Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích đoạn thơ Lục Vân Tiên gặp nạn (trích Truyện Lục Vân Tiên) của Nguyễn Đình Chiểu.

Thứ hai - 07/11/2016 04:37
Lục Vân Tiên vì thương khóc mẹ mà mù cả hai mắt, đang bị cảnh cùng quẫn thì gặp Trịnh Hâm hỏng thi trở về. Hâm hậm hực vì thua tài Vân Tiên, sinh lòng đố kị, bèn lập mưu hãm hại thầy trò Vân Tiên. Hắn lừa trói tiểu đồng vào cây cho hổ ăn thịt, lại lừa Vân Tiên lên thuyền để xô chàng xuống sông. Đoạn thơ này kể việc Vân Tiên bị xô ngã xuống sông, nhưng được giao long và vợ chồng ông Ngư (ông chài) cứu mạng.
Việc Trịnh Hâm xô Vân Tiên xuống sông vẻn vẹn có tám dòng mà khắc họa được sự nham hiểm, giả dối của Hâm.
 
Khung cảnh ban đêm: “Nghênh ngang sao mọc mịt mờ sương bay” có cái gì không lành, nhất là những ngôi sao “nghênh ngang”. Xô ngã Vân Tiên xuống sông, Trịnh Hâm còn “giả tiếng kêu trời”, cho mọi người thức dậy để “lấy lời phôi pha” cho qua chuyện. Thế là hắn trà trộn vào đám người thương khóc Vân Tiên thật. Và mọi người cũng không ai nhận ra bộ mặt gian dối của Hâm. Đố kị tới mức hãm hại một người đã mù lòa, không còn khả năng hoạt động nữa, Trịnh Hâm đã hiện nguyên hình một kẻ ác độc, đê hèn, táng tận lương tâm. Việc giao long cứu dìu Vân Tiên vào bãi đà cho thấy loài thú vật còn tốt bụng hơn kẻ đố kị là con người như Hâm.
 
Cái cảnh cả nhà ông Ngư tíu tít cứu sống Vân Tiên thật là cảm động:
 
Ông chài xem thấy vớt ngay lên bờ.
Hối con vầy lửa một giờ
Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày.
 
Đúng là những người lao động chất phác bao giờ cũng biết quý trọng mạng sống con người. Đặc biệt hơn nữa, khi thấy hoàn cảnh Vân Tiên, ông Ngư đã nhận nuôi chàng:
 
Ngư rằng: ngươi ở cùng ta
Hôm mai hẩm hút một nhà cho vui.
 
Những tiếng “hơ”, “hẩm hút” thật chất phác dễ thương, hòa với tiếng “mùi” trong câu: “Thân tôi như thể trái mùi trên cây” của Lục Vân Tiên đã tạo thành một không khí dân dã mộc mạc.
 
Nhưng ông Ngư cũng là người sống theo đạo lí cao đẹp, cổ truyền, lấy câu “Kinh luân đã sẵn” làm phương châm sống:
 
Ngư rằng: Lòng lão chẳng mơ,
Dốc lòng nhân nghĩa, há chờ trả ơn.
Nước trong rửa ruột sạch trơn,
Một câu danh lợi chi sờn lòng đây.
Kinh luân đã sẵn trong tay,
Thung dung dưới thế, vui say trong trời.
 
Ông Ngư là người sống theo lối hiền triết, một người đã hiểu hết kinh luân mọi đàng, nhưng nuôi chí sống ngoài vòng danh lợi. Ông tìm thú vui trong sự thanh thản với thiên nhiên. Trong 10 dòng thơ tỏ chí, ông Ngư đã nói đến chừ “vui” ba lần: vui vầy, vui thầm, vui say. Cả cuộc sống là một thú vui liên tục với thiên nhiên, lúc nào cũng vui chơi thảnh thơi:
 
Rầy doi mai vịnh vui vầy,
Ngày kia hứng gió, đêm này chơi trăng.
Một mình thong thả làm ăn,
Khỏe quơ chài kéo, mệt quăng câu dầm.
Nghêu ngao nay chích mai đầm,
Một bầu trời đất vui thầm ai hay.
 
Các chữ “rày”, “mai”, “ngày kia”, “đêm này”, khi “khỏe”, khi “mệt”, “nay”, “mai” thông báo một khoảng thời gian triền miên, liên tục, có thể nói là bất tận. Và chú ý thêm các chữ “doi”, “vịnh”, “gió”, “trăng”, “chích”, “đầm”, rồi “một bầu trời đất” bao quát một không gian bao la. Con người ngư ông như sống vĩnh viễn với đất trời rộng mở, vô tận. Cả đoạn văn này đã tạo thành một đối lập gay gắt giữa kẻ ham danh lợi tới mức độc ác, đố kị, hãm hại người tài và người ở ngoài danh lợi, sống hòa với thiên nhiên mênh mông, vô tận. Sự đối lập này vừa có tính chất đối lập ác và thiện như trong cổ tích, lại vừa có tính chất triết lí sâu xa của văn học bác học - đối lập giữa danh lợi, dối trá và tự do, thanh nhàn, trong sạch giữa thiên nhiên. Sự đối lập này đã bộc lộ đặc sắc tư tưởng của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây