II. Giải quyết vấn đề:
1. Giới thiệu chung hình ảnh Sông Đà trong tác phẩm:
Dòng Sông Đà là một trong hai hình tượng nghệ thuật chính của tuỳ bút cùng với hình tượng người lái đò làm nên bức tranh toàn cảnh và hết sức sinh động về Sông Đà. Dòng Sông Đà là phông nền, khung cảnh để từ đó hiện ra hình tượng trung tâm: Người lái đò. Hình ảnh dòng Sông Đà vừa là đối tượng đuợc Nguyễn Tuân miêu tả trực tiếp vừa là phương thức nghệ thuật để gián tiếp làm nổi bật hình tượng nhân vật trung tâm: Người lái đò. Tuy nhiên trong thiên tuỳ bút này Nguyễn Tuân dành khá nhiều bút lực để miêu tả dòng sông. Dòng sông được miêu tả bằng tất cả sự say mê hứng khởi của Nguyễn Tuân. Phong cách nghệ thuật, sở trường của Nguyễn Tuân cũng được bộc lộ đầy đủ ở hình tượng dòng Sông Đà. Dòng sông như một khám phá của Nguyễn Tuân, như một cơ hội được nhà văn khoe ra tất cả sự tài hoa uyên bác nghệ sĩ của chính mình. Dòng sông Đà hiện lên trong trang tuỳ bút như một sinh thể độc đáo vừa có hình hài vừa có cá tính, phong cách có cả số phận. Ngòi bút của Nguyễn Tuân đi sâu miêu tả hai nét tính cách trái ngược của dòng sông Đà: hung bạo và trữ tình.
2. Phân tích hình ảnh dòng sông Đà:
Khác với những hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm tự sự ( truyện ngắn, tiểu thuyết) hình ảnh sông Đà trong tuỳ bút này được giới thiệu về phẩm chất, tính cách một cách trực tiếp. Trữ tình và hung bạo là hai nét tính cách mà Nguyễn Tuân phát hiện từ dòng sông Đà rồi giới thiệu tới người đọc. Đây cũng là nét phong cách riêng của Nguyễn Tuân khi thể hiện một hình tượng nghệ thuật.
a. Sông Đà hung bạo:
Ngay từ lời đề Nguyễn Tuân đã phát hiện ra cái độc đáo của sông Đà ” Chúng thuỷ giai đông tẩu, Đà giang độc bắc lưu” Sông Đà không chịu chung hướng với các dòng sông khác mà chọn một hướng đi riêng. Cái độc đáo của sông Đà trước hết bộc lộ ở tính cách hung bạo. Cái hung bạo của con sông Đà hiện lên ở bờ đá ven sông “đá bờ sông dựng vách thành” Vách đá chẹn ngang lòng sông như một cái yết hầu Nguyễn Tuân đưa ra khá nhiều hình ảnh để tả lòng sông chỗ bị đá chen. Tài quan sát và vốn từ ngữ phong phú đã giúp Nguyễn Tuân miêu tả thành công cái dữ dội của đá nơi lòng sông. Vách đá ấy giống như một thứ hùm beo ăn thịt đời sống của cả dòng sông Đà.
Cái dữ dội của dòng sông Đà còn ở tiếng nước, thác nước. Lối văn trùng điệp hình tượng hoá tiếng nước dữ dội của sông Đà. Nó lúc nào cũng trong tư thế cuồng phong thuỷ chiến. Tiếng nước được nhà văn miêu tả như tiếng một con vật khổng lồ đang bị hành hình.
Dòng sông được miêu tả như một thuỷ quái đang giãy chết. Như một điện ảnh gia Nguyễn Tuân còn hình dung ra cảnh: một anh bạn quay phim táo tợn ngồi vào chiếc thuyền để hút nước sông Đà hút xuống dưới tận đáy sông để rồi từ đó lia ngược máy quay phim lên. Nước sông Đà như một khối bê tông thuỷ tinh đúc dày. Khối bê tông này có thể đổ ập xuống cả người, cả máy quay phim. Hình ảnh ấy gợi ra vẻ dữ dội nhưng kỳ vĩ của sông Đà. Dòng dông lúc nào cũng ở trong cơn cuồng nộ muốn hút vào lòng nó tất cả những gì trên bề mặt sông Đà. Tính hiếu chiến ấy là biểu hiện rõ nhất của dòng sông Đà hung bạo. Nguyễn Tuân còn tả hết sức tường tận những thác nước sông Đà. “Tiếng thác nước nghe như là oán trách gì rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích giọng gằn mà chế nhạo” Dòng sông Đà như uất ức hờn giận. Đặc sắc nhất là Nguyễn Tuân lấy lửa để tả nước làm cảnh sắc sông Đà dữ dội, hoành tráng “Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vẫn tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cũng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng”.
Đá ở sông Đà cũng hung bạo như thác nước sông Đà. Những hiểu biết về võ thuật, quân sự giúp Nguyễn Tuân miêu tả thành công thạch bàn trên ở lòng sông. Mỗi hòn đá mang gương mặt của những chiến binh “Mặt hòn nào cũng ngỗ ngược” một hò đá trông nghiêng thì y như là đang hất hàm hỏi tên chiếc thuyền. Cả đại dương đá dàn thành trận địa sẵn có hàng tiền vệ, có những boong ke, pháo đài đá, cửa tử, cửa sinh. Khi con thuyền của người lái đò xuất hiện đá ở sông Đà nước ở sông Đà tất cả nhổm cả dậy giao chiến với người lái đò. Sông Đà trở thành một chiến địa dữ dội hào hùng.
b) Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân sông Đà không chỉ hung bạo mà nó còn rất trữ tình. Trước hết là hình day mềm mại duyên dáng của dòng sông. Từ trên cao nhìn xuống Nguyễn Tuân được chiêm ngưỡng toàn cảnh dòng sông trong dáng hình mềm mại uốn lượn tự nhiên của nó. Nguyễn Tuân đã so sánh dòng sông Đà với sợi dây thừng ngoằn ngoèo. Sự so sánh giản đơn nhưng chính xác độc đáo nên tạo được sự bất ngờ thú vị. Sông Đà đẹp thơ mộng trước hết ở vẻ đẹp tự nhiên ấy.
Dòng nước sông Đà cũng mang vẻ đẹp duyên dáng, thi vị: ” Từng nét sông tải ra trên đại dương đá. Từ trên cao, trên nền một đại dương đá núi ẩn hiện lờ mờ qua làn mây là một con sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng 2 và cuồn cuộn khói núi mèo đốt nương xuân” Nguyễn Tuân so sánh dòng sông với áng tóc của người con gái. Sông Đà hiện lên như một mỹ nhân duyên dáng, đài các. Sông Đà trở thành nơi hội tụ vẻ đẹp của đất trời, con người Tây Bắc. ít nhà thơ, nhà văn nào tả sông nước bằng hình ảnh nét sông tãi ra, tả con sông bằng áng tóc trữ tình. Nguyễn Tuân đã miêu tả dòng sông bằng tâm hồn của một thi sĩ nên đã tạo được những liên tưởng kỳ thú như thế về dòng sông.
Sông Đà còn có màu nước trữ tình, mùa xuân dòng xanh ngọc bích mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa. Sự thay đổi màu nước theo mùa làm dòng sông giống hệt một thiếu nữ thất thường. Nghệ thuật so sánh bất ngờ táo bạo rất Nguyễn Tuân đã làm nên một sông Đà thơ mộng, trữ tình, đa tình, đa cảm. Sông Đà là con sông gợi cảm. Dòng sông Đà mang lại khơi dậy trong lòng người bao nỗi niềm xúc cảm: “Đã có lần tôi nhìn sông Đà như một cố nhân”. Sông Đà gợi niềm vui của con người với cảnh cũ, tình xưa. Đến với sông Đà Nguyễn Tuân còn thấy lòng mình như trẻ lại, thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt rồi bỏ chạy. Sông Đà đã gợi nỗi niềm thơ bé trong lòng tác giả. Cảnh bờ bãi ven sông còn gợi lên trong Nguyễn Tuân niềm vui, niềm hứng khởi rất thi sĩ: “Chao ôi, trông con sông vui như thấy nắng giòn tan sau kỳ mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng”. Đặc biệt sông Đà còn gợi trào dâng cảm hứng thi sĩ, đứng trước sông Đà không ai không nghĩ đến những câu ca dao thần thoại Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, những câu thơ tình của Tản Đà, những câu thơ Đường của Lý Bạch. Bỗng chốc sông Đà đã biến Nguyễn Tuân thành thi sĩ của tình yêu cảnh vật, cuộc đời, thiên nhiên xã hội con người.
Vẻ đẹp trữ tình của sông Đà còn toát lên từ không gian tĩnh lặng. Phải chăng đây là đoạn Sông Đà ở hạ nguồn dòng sông hiền lành yên ả” Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lý, đời Trần, đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi “. Cái tình lặng ở sông Đà đưa Nguyễn Tuân trở về với quá khứ. Sông Đà trở thành nơi hội tụ của vẻ đẹp lịch sử. Cũng bằng liên tưởng, xúc cảm đồi dào Nguyễn Tuân đã nhận ra vẻ đẹp mộng mơ, huyền ảo, hồn nhiên hoang dã của sông Đà. “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích thủa xưa”. “Bờ tiền sử, nỗi niềm cổ tích thủa xưa” là cách nói rất độc đáo của riêng Nguyễn Tuân. Nó không chỉ tạo cho câu văn nhạc tính mà còn làm ra giá trị gợi cảm của nó. Dòng sông Đà hiện nên thơ mộng, trữ tình, hồn nhiên, tươi sáng. Cảnh sắc ven sông Đà đẹp như trong huyền thoại cổ tích. ở đó cây lá đều tươi mới non tơ” những lá ngô non đầu mùa, những búp nõn cỏ gianh, ở đó có những con vật hoang dã nhưng nghe được tiếng người: ở đó con người đắm chìm trong cảnh vật, thấu hiểu tiếng nói của loài vật. Vẻ đẹp của dòng sông Đà thật trữ tình thơ mộng.
Hung bạo và trữ tình là hai nét tính cách đối lập nhau tạo nên vẻ đẹp đầy sức lôi cuốn của sông Đà. Trong cách miêu tả của Nguyễn Tuân, sông Đà thực sự là 1 người tình nhân chưa quen biết, là một mỹ nhân lắm bệnh nhiều chứng chốc dịu dàng đấy, chốc lại bẳn tính gắt gỏng. Bút pháp lãng mạn với thủ pháp tương phản, hệ thống hình ảnh được tạo ra từ những liên tưởng kỳ thú đã giúp Nguyễn Tuân miêu tả vẻ đẹp kỳ thú đặc biệt độc đáo của sông Đà.