Ở đầu truyện, bằng những nét vẽ khá tỉ mỉ, Đào đã xuất hiện bên máy tuốt lạc với Huân. Hai người này thật tương phản “một đôi bạn trái ngược nhau cả về hình thức lẫn tính nết”. Ở cạnh một thanh niên khỏe, trẻ và đẹp trai, Đào đã nổi bật sự “thua thiệt” về hình thức của mình.
Về ngoại hình, Đào là “người đàn bà ít duyên dáng” cái “thân người sồ sề”, “cặp chân ngắn”, “người thấp lùn”, “hai bàn tay có những ngón rất to, khuôn mặt thô và “thiếu hòa hợp”, “cái đầu nhọn”, “hai gò má đầy tàn nhang vẫn nhọn hoắt bướng bỉnh” và cả cái cách “hai tay chống vào cạnh sườn nhìn mọi người lơ láo”.
Đây là người phụ nữ đã "quá lứa lỡ thì”, bên cạnh những nét thô, thiếu duyên dáng thì Đào là người không có nhan sắc.
Nhưng ở Đào còn có những nét ngoại hình khác gây sự chú ý và nó phản ánh một đời sống bên trong, phản ánh tính cách sắc sảo mạnh mẽ của chị. Nguyễn Khải đặc biệt miêu tả đôi mắt của Đào: “Hai con mắt hẹp và dài đưa đi đưa lại rất nhanh”, “Đôi mắt dài long lanh của Đào liếc qua Huân”, “Chị quay sang nhìn mái tóc xanh mỡ, ... cười mỉm”.
Quả là thông qua đôi mắt ta thấy Đào có cá tính không đơn giản, cuộc sống đã làm cho chị luôn ứng phó linh hoạt với các tình huống. Đôi mắt đó, vừa thông minh vừa ánh lên khao khát hạnh phúc. Và đôi mắt ấy cũng làm bật lên tính ghen tị, đanh đá khi “nhìn người ta hạnh phúc”: Đôi mắt hẹp của Đào loang loáng nhìn sang Duệ, cặp môi như muốn mím chặt lại, gò má càng dồ lên đanh đá..
Quả là cái “lóng lánh” sáng láng thông minh, đùa nghịch và thèm khát hạnh phúc khi liếc nhìn Huân khác xa với đôi mắt “loang loáng” như “dao muốn bổ dọc cô Duệ vốn là người yêu của Huân...”. Chi tiết rất nhỏ nhưng cũng cho thấy Nguyễn Khải đã nhìn nhận, mổ xẻ con người tinh vi đến mức nào. Yếu tố giới tính và cảnh ngộ của Đào đã tạo nên tính cách cho cô ta là: “sống táo bạo và liều lĩnh, ghen tị với mọi người và hèn giận cho thân mình”.
Ta cũng chú ý là khi miêu tả những nét xấu của Đào, Nguyễn Khải không có xu hướng phóng đại nó như Nam Cao miêu tả Thị Nỡ mà ông miêu tả có tính khách quan hơn và đặc biệt kết hợp giữa những yếu tố “thô ráp” và những yếu tố độc đáo “có duyên” của nhân vật này.
Khi miêu tả “hàm răng khểnh” thì tác giả nhận xét “luồn luôn đùa cợt”. Khuôn mặt “càng to nên thô, càng đỏng đảnh”.
Rõ ràng Đào không phải là con người nhàn nhạt, quá đơn điệu và càng không phải là một nhân vật biếm họa. Có cái gì đó ẩn chứa bên trong khiến cô ta trở nên là lạ, khiến trở nên thu hút được sự chú ý của người khác và có nét “hấp dẫn’' riêng. Cái tài của Nguyễn Khải là miêu tả khá kĩ chân dung nhưng không nhằm mục đích đồ họa mà cho thấy nhân vật hiện lên rõ nét trước mắt ta với vẻ sinh động, cho ta thấy cá tính của nhân vật.
Ngay trong buổi lao động với Huân, đôi nét tính cách của Đào đã được bộc lộ: dù rất mệt, đứng chung máy với một người khỏe trẻ và dẻo dai, nhưng Đào không chịu thua kém thanh niên.
Qua miêu tả ngoại hình và hành động, ta thấy số phận Đào không có gì là bình lặng và suôn sẻ trong quá khứ.
Nguyễn Khải cũng rất thành công trong việc miêu tả ngôn ngữ đặc sắc của Đào. Chị “thuộc lòng nhiều truyện thơ cổ, các câu ca, hát ví xưa, khi nói chuyện chị hay vận thành vần” ví von, do đó kho tàng ca dao, tục ngữ luôn được dùng tự nhiên trong đối thoại.
Khi thì tâm sự với giọng đầy buồn tủi, hờn dỗi và chua cay: “Trâu quá xá, mạ quá thì, hồng nhan bỏ bị còn gì là xuân hả các anh?”. Khi thì phản ứng ngay lập tức để chứng tỏ giá trị của mình, lời nói trở nên sắc nhọn, chua ngoa: “Huê thơm bán một đồng mười, Huê tàn nhị rữa giá đôi lạng vàng. Giá đôi lạng vàng chứ chưa vị tất đã bán đâu”. Khi cần thì Đào nhún mình: “Cái tuổi nó đuổi xuân đi. Nồi nào vung ấy, em đã có bố cháu ở dưới xuôi rồi”.
Sau khi giới thiệu nhân vật gây rất nhiều chú ý cho người đọc, Nguyễn Khải kể lại lai lịch và số phận “bảy nổi ba chìm” của Đào.
Đó là người phụ nữ: “lấy chồng từ năm mười bảy tuổi, nhưng chồng cờ bạc nợ nần bỏ nhà đi” sau đó chồng trở về, Đào có người con trai hai tuổi thì chồng chết. Và sau đó đứa con cũng mất. Không nơi nương tựa, không người thân thích, Đào phải bươn chải để kiếm sông, “đòn gánh trên vai, tới đâu là nhà, ngả đâu là giường” không còn chút hi vọng gì ở tương lai. Cuộc sống cực nhọc ấy đã tàn phá nhan sắc của chị “Mái tóc óng mượt ngày xưa qua năm tháng đã khô lại đi như chết, hàm răng phai không thèm nhuộm, soi gương thấy gò má càng cao, tàn hương nổi càng nhiều”. Đào “muốn chết nhưng đời còn dài nên phải sống”. Quả là thái độ bất cần đời. Chính vì thế mà “chị sống táo bạo và liều lĩnh, ghen tị với mọi người, và hờn giận cho thân mình”. Chính vì thế mà chị “ngang ngược” có những cử chỉ khác thường “tay chống cạnh sườn”, đứng khuỳnh tay”.. Những lời nói và hành động của chị như là một phản ứng trước hoàn cảnh, bởi chị đã quá lăn lóc, quá cay đắng trong cuộc đời.
Điều Nguyễn Khải khai thác và làm cho chúng ta đồng tình là ở người phụ nữ lỡ thời ấy vẫn có khát khao như bao người con gái khác.
“Chị muốn quên hết, lại ước ao mình được trẻ lại... một người có quyền được hưởng hạnh phúc như mọi người con gái may mắn khác”.
Đào lên nông trường với tư tưởng buồng xuôi: “Con chim bay mãi cũng mỏi cánh, con ngựa chạy mãi cũng chồn chân, muốn tìm một nơi hẻo lánh nào đó, thật xa những nơi quen thuộc để quên cuộc đời đã qua, còn những ngày sắp tới chị cũng không cần rõ... có gặp nhiều đau buồn hơn”.
Thế nhưng khi sống gần mọi người, nhất là gần Huân, con người luôn cảm thông với số phận của chị. Đào “bừng bừng thèm muốn một cảnh gia đình hạnh phúc, lại hi vọng cuộc đời của mình chưa phải đã tắt hẳn, một cái gì chưa rõ nét lắm nhưng đầm ấm hơn, tươi sáng hơn... cứ lấp loé ở phía trước”.
Giọng trần thuật nhập thân vào ngôn ngữ bên trong của nhân vật đã có tác dụng làm sống lại những mong ước thầm kín của nhân vật.
Có thể nói, từ khi lên nông trường nhằm để quên, nhưng chính cuộc sống lao động và những con người đầy lòng hữu ái đã làm cho Đào trỗi dậy những khao khát hạnh phúc vì Đào đã thay đổi cả tâm tính đế rồi như một điều tất yếu, Đào tìm được hạnh phúc riêng trong cuộc đời ngỡ như quá muộn màng và thờ ơ với mình.
Bức thư ngỏ lời của “ông thiếu úy lò gạch” - Dịu - đã đến thật bất ngờ. Đào đã phản ứng như là sự tự vệ của con người luôn mặc cảm sợ người khác nhạo báng và xúc phạm, thế nhưng sau đó lòng chị “êm đềm" vui sướng kỳ lạ dào dạt không thể nén nổi khiến chị ngây ngất... Đó là sự “thức tỉnh nổi khao khát yêu thương, khao khát hạnh phức mà chị cô hắt hủi”. Chính hạnh phúc bất ngờ và ngọt ngào ấy đã làm chị phải tâm sự với Huân, người luôn “có trách nhiệm với sự tin cẩn của người bạn gái mà anh vốn mến”. Đoạn văn tả cảnh Đào gặp Huân đã cho thấy sự chuyển biến quan trọng trong tính cách của chị. Đào nói giọng nhỏ nhẹ, ngập ngừng. Từ cách xưng hô cho đến suy nghĩ về tương lai, về gia đình và cả những lo toan với đứa con chồng...
Đào đã thực sự là một người yêu, một người vợ, một người đàn bà giàu nữ tính và biết tháo vát đảm đang để có khả năng xây (lựng một tổ ấm tương lai. Đào đang sống thật với chính mình, “chẳng ai ở vậy được suốt đời... chẳng ai muốn đi vất vưởng mãi, ai cũng muốn có một quê hương..”.
Mùa lạc quả là mùa vui của những lứa đôi hạnh phúc. Mùa lạc cũng làm nảy sinh và phát triển những tình cảm tốt đẹp giữa những con người với nhau. Không khí sinh hoạt trong lao động, giọng ca véo von của cô, ngọn gió mát của mùa thu, buổi chiều diễn văn nghệ bất ngờ câu trả lời vừa táo bạo vừa vui của Đào với Lâm và đặc biệt là Đào đã thấy gắn bó với những con người, gắn bó với mảnh đất nông trường như gắn bó với gia đình, với quê hương... Từ sự gắn bó, chị đã có những dự định, những ước vọng về cuộc sống ngày mai...
Rõ ràng cuộc sống mới và con người mới đã cho ta những quan hệ hữu ái giai cấp. Nó là nguồn suối hạnh phúc tắm gội cuộc đời của những số phận như Đào.