Qua lời bàn tán qua lại giữa thơ lại và quản ngục tỉnh Sơn thì Huấn Cao là kẻ đã có tài đức lớn, nào viết chữ đẹp nổi tiếng, nào là đám chỉ huy dân chúng chống lại triều đình, lại có tài bẻ khóa vượt ngục coi chốn lao tù như nơi không người... Với những lời nói phát ra từ miệng của những kẻ đối đầu (đại diện cho bộ máy triều đình), hình ảnh của Huấn Cao càng có tầm lớn, đi vào lòng người như một kẻ anh hùng, một trượng phu đã vượt lên cái bình thường của cuộc đời nhỏ hẹp.
Huấn Cao viết chữ Nho đẹp, lẽ ra ông trung thành với đạo thánh hiền, giữ mình theo lễ nghĩa Nho giáo, trung với vua, một lòng một dạ với triều đình. Một kẻ giỏi giang, nhân cách cao đẹp, đáng là thầy của bao kẻ trong thiên hạ mà lại đứng lên làm phản. Mặt trái này phải chăng có nguyên nhân.
Trong sự đối đầu giữa hai thế lực, Huấn Cao phải chăng đại diện cho cái bất trung, bất nghĩa ở đời? Nếu vậy thì sự mâu thuẫn gay gắt giữa cái đẹp nhân cách (đến kẻ thù cũng phải công nhận) và hành động của ông khiến người ta khó có thể tin được. Một con người chín chắn, trí tuệ như không thể không có thể sự thống nhất trong nhân cách hành động và phong cách sống. Ông vượt lên cuộc đời nhỏ hẹp vì nhân cách lớn, đồng thời bằng nhân cách ấy, ông nhận ra bao nỗi khổ đau âm ỉ của con người, và đi đến quyết định giải phóng họ. Cái bị phủ nhận ở đây là xã hội, một xã hội không còn chỗ cho cái đẹp, một xã hội phi nghĩa. Chống lại xã hội ấy chính là Huấn Cao tự bảo vệ cái tốt đẹp của mình, chiến đấu vì sự hoàn thiện của bản chất đó.
Hơn thế nữa, có lẽ Huấn Cao còn nghĩ tới nhiều người với sự cảm thông thiết tha những nỗi khổ của họ khi sống gượng ép ngạt thở trong sự tối tăm của xã hội. Giải phóng cho họ cũng đồng nghĩa với mục đích mà những nhân cách lớn như Huấn Cao hướng tới.
Nhưng cái thiện ý cao cả ấy của Huấn Cao phải dang dở khi ông không may bị bắt. Sự hoàn thiện ở ông đang chịu thử thách nghiệt ngã của tù lao, gông xiềng. Huấn Cao rất dễ phô đẹp, khoe giỏi khi vùng vẫy tự do, với đồng chí của mình nhưng khi đã ở tù thì không gian của cái đẹp ấy đã bị thu hẹp lại, bó buộc con người trong cái mất tự do. Cái phi nghĩa đang tạm thời chiến thắng và nở nụ cười kiêu ngạo nham hiếm chế giễu ông, hành hạ ông và các bạn với một cái gông tới 7,8 tạ như hòng đè bẹp mọi suy nghĩ. Song với Huấn Cao, dù thế nào cũng vẫn là sự nhất quán trong nhân cách là sự vượt lên trên đời thường để sống đúng với mình. Ông bình thản, lướt ánh mắt sáng lên nhà lao, lên những bộ mặt bất nhân nham nhở, cái nhìn đó như chỉ để nhìn chứ không phải để tìm cho mình một ấn tượng, cái nhìn không căm hờn, không van xin, cầu khẩn. Đó là cái nhìn của kẻ dám chịu, biết hy sinh đế sống đẹp cho đời.
Cái nhìn khác thường ấy, thái độ ngang tàng ấy ở một tên tù phải chăng là khiến người ta nghĩ đó không còn là một tên tù nữa. Viên quản ngục đã ngây người ngay từ giây phút đầu tiên. Con người ác thường ngày trong hắn như bị lãng quên đi để được thay thế bằng sự nhân từ. Huấn Cao như là một thứ ánh sáng kì lạ, đi tới đâu, cái đẹp trang nghiêm đi theo và ảnh hưởng tới đó. Quản ngục thấy nể sợ khi có một người nghệ sĩ trong tay mình.
Cái chậc lưỡi tiếc rẻ của thầy thơ lại khi nghe tin một kẻ tài như ông Huấn mà làm phản thể hiện một mức độ nhận thức chưa đúng đắn về ông. Thầy thơ lại chỉ biết tiếc cho một tài năng bí mật song chưa nhìn ra được cái cao cả của sự hy sinh đó. Chính vì tài năng đức độ ấy mà Huấn Cao tự thấy mình có trách nhiệm giải phóng con người. Thầy thơ lại hiền lành ấy rất gần với mỗi chúng ta, gặp việc gì là nói thẳng nói thật, biết trân trọng cái đẹp song lại như là quá nhút nhát, vướng bận đời thường.
Quản ngục lại khác, y đã chủ động tìm Huấn Cao như không kìm nén nổi lòng mình. Từ lúc Huấn Cao tới, y bứt rứt không yên, trăn trở với những suy nghĩ chưa từng thấy. Sẵn có trong tâm tính một Huấn Cao tài hoa giờ gặp được ông, sự giả dối ác nhân trong hắn nếu có tan biến hết. Môi trường hắn sống chưa thay đổi, nhưng con người đã đổi rồi. Sự day dứt bắt nguồn từ chỗ đó, Huấn Cao thì lại không tin hắn, vì trước cái xấu bao giờ người ta cũng phải cảnh giác. Huấn Cao đề phòng nó là thể hiện một bản tính của cái đẹp nhưng đồng thời cũng tạo ra bi kịch. Tấm lòng thực của quản ngục và vị trí địa vị của hắn đã mâu thuẫn nhau, khiến hắn khổ sở. Một bức lụa có chữ của ông Huấn, niềm ao ước đầy tính nghệ thuật ấy của quản ngục lại không được đáp ứng. Quản ngục suy nghĩ đến mất ngủ chỉ vì một cái đẹp. Hắn vì cái đẹp tròn trịa ấy mà sợ ông Huấn như sợ một đấng thiêng liêng mà “không dám can đảm giáp mặt một người cách xa y nhiều quá”. Quả là nhiều thật, như thiên đường và địa ngục, ánh sáng và bóng tối.
Đến lúc này ta không thể coi quản ngục là cái ác, là bóng tối nữa. Bây giờ hắn biến thành một ánh sáng rồi. Cái thứ ánh sáng nơi quản ngục mới là thứ ánh sáng khó thấy nhất và cũng đáng trân trọng nhất. Nó không sáng lòa như mặt trời nhưng nó là sự phản chiếu lấp lánh của ánh sáng mặt trời trên một dòng nước, dù dòng nước đó tù đọng dơ dáy đến đâu. Quản ngục đã được cảm hóa bằng khí phách, bằng vẻ đẹp, bằng thiên lương tìm ẩn thống nhất trong con người ông Huấn. Cái thiện đến với người này muộn màng nhưng có ý nghĩa xiết bao.
Điều đáng chú ý là khi quản ngục thổ lộ nỗi niềm cùng thầy thơ lại thì người này cũng rất cảm động và tận tình giúp đỡ. Như vậy, quản ngục không phải là một người cá biệt chịu tác động của ông Huấn. Từ hai người này, chúng ta thấy trong cuộc đời cái đẹp vẫn cần thiết biết bao. Ai cũng sẵn sàng đón tiếp nó, vì tất cả đều là con người. Cái đẹp đã tồn tại sẵn và rất cần sự đánh thức cái thiên lương bản tính tốt đẹp sẵn có ở mỗi người.
Một nét rất quan trọng trong vẻ đẹp Huấn Cao là lòng vị tha phục thiện. Khi đã hiểu tấm lòng quản ngục (mà cũng nhờ vào sự truyền đạt ngập ngừng rất thực của thầy thơ lại). Ông Huấn sẵn sàng chia sẻ nỗi niềm với hai người bạn mới - hai phát hiện dáng quý của cuộc đời. Ông Huấn dám quên mình nổi loạn cũng vì cái đẹp, một ngày còn được sống vì những cái đẹp vẫn còn là một hạnh phúc của ông. Tác dụng tích cực của ông Huấn không chỉ khi hoạt động ngoài đời mà phát huy ngay cả khi ngồi tù (không gian hẹp không ngăn cản được), bằng chứng là có hai kẻ “biệt nhỡn liên tài”, phục thiện như những người tốt đẹp nhất: "Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang tô đậm nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò thì run run bưng chậu mực”.
Như vậy, cái không khí này có một vẻ gì đó rất thiêng liêng: không phải là nhà tù (vì không có tù nhân và quản ngục) lại càng không phải xưởng vẽ (vì còn có xiềng, gông) cũng không phải chỉ là chữ viết bình thường như người ta viết một văn tự mà ở đây cả ba đều xuất hồn mình theo từng nét chữ, người viết để dòng cảm xúc chảy trào ra còn người xem như uống lấy từng giọt. Họ quên hết xung quanh; màn đêm, ngục tù, cái án tử hình khủng khiếp... để say sưa sung sướng trong cái trần thế khoái lạc của sự giao cảm nghệ thuật: cuộc sống đã cho xuất nghĩa đủ đầy của nó trong không gian, thời gian đặc biệt.
Câu chuyện kết thúc trong âm vang những lời tâm sự nhắn gửi của Huấn Cao. Trong không khí này, với bức lụa trắng tinh nguyên còn đó không thể nào quản ngục quên được những lời tâm huyết kia. Từng lời của Huấn còn đọng lại ở tất cả những gì, những ai ông đã đi qua, đã bắt gặp. Ông đang đi trên con đường chính nghĩa, ông làm đẹp cuộc đời ở nơi này để ra đi đuổi hết bóng tối ở nơi khác. Ông tạm biệt nơi này để bắt đầu một cuộc chiến đấu mới vì con người và cho con người.
Nguyễn Tuân đã gửi vào Huấn Cao tâm tư của một thời Cái đẹp không bao giờ chết, vẫn sống lại trong tác phẩm và đến với chúng ta như một người bạn vĩnh cửu của con người.