Lão Hạc là một lão nông nghèo khổ. Cái đói nghèo ấy cứ dìm sâu đời lão xuống vũng bùn của sự tăm tối và bất hạnh. Lão có một mảnh vườn trồng hoa màu, bão đã phá sạch. Lão lại ốm không gượng dậy được. Vậy nên tiền bạc hết nhẵn, không có thức gì mà ăn. Ông giáo biết vậy. Cũng là chỗ bạn nghèo với nhau, ông giáo đã cố gắng giúp đỡ lão Hạc nhiều lắm. Thỉnh thoảng, ông lại giúp lão Hạc củ khoai, củ sắn. Đối với ông giáo, lão Hạc là một người nông dân nghèo cần cảm thông, chia sẻ. Ông giáo cũng tìm cách nói chuyện của lão Hạc với vợ mình. Đó cũng là những cố gắng của ông giáo để phần nào giúp đỡ lão Hạc về mặt vật chất, chia sẻ với lão cái khó khăn, sự cô đơn tuổi già và cái đói nghèo.
Nhưng ẩn sâu trong tâm hồn lão Hạc là những phẩm chất sáng ngời, lấp lánh. Đọc "Lão Hạc", ta luôn thấy ông giáo là người tin tưởng, chia sẻ với lão Hạc. Nhưng có những lúc, ông giáo không thấu hiểu hết lão Hạc. Đối với một người có nhiều chữ nghĩa, có hiểu biết như ông giáo, sách vở là những thứ rất thiêng liêng, cao quý. Đó là những kỉ niệm của một thời trai trẻ đam mê, hăng hái theo nghiệp học hành. Rồi cuối cùng, dòng đời xô đẩy, ông cũng phải bán hết sách đi. Vậy nên ông giáo tự hỏi con chó vàng đối với lão Hạc sao có thể quý bằng năm quyển sách đối với ông ? Với ông giáo, giá trị của con chó vàng không thể bằng những quyển sách của ông được sao lão Hạc cứ phải băn khoăn về việc bán con chó thế ? Nhưng ông giáo tự đặt ra câu hỏi thì ông cũng tự tìm ra câu trả lời. Rồi ông cũng hiểu ra con chó ấy là của con trai lão Hạc để lại như một kỉ vật cuối cùng trước khi đi phu đồn điền cao su, đi biệt mãi không về. Lão Hạc ngày càng già yếu, không biết anh con trai đang bóng chim tăm cá nơi đâu mà chờ. Lão chăm sóc con chó bằng cả tình thương của một người cha, một người ông. Trong cái xã hội mà nhiều khi, con người còn đối xử bạc bẽo với nhau, liệu có ai yêu thương một con chó như lão Hạc ? Khi lão quyết định bán đi con chó vàng, có lẽ đó là quyết định khó khăn nhất của đời lão. Đôi mắt lão "ầng ậc nước", lão "cười như mếu". Ông giáo đã hiểu và cảm thông cho lão Hạc. Ông "ái ngại", "xót xa" và chỉ muốn ôm choàng lấy lão mà òa lên khóc. Cái tiếc năm quyển sách của mình không còn trong ông giáo nữa. Ông đã ở bên cạnh lão Hạc, an ủi và khuyên bảo lão. Không ai ngờ lão Hạc khóc, lão Hạc ân hận, chua xót vì đã bán đi con chó vàng. Trái tim của lão Hạc sao giàu tình yêu thương vậy ! Mạch máu yêu thương chảy âm thầm trong con người lão không chỉ dành cho con chó vàng mà dành cả cho người con trai. Lão lo xa, viết văn tự nhờ ông giáo trông coi giúp mảnh vườn, khi nào anh con trai về thì trao lại. tấm lòng lão Hạc dáng quý biết bao !
Lão Hạc còn là người sống giàu lòng tự trọng. Vì lão ở một mình, nên lão cẩn thận gửi ông giáo, ba mươi đồng bạc, nhờ bà con xóm giềng lo hậu sự cho lão sau này. Ông giáo bật cười, có lẽ vì không hiểu sao lão Hạc lại định nhịn đói mà để dành tiền. Sau đó, khi lão Hạc không còn gì ăn, ông giáo muốn giúp đỡ, lão đã từ chối gần như hách dịch, lão cứ xa ông giáo dần dần... Ông giáo cho rằng lão Hạc không hiểu ông, và ông buồn lắm. Nhưng không hiểu, không tin ông thì sao lão Hạc lại gửi tiền và vườn lại cho ông giáo ? Lão Hạc chỉ không muốn phiền toái đến những người xung quanh vào những ngày cuối đời...
Thế rồi ông giáo biết lão Hạc xin bả chó của Binh Tư. Ông cứ nghĩ lão Hạc cũng làm cái việc đánh trộm chó vì miếng cơm, manh áo. Ông giáo đã có lúc nghi ngờ lão Hạc. Niềm tin bấy lâu đối với lão Hạc của ông giáo đã có lúc lung lay. Chẳng lẽ thật là như thế sao ? Ông giáo đã lầm tưởng cuộc đời không còn gì để hi vọng, và ngày càng đáng buồn. Nhưng lão Hạc xin bả chó của Binh Tư là để tự kết liễu đời mình. Cái chết trong vật vã đau đớn của lão như một dấu lặng đối với tất cả mọi người. Lão chết để giữ trọn vẹn ba sào vườn cho con trai. Thật đáng kính phục ! Cái chết ấy đã thêm một lần củng cố lòng tin của ông giáo nơi lão Hạc, và lòng tin ấy mãi mãi là một tờ giấy trong sạch, không hề có một vết hoen vàng...
Truyện ngắn "Lão Hạc" thấm đẫm giá trị nhân văn. Với truyện ngắn này, Nam Cao đã nâng hình ảnh của những người nông dân trước cách mạng lên một tầng cao mới, họ nghèo nhưng luôn ẩn trong mình những phẩm chất đáng trọng. Chúng ta vô cùng cảm phục trước những cái nhìn sâu sắc, mang tính triết lí và tình yêu thương đồng loại bao la của Nam Cao.
Với "Lão Hạc", Nam Cao đã tạc vào lòng bạn đọc thân phận một người nông dân trong xã hội cũ - nghèo khổ nhưng ánh lên bao phẩm chất tốt đẹp. Hình tượng lão Hạc là một nét đẹp trong truyện ngắn của Nam Cao, một tác phẩm độc đáo giàu giá trị nhân đạo.