Trước tiên, chúng ta thấy Thu là một cô bé ương ngạnh, bướng bỉnh, có chút kiêu hãnh của trẻ thơ, có cá tính mạnh mẽ. Ban đầu, Thu có thái độ xa lạ với cha ruột của nó bởi vì anh Sáu đã không gặp mặt đứa con thân yêu trong suốt mấy năm kháng chiến dài đằng đẵng. Nghe cha gọi, Thu “tròn mắt nhìn”, tỏ vẻ “ngơ ngác, lạ lùng”, “chớp mắt nhìn” mặt “tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên”. Anh Sáu càng vỗ về, con bé càng đẩy ra, chẳng chịu gọi một tiếng “ba” cho anh thỏa lòng mong ước, khát khao. Nó không mở lời mời ba của nó ăn cơm khi được mẹ yêu cầu: “Thì má cứ kêu đi”. Khi bị mẹ nổi giận, quơ đũa bếp dọa đánh, nó chỉ nói trống như đang nói với bạn bè cùng trang lứa: “Vô ăn cơm” hoặc đứng trong bếp nói vọng ra: “Cơm chín rồi” (hàm ý kêu anh Sáu vào ăn) hay: “Con kêu rồi mà người ta không nghe”. Ngay cả khi lâm vào thế bí (mẹ vắng nhà, nồi cơm to đang sôi, một mình không thể nhắc xuống để chắt nước được) cô bé cũng nhất định không gọi anh Sáu bằng “ba” để nhờ anh. Nó chỉ đưa mắt nhìn anh - một cái nhìn chờ đợi sự giúp đỡ - rồi kêu lên băng giọng trống: “Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái!”, “Cơm sôi rồi, nhão bây giờ!”.
Bằng một suy nghĩ thông minh, đáo để, nó “nhón gót lấy cái vá múc ra từng vá nước”. Vậy là nó đã gỡ được thế bí cho mình. Rất trẻ con, Thu phản ứng mạnh mẽ sự chăm sóc ân cần của anh Sáu. Nó bất thần hắt cái trứng cá to vàng ra khỏi chén cơm khi anh Sáu để vào chén nó. Trong một phút nóng giận, không làm chủ được bản thân mình, anh Sáu vung tay đánh vào mông nó và hét lên: “Sao mày cứng đầu quá vậy, hả?”. Những tưởng “con bé sẽ lăn ra khóc, sẽ giẫy, sẽ đạp đổ cả mâm cơm hoặc sẽ chạy vụt đi, nào ngờ nó vẫn “ngồi im, đầu cúi gầm xuống”, “im lặng đứng dậy”, “bước ra khỏi mâm”. Sau đó, “xuống bếp, nó nhảy xuống xuồng, mở lòi tói, cố ý làm cho dây lòi tói khua rổn rảng, khua thật to, rồi lấy dầm bơi qua sông”, “sang nhà ngoại, mét với ngoại và khóc ở bên ấy”. Cái trạng thái tâm lí ấy cũng rất trẻ con. Vả lại, cử chỉ cứng đầu còn ẩn chứa thái độ kiêu hãnh của một con bé về khối tình cảm lớn lao dành cho người cha “khác” hiện diện trong bức ảnh chụp chung với mẹ. Nhìn chung, thái độ và hành động của Thu hoàn toàn không đáng trách. Em còn quá thơ dại nên không thể hiểu được những nỗi đau đớn, mất mát do chiến tranh gây ra. Ngày chưa xa cách, trên má phải anh Sáu - cha nó, chưa có vết thẹo. Ngày trở lại thăm con (dù bom đạn vẫn còn rơi), gương mặt của anh đã biến đổi, nhất là mỗi lần xúc động vết thẹo dài lại đỏ ửng lên, giần giật trông rất dễ sợ. Dĩ nhiên, bé Thu làm sao tin chắc đó là cha ruột của mình được?!
Mặt khác, Thu là một đứa bé có nguồn tình cảm tiềm tàng, dồn nén, khi có niềm tin thì bùng lên một cách mãnh liệt, chân thành. Giây phút chia tay người bạn đời, bà con, họ hàng để lại mặt trận đầy khói lửa, anh Sáu vẫn khẽ nói với con: “Thôi! Ba đi nghe con!”. Những tưởng con bé sẽ đứng yên nhìn anh, nào ngờ, nó bỗng kêu thét lên: “Ba... Ba!”. Tiếng kêu của nó như “tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa”, “nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó nhảy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó... nói trong tiếc khóc: “Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!”. Sự bùng nổ tình cảm ấy thể hiện tấm lòng kính yêu vô hạn của Thu đôi với người cha mà có lúc nó xem thư xa lạ. Ở đây, có sự vang ứng, cộng hưởng giữa tình ruột thịt thiêng liêng, cao quý nhất của loài người với khôi tình dồn nén bởi nhân tố thời gian. Và bây giờ, Thu đã thực sự hiểu và tự hào về vết sẹo trên mặt của ba.
Thêm vào đó, Thu là một cô bé rất hồn nhiên. Thương ba, yêu ba, tự hào về ba, Thu “không cho ba đi nữa”, Thu muốn “ba ở nhà với con” nhưng rồi được mọi người, nhất là mẹ, bà ngoại dỗ dành, an ủi thì bé xiêu lòng. Nhưng bé lại ra điều kiện, một điều kiện thật giản dị, làm xúc động lòng người: “Ba về! Ba mua cho con một cây lược nghe ba”. Thu nói câu này trong tiếng nấc nghẹn, vừa nói vừa từ từ rời khỏi bàn tay nồng ấm của ba, để ba kịp thời trở lại đơn vị.
Đoạn cuối truyện, Thu còn là một cô giao liên thông minh, nhanh nhẹn, chu đáo, dũng cảm. Một lần, dẫn một đoàn khách sắp sửa qua sông, cô và một giao liên nữa, tiến trước dọn đường nhưng chẳng may, lọt vào ổ phục kích của giặc. Cô không bối rối. Cô vừa gọi người bạn của mình vừa nói, cô cố ý nói lớn cho bọn giặc nghe: “Tình hình yên, không có gì, anh trở lại dẫn khách đi, còn tôi sang sông lắc xuồng đem qua”. Trong câu nói này có ám hiệu (dấu hiệu kín). Anh giao liên liền quay lại, êm ái và bình tĩnh đưa đoàn khách qua ngã khác an toàn. Riêng cô ta, khi qua sông còn gài lại hai trái lựu đạn. Cô không chỉ thoát nguy hiểm mà còn lừa được đám biệt kích: nghe lời nói của cô, chúng tưởng thật, định hốt cả đoàn khách nên chẳng dám rục rịch, chờ đợi mãi. Cuối cùng, lục tục kéo nhau về, vấp cả hai quả lựu đạn gài, thiệt mạng mấy tên. Một lần khác, trước khi chở các cán bộ cách mạng đi bằng xuồng, cô chu đáo dặn dò lễ phép: “Các bác, các chú, các anh có gì quan trọng nên để trong túi áo, hoặc để trong một cái gói riêng, hễ gặp trực thăng bắn hoặc biệt kích thì đồ quý không bị mất, bị cháy”. Với giọng nói dịu dàng, dễ thương khác hẳn với giọng nói căng thẳng của ông trạm trưởng, Thu đã làm vơi đi nỗi lo cho các cán bộ và được họ dành cho những tình cảm tin yêu, quý mến. Còn khi xuống gặp trực thăng Mỹ đi soi, lên bờ lại đụng biệt kích địch, cô vẫn bình tĩnh chỉ huy đoàn khách tránh địch. Một mình cô dám ở lại chặn biệt kích. Đoàn khách tới địa điểm của trạm tiếp theo. Họ dừng lại nghỉ thì nhìn thấy cô về kịp trong bộ quần áo bùn đất bê bết và đẫm ướt. Vừa chặn địch, vừa bước ra khỏi chỗ nguy hiểm, ấy vậy mà mặt cô vẫn cứ phơi phới như vừa đi dự hội trở về.
Tóm lại, nhân vật Thu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà là một hình tượng được xây dựng rất thành công của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhất là ở đoạn đời cô còn là một đứa trẻ. Tình cha con thắm thiết của Thu trong thiên truyện đã khơi gợi, và càng làm tăng thêm tình yêu của em dành cho người cha ruột thịt của mình.
Vả lại, những phẩm chất thông minh, nhanh nhẹn, chu đáo, dũng cảm của Thu không chỉ làm cho em khâm phục, ngưỡng mộ mà còn đáng để cho em học hỏi và phát huy. Thế nên, gấp trang sách lại rồi mà hình ảnh nhân vật Thu vẫn hãy còn đọng lại trong tâm hồn của em sức rung, sức gợi sâu xa.