Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích hình ảnh ông đồ trong bài thơ: Ông đồ để làm rõ niềm cảm thương chân thành về một lớp người và lòng hoài niệm một thời đã qua của Vũ Đình Liên.

Thứ tư - 20/07/2016 00:42
Sự thất thế của Nho học và giới trí thức cũ đã được Trần Tế Xương phản ánh ngắn gọn và chua xót.
Nào có ra gì cái chữ Nho
 Ông nghè, ông cống cũng nằm co
 Sao bằng đi học làm thông phán
 Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò.
 
Riêng Vũ Đình Liên với bài ông đồ đã in bóng dáng của một thời tàn và nỗi lòng ân hận của lớp người đương thời.
Thực vậy, Ông đồ chính là “các di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn” (Vũ Đình Liên) đã bị rơi vào quên lãng. Qua hình ảnh này, nhà thơ thể hiện niềm thương cảm chân thành với ông đồ, nỗi hoài niệm đối với một thời đại đã qua.
 
Trước hết là hình ảnh ồng đồ trong thời đắc ý. Tầng lớp nho sĩ xưa, nếu đỗ đạt cao, làm quan to là vinh hiển nhất, nếu không thì thường dạy học, gọi là ông đồ. Đầu thế kỉ XX, chế độ thi cử phong kiến dần dần bị bãi bỏ tại Nam Kì, Bắc Kì rồi Trung Kì. Chữ nho được ít người trọng vọng. Trong hai khổ đầu, nhà thơ đã hết lời ca ngợi tài năng ông đồ. Đó là một tài năng được số đông tán thưởng, yêu mến. Ông xuất hiện cùng mực tàu giấy đỏ bên hè phố mỗi khi hoa đào nở như cùng góp thêm vào cái đông vui, cái rực rỡ của phố phường đang tưng bừng đón Tết. Hình ảnh đó đã trở thành quen thân không thể thiếu trong dịp Tết đến, xuân về. Câu đối đó của ông đồ là một trong những thứ cần thiết để đón xuân:
 
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
 
Chữ nghĩa thánh hiền và nghề dạy học của ông trong cái xã hội tôn sư trọng đạo ấy khiến ông được mọi người kính nể. Theo phong tục, ngày Tết đến, mọi người cần sắm câu đối hoặc một đôi chữ nho viết trên giấy điều dán trên vách, trên cột, vừa để trang hoàng nhà cửa, vừa gửi gắm lời cầu chúc tốt lành. Khi đó, ông đồ được thiên hạ tìm đến. Đó là thời đắc ý của ông đồ. Lúc này, ông đồ là người nghệ sĩ đang trổ tài trước lòng mến mộ của mọi người. Ngày ấy, viết chữ cũng còn là vẽ, là làm tranh, là làm nghệ thuật. Đã từng có ngành “thư pháp” (nghệ thuật viết chữ).
 
 Cái tài cái hoa tay của ông đồ đã để lại cho đời những nét chữ phượng múa rồng bay như những tác phẩm nghệ thuật thực sự mà người đời ngưỡng mộ, tấm tắc ngợi khen. Đấy là những dấu hiệu của vẻ đẹp văn hóa một thời, là sự tôn vinh một giá trị văn hóa cổ truyền. Có người nói chữ Nho là chữ thánh hiền vốn chỉ để dùng răn dạy và ngâm vịnh cao sang, giờ mang ra mua bán dù sao cũng là chuyện thất thế, chuyện đáng thương. Nhưng có lẽ, ở đây phải tính đến một nét sinh hoạt văn hóa phổ biến trong đời sống nói chung.
 
Nhưng thời gian lặp lại mà sinh hoạt ấy không lặp lại. Hai khổ 3, 4 vẫn là hình ảnh ông đồ bày mực tàu giấy đỏ lên hè phố khi đến Tết, nhưng tất cả đã khác xưa. Nếu trước kia là:
 
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài.
 
Thì giờ đây, cảnh tượng sao mà vắng vẻ:
 
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
 Người thuê viết nay đâu?
 
Điệp ngữ mỗi năm mỗi vắng đã diễn tả độ tàn phai nhanh chóng của thị hiếu truyền thống. Từ mỗi lặp lại như không chỉ gõ nhịp cho bước đi suy tàn của thời gian mà còn gọi được cả không gian ngày càng vắng lặng. Câu hỏi phiếm định: Người thuê viết nay đâu? Được thốt lên như một nỗi cảm thông da diết đến nhức nhối về tình cảnh không có người thích thú thưởng thức văn hay chữ tốt nữa. Đây không đơn giản là chuyện thị hiếu, mà còn là chuyện tri âm, lòng ngưỡng mộ tài hoa. Còn duyên thì giấy thắm mực đượm, hết duyên giấy mực đều tàn phai. Các định ngữ vắng, vắng, buồn, đọng, không thắm, sâu khắc họa sự buồn bã, lụi tàn của một sự sống, ông đồ bị rơi vào quên lãng, vô tình bới một thị hiếu đã chết, một phong tục bị bỏ quên, bởi sự vô cảm của người đời;
 
Ông đồ vẫn ngồi đấy
 Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
 
Đoạn thơ giàu chất tạo hình với ngòi bút đặc tả đầy sức gợi trong sự đối lập giữa cái tĩnh và cái động: ông đồ - người qua đường, giấy - lá rơi, mưa bay. Tất cả chỉ làm tăng thêm dáng vẻ bất động của ông đồ. Ông đồ ngồi đấy, như một pho tượng bị lãng quên, không còn một chút giao cảm, đồng điệu với cuộc đời, như một di tích dù đẹp nhưng bị từ chối vì không hợp thời. Ông đồ sống mà như không tồn tại, có mà cũng như không, buồn bã, đơn côi, xa vắng giữa dòng đời tấp nập. Hình ảnh ông đồ lạc lõng, cô đơn giữa đám đông mới chua xót làm sao!
 
Ngoài trời mưa bụi bay... Có lẽ đây là câu hay nhất của bài thơ. Chỉ là câu tả cảnh bình dị, nhưng lại là câu thơ chất chứa tâm trạng, tâm hồn... Không phải là mưa to gió lớn hay mưa rả rích sầu não ghê gớm gì, chỉ là mưa bụi bay. Nhưng cảnh mưa bụi đầy trời ấy sao mà ảm đạm, mà lạnh lẽo... Mười hai thế kỉ trước, một nhà thơ đời Đường đã viết bài Thanh minh, trong đó có hai câu:
 
Thanh minh thời vũ tiết phân phân
Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn
 
Có người dịch:
 
Thanh minh lất phất mưa phùn
 Khách đi đường thắm nỗi buồn xót xa.
 
Thì ra cái mưa phùn lất phất, cái mưa bụi bay chỉ nhè nhẹ man mác thế thôi mà cũng làm nát hồn người (dục đoạn hồn). Bài thơ mở đầu là Mỗi năm hoa đào nở - Lại thấy ông thấy ông đồ già và kết thúc là Năm nay đào lại nở - Không thấy ông đồ xưa có tác dụng làm nôi bật chủ đề. Đó là cái tử "cảnh cũ người đâu", thường gặp trong thơ cổ. Năm nay đào lại nở. Tết lại đến, mùa xuân lại về, nhưng ông đồ xưa thì không thấy nữa. Từ nay hình ảnh ông đồ vĩnh viễn đi vào quá khứ, vĩnh viễn vắng bóng trong cuộc sống sôi động.
 
Hai câu cuối cùng là lời tự vấn của nhà thơ, là nỗi bâng khuâng thương tiếc ngậm ngùi... Hai câu trực tiếp phát biểu cảm xúc dâng trào kết đọng suốt cả bài thơ và mang ý nghĩa khái quát sâu xa. Từ một ông đồ ngồi viết câu đối bán Tết, nhà thơ nghĩ đến những người muốn năm cũ không còn nữa... Họ không còn nữa, nhưng anh hồn của họ, những giá trị mà họ đã góp vào cuộc sống tinh thần của quê hương đất nước này, giờ ở đâu?
 
Câu hỏi ấy cứ vương vấn không dứt trong lòng người đọc sau khi đọc xong bài thơ bình dị mà hàm súc. Dư ba đó là một chút bâng khuâng đến ngỡ ngàng, như một niềm ân hận. Đoạn thơ như những nén hương tưởng nhớ của hậu sinh trót lỗi vô tình.
 
Hình ảnh ông đồ với hai cảnh đối lập xưa, nay đã thể hiện sâu sắc niềm cảm thương chân thành trước cảnh đời thất thế của một lớp nhà nho cuối mùa, thể hiện lòng hoài niệm về một thời đã qua.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây