôm nay. Bài viết của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng bên cạnh giá trị văn chương to lớn là giá trị thời sự, thời đại vô cùng sâu sắc.
Bài viết có bố cục ba phần rất sáng rõ: Phần mở đầu nêu luận điểm trung tâm: "Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ lớn của nước ta, đáng lẽ phải sáng tỏ hơn nữa trong bầu trời văn nghệ của dân tộc, nhất là trong lúc này". Phần thân bài gồm ba luận điểm chính: Những nét đặc sắc về cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu "một nhà thơ yêu nước"; Những nét đặc sắc về thơ văn yêu nước Nguyễn Đình Chiểu - "tấm gương phản chiếu phong trào kháng Pháp oanh liệt và bền bĩ của nhân dân Nam Bộ": Giá trị tác phẩm Lục Vân Tiên - "một tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu". Phần kết luận đánh giá chung về giá trị "đời sống và sự nghiệp" thơ văn Nguyễn Đình Chiểu.
Đây là một bố cục hợp lí, chặt chẽ thể hiện tính rõ ràng, mạch lạc trong tư duy người viết và đặc trưng nổi bật của văn nghị luận.
Sau khi đặt vấn đề bằng luận điểm: "Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ lớn của nước ta, đáng lẽ phải sáng tỏ hơn nữa trong bầu trời văn nghệ của dân tộc, nhất là trong lúc này", tác giả triển khai bằng thao tác giải thích. Theo tác giả, có hai lí do làm "ngôi sao" Nguyễn Đình Chiểu chưa sáng tỏ hơn trong bầu trời văn nghệ dân tộc. Thứ nhất, chúng ta "chỉ biết Nguyễn Đình Chiểu là tác giả của Lục Vân Tiên, và hiểu Lục Vân Tiên khá thiên lệch về nội dung và về văn". Thứ hai là chúng ta "còn rất ít biết thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu”. Giải thích lí do cho việc hiểu một luận điểm đồng thời đặt cơ sở cho việc triển khai những nội dung của bài viết như vậy là rất chặt chẽ. Hai lí do dẫn tới "ngôi sao" Nguyễn Đình Chiểu chưa tỏa sáng đúng với anh sáng vốn có đều thuộc vế khách quan, tức là thuộc về chúng ta, những người nhìn "ngôi sao" ấy cần "phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng" Tác giả triển khai các luận điểm của bài viết trên cơ sở giúp mọi người có được cách nhìn đúng để "càng nhìn càng thấy sáng" khi đến với con người và văn chương Đồ Chiểu.
Trước hết, vẻ đẹp và ánh sáng của "ngôi sao" Nguyễn Đỉnh Chiểu là vẻ đẹp đáng trân trọng, kính phục của con người và quan điểm thơ văn. "Đời sống và hoạt động của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương anh dũng". Tác giả bài viết đã soi sáng luận điểm đó bằng cách điểm lại những nét lớn về cuộc đời và quan niệm văn chương của Nguyễn Đình Chiểu. Đó là "khí tiết của người chí sĩ yêu nước". Đó là "một chiến sĩ hi sinh phấn đấu vì nghĩa lớn". Tác giả đặc biệt nhấn mạnh tới tính chiến đấu trong con người và quan niệm văn chương của Nguyễn Đình Chiểu: "Nguyễn Đình Chiểu là một chiến sĩ", "thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là thơ văn chiến đấu, đánh thẳng vào giặc ngoại xâm và tôi tớ của chúng", "Nguyễn Đình Chiểu trong chức trách của mình chừng nào thì cồng khinh miệt bọn lơi dụng văn chương để làm việc phi nghĩa". Từ những lí lẽ và những dẫn chứng tiêu biểu, xác thực, người viết đi đến kết luận: "Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu làm sống lại trong tâm trí của chúng ta phong trào kháng Pháp oanh liệt và bền bỉ của nhân dân Nam Bộ từ 1860 về sau, suốt hai mươi năm trời".
Lời kết luận trên đây đồng thời cũng là lời chuyển tiếp kheo léo để tác giả bàn về "ánh sáng" thơ văn yêu nước, chống Pháp của Nguyễn Đinh Chiểu, đặc biệt là Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc Tác giả đánh giá cao ý nghĩa của Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc. Để làm nổi bát ý nghĩa và giả trị to lớn của Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, sau khi "đọc lại nhiều đoạn" trong bài văn tế, tác giả đả so sánh tác phẩm này với Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi: "Hai bài văn: hai cảnh ngộ, hai thời buổi, nhưng một dân tộc. Bài cáo của Nguyễn Trãi là khúc ca khải hoàn, ca ngợi những chiến công oanh liệt chưa từng thấy, biểu dương chiến thắng làm rạng rỡ nước nhà. Bài Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc là khúc ca những người anh hùng thất thế, nhưng vẫn hiên ngang: sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc... muôn kiếp nguyện được trả thù kia...". Cách đánh giá như vậy của người viết vừa làm nổi bật ý nghĩa, giá trị của bài văn tế đồng thời giúp chúng nhìn ra một cách sáng rõ ánh sáng của một bức khốc văn, những giọt nước mắt nóng bỏng chất sử thi và tinh thần bi tráng.
Nhắc đến Nguyễn Đình Chiểu không thể không nhắc đến Lục Vân Tiên. Nhưng như phần mở đầu tác giả bài viết đã chỉ rõ: chúng ta "chỉ biết Nguyễn Đình Chiểu là tác giả của Lục Vân Tiên, và hiểu Lục Vân Tiên khá thiên lệch về nội dung và về văn". Chính vì lí do này mà chúng ta không thấy hết ánh sáng, vẻ đẹp của thơ văn Đồ Chiểu,, Người viết đã "bác bỏ" một số ý kiến hiểu chưa đúng về tác phẩm Lục Vân Tiên bằng cách phân tích và chỉ ra cái hay, cái đẹp của tác phẩm này cả về nội dung và hình thức văn chương.
Về nội dung, tác giả khẳng định Lục Vân Tiên "là một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa!". Lời khẳng định này tưởng không có gì mới nhưng lâu nay chúng ta chỉ nhìn thấy chủ yếu là những tư tưởng Khổng- Mạnh, chưa nhìn thấy hết vẻ đẹp của tư tưởng nhân dân. Tác giả chỉ ra điều đó và khẳng định những tư tưởng mà Nguyễn Đình Chiểu biểu hiện trong Lục Vân Tiên có ý nghĩa muôn đời nhất là trong thời hiện tại, khi cả dân tộc đang ra sức chiến đấu chống lại cái ác, cái xấu, sự bạo tàn mà đế quốc Mĩ đang gây ra trên mảnh đất này.
Về hình thức nghệ thuật, nhiều người chê "những chỗ lời văn không hay lắm" của Lục Vân Tiên, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuất phát từ sự đồng cảm sâu sắc với tác giả Lục Vân Tiên và sự tỉnh tường trong cảm nhận vẻ đẹp của tác phẩm này đã chỉ rõ: "phải để ý đây là một truyện "kể", truyện "nói". Tác giả cố ý viết một lối văn "nôm na", dễ hiểu, dễ nhớ, có thể truyền bá rộng rãi trong dân gian". Còn nhớ, khi so sánh Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu với Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhà phê bỉnh văn học Hoài Thanh đã dùng một phép ví von rất tinh tế. Ông coi Truyện Kiều như là "nhãn Hưng Yên" còn Lục Vân Tiên như là "sầu riêng Nam Bộ", cả hai đều là những "đặc sản" của văn chương Việt Nam. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng chỉ rõ: sở dĩ chúng ta thấy "không hay lắm" là vì chúng ta chưa biết "thưởng thức" đấy thôi.
Viết về Nguyễn Đình Chiểu mà chọn hai điểm nhấn là Lục Vân Tiên và Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc quả là không còn gì tiêu biểu hơn. Đây là hai tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu. Nhưng ngay cả ở những tác phẩm nổi tiếng ấy thì không phải ai cũng nhận ra vẻ đẹp, ánh sáng của nó. Tác giả bài viết đã chọn hai tác phẩm mà gần như ai cũng biết để chỉ ra những điều mà không phải ai cũng biết nhất là trong bối cảnh đất nước lúc bấy giờ, những điều mà tác giả chỉ ra không chỉ có tầm quan trọng trong việc hiểu đúng, hiểu đủ, hiểu sâu sắc một nhà thơ lớn của dân tộc mà còn lấy đó là một tấm gương sáng để sống có ích cho dân, cho nước.
Bài viết của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không chỉ mới mẻ, sâu sắc về nội dung tư tưởng mà còn là một bài viết đạt đến chuẩn mực của một áng văn nghị luận hiện đại. Điều đó trước hết được thể hiện ở lối tư duy lôgic chặt chẽ, khoa học. Người viết không chỉ tỏ ra hiểu biết một cách toàn diện, sâu sắc về con người và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu mà trên cơ sở những hiểu biết ấy đã triển khai thành một hệ thống những luận điểm lớn nhỏ, những luận cứ, luận chứng chính xác, khoa học, giàu sức thuyết phục. Sức thuyết phục của bài viết không chỉ ở bố cục rõ ràng, mạch lạc, chặt chẽ mà còn thể hiện ở lí lẽ, cách lập luận, cách sử dụng đa dạng các thao tác lập luận. Những lí lẽ đều có cơ sở xác đáng, những dẫn chứng đều tiêu biểu, chính xác, phù hợp với luận điểm và lí lẽ. Tác giả vừa triển khai theo lối diễn dịch vừa đánh giá theo lối quy nạp, vừa phân tích vừa tổng hợp, vừa vận dụng lối so sánh hình tượng vừa vận dụng lối so sánh trên nhiều phương diện, có khi là tương đồng, có lúc lại tương phản đặc biệt, cách đặt vấn để trực tiếp và mới mẻ khiến người đọc, người nghe chú ý ngay từ những dòng đầu tiên, thậm chí ngay từ tiêu để của bài viết.
Một bài nghị luận hay là một bài nghị luận có sự kết hợp hài hòa giữa trí tuệ và cảm xúc. Trí tuệ sắc sảo và cảm hứng ngợi ca là sự hòa huyết để làm nên sức hấp dẫn của Nguyễn Đình Chiểu ngôi sao sáng trong bầu trời văn nghệ dân tộc. Trong nhiều đoạn văn, tác giả đã dùng rất nhiều từ ngữ, hình ảnh, những cách diễn đạt sâu sắc, độc đáo để ngợi ca nhà thơ mù đất Đồng Nai. Ví như: "Ngòi bút, nghĩa là tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu đã diễn tả thật là sinh động và não nùng cảm tình của dân tộc đối với người chiến sĩ nghĩa quân vốn là người nông dân xưa kia chỉ quen cày cuốc, bỗng chốc trở thành người anh hùng cứu nước". Hay như: "trong lòng chúng ta, chúng ta hãy đốt một nén hương để tưởng nhớ người con quang vinh của dân tộc!". Viết những câu văn, đoạn văn và bài văn như trên, người viết vừa xuất phát từ sự ngưỡng mộ đối với Nguyền Đình Chiểu vừa xuất phát từ lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần quyết chiến đấu chống bọn xâm lược Mĩ giống như năm xưa cụ Đồ Chiểu quyết tử chiến với giặc Phú Lang Sa.
Giá trị cơ bản của áng văn chính luận: Nguyễn Đình Chiểu ngôi sao sáng trong bầu trời văn nghệ dân tộc của Phạm Văn Đồng chính là ở nội dung tư tưởng sâu sắc, mới mẻ, xúc động, nhất là trong bối cảnh đất nước lúc bấy giờ. Nghệ thuật chính luận với bố cục chặt chẽ, luận điểm, luận chứng, luận cứ sáng rõ,... đã chuyển tải những tư tưởng ấy đến người đọc, người nghe một cách giàu sức thuyết phục.