Sư Tam Hợp đã gọi Kiều là “Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng”. Thật là đúng theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, theo nghĩa tâm hồn lẫn cả tư thế hành động.
Trước mắt là một Thúy Kiều nhiều màu nhiều vẻ và xiết bao sinh động. Ta bắt gặp Kiều trong những tư thế và tâm trạng khác nhau nhất. Trong buổi chơi xuân, vừa mới thở than đầm đìa nước mắt trên một nấm mộ ven đường, Kiều đã say đắm khi gặp Kim Trọng, tối về một mình lặng ngắm bóng trăng mà suy nghĩ về cuộc sống, về con người. Trong những lúc tự tình với Kim Trọng, Thúy Kiều vừa tràn ngập yêu thương, vừa ngại ngùng e ấp, tận hưởng hạnh phúc trước mắt mà lo sọ cho tương lai, với người yêu thì hết lòng chiều chuộng nhưng khi cần thì cũng cương quyết giữ mình. Gặp cảnh gia biến, Kiều hi sinh không chút do dự, khuyên giải cha già, gánh vác, lo tính mọi việc, xót xa cho thân phận mình, căm tức ghê tởm Mã Giám Sinh, hối tiếc cho Kim Trọng và nhìn thẳng vào cái chết... Khi cha, em bị nạn, cái xã hội bạc ác đã buộc Kiều phải đưa lên cán cân những cái không thể nào cân được:
Bên tình, bên hiếu bên nào nặng hơn.
Nhưng đối với Kiều, không thể có nặng, nhẹ, trước, sau. Kiều đã làm tất cả cho tình yêu, thì Kiều cũng sẽ làm tất cả cho cha mẹ khi lâm nạn.
- Ngay từ khi mới vào truyện, giữa ánh chiều sắp tắt, Chị em thơ thẩn dan tay ra về, ta đã cảm thấy cái thơ thẩn này không phải là của một kẻ thờ ơ vô sự, mà là sự sống đang ấp ủ, sẵn sàng bùng ra bất cứ lúc nào. Và nó đã bùng ra vì một nấm mộ bên đàng, trong một thoáng sơ ngộ hay khi gặp cơn gia biến. Nước mắt Kiều không phải để khóc người đời xưa, mà là nhỏ trên kiếp sống của những người bị hắt hủi trong xã hội cũ. Kiều khóc thương bên mộ Đạm Tiên cũng chính là Kiều thoáng gặp Kim Trọng mà “tình trong như đã ...”. Kiều thiết tha được sống, được hưởng hạnh phúc, đến với Kim Trọng mà không hề mặc cả, cũng là Kiều không chút do dự hi sinh cuộc đời êm ấm, hi sinh tình yêu, sẵn sàng đón lấy cái chết để cho gia đình được sống. Kiều thiết tha với hạnh phúc của bản thân, không kém thiết tha hơn với hạnh phúc của người khác. Kiều đã hi sinh tình yêu để cứu cha, cứu em. Trong quan hệ với Thúc Sinh, Kiều không muốn Hoạn Thư vì mình mà chịu thiệt:
Bấy lâu khắng khít dải đồng
Thêm người, người cũng chia lòng riêng tây
Vẻ chi chút phận bèo mây
Làm cho bể ái khi đầy khi vơi.
Sau này Hoạn Thư sẽ được Kiều tha bổng.
Đến với Kim Trọng, lời đầu tiên của Kiều là:
Nàng rằng: Gió bắt mưa cầm
Đã cam tệ với tri âm bấy chầy
Vắng nhà được buổi hôm nay
Lấy lòng gọi chút sang đây tạ lòng.
Khi phải bán mình chuộc cha, nỗi đau đớn day dứt nhất của Kiều không phải là vì số phận riêng mà là vì nghĩ đến Kim Trọng:
Công trình kể biết mấy mươi,
Vì ta khắng khít cho người dở dang
Thề hoa chưa ráo chén vàng
Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa
Trời Liễu non nước bao xa
Nghĩ dâu rẽ cửa chia nhà tự tôi.
Sau này, trong cuộc tái hợp, tất cả những lí lẽ của Kiều để thoái thác trước Kim Trọng, đều quy tụ vào việc Kiều tự cho là mình không còn xứng đáng với người yêu nữa. Kiều không phải là người sinh ra chỉ biết có yêu, nhưng cũng không ai hơn Kiều để đáp lại mối tình của Kim Trọng. Kim Trọng thuê nhà ở bên cạnh nhà Kiều hơn một tuần trăng mới có dịp cất tiếng ướm tình, mới nghe lọt tiếng Kiều bên kia:
“Thoa này bắt được hư không
Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về”
Tiếng Kiều nghe lọt bèn kia:
“Ơn lòng quân tử sá gì của rơi”.
Lời nói của Kim Trọng buông vào hư không nhờ có lời đáp của Kiều mà trở thành giai điệu. Mấy trăm năm sau người ta tưởng còn thấy Kiều “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” đến với Kim Trọng. Bây giờ còn có người chưa hết ngạc nhiên về sự táo bạo của nàng. Nhưng một lời Kiều đủ giải thích tất cả:
Nàng ràng: “Quãng vắng đêm trường
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa
Bây giờ rõ mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”.
Họ lấy sức mạnh của tình yêu để chống với sự ghẻ lạnh thù địch ở đời, họ muốn che chở cho nhau chống lại cái mênh mông vô định của trời đất. Cuộc chiến đấu thật là chênh lệch - tấm gương Đạm Tiên còn đó - nhưng cũng rõ ràng là không có gì có thể chia đứt họ ra khỏi nhau, họ vĩnh viễn là của nhau:
Vầng trăng vầng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song
Tóc tơ căn vặn tấc lòng
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.
Tình cảm của Kiều luôn luôn thức tỉnh, bao giờ cũng nồng nàn, trung hậu, không chỉ trong tình yêu, không chỉ đối với Kim Trọng, mà đối với mọi việc, mọi người, trong mọi hoàn cảnh. Sự thiết tha gắn bó ấy Kiều đã gửi vào tiếng đàn, nó không chỉ mang cái buồn bạc mệnh, mà mang đủ cung bậc tình cảm, hình như Kiều đã gởi vào đấy tất cả sức sống của mình.
Không biết Nguyễn Du khi trao cho Kiều tài thơ, tài đàn, ngoài cái yêu cầu cho đủ lệ bộ cầm, thi đối với khách tài hoa, có nghĩ rằng Kiều sẽ là nghệ sĩ của đời sống không? Nếu Kim Trọng là khách tài hoa trong tình yêu, Từ Hải là khách tài hoa về khí phách anh hùng, thì Kiều cũng tỏ ra xứng đáng với họ ở chỗ đã đặt tất cả tâm hồn vào mọi việc, muốn đi đến tận cùng của sự việc. Kiều ở không yên ổn và cũng không chịu để ai yên ổn. Vương Quan chỉ thuộc làu tiểu sử của Đạm Tiên, Thúy Vân cười chị “khéo dư nước mắt khóc người đời xưa”, còn Kiều, Kiều coi chuyện Đạm Tiên như là chuyện chung của cuộc đời, như là chuyện vận mệnh của chính mình. Đối với cha, em bị nạn, Kiều cũng đã có hành động quyết liệt nhất, cũng quyết liệt như khi Kiều đến với Kim Trọng. Kiều:
Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Làm sao có thể từ chối với Kiều được? Đối với Mã Giám Sinh là một tên vô lại cậy có tiền của đã làm ô nhục người Kiều, Kiều đã gọi nó là “giống hôi tanh”, trút tất cả cái căm giận ghê tởm vào lời nói đó. Đến nhà Tú Bà, khi đã biết rơi vào cạm bẫy, Kiều không chút do dự kết liễu đời mình. Gặp Sở Khanh tỏ ý muốn cứu vớt mình, Kiều hàm ơn, không hề mặc cả, và khi Sở Khanh trở mặt, Kiều quật lại cũng ra trò. Kiều đã không chút do dự nhận lấy roi vọt trước phủ đường - kiện tụng đôi co lôi thôi là việc của cha con chàng Thúc. Kiều rơi vào lầu xanh, sống với Thúc Sinh, với Hoạn Thư nhẫn nhục hết đường, việc báo ơn báo oán như có cái gì quá đột ngột đối với -tính cách Kiều, nhưng ngẫm cho kĩ, hành động quyết liệt ấy cũng là điều dễ hiểu đối với một con người như Kiều.