Nguyễn Tuân đã xây dựng nên những hình tượng - nhân vật mang tính cách khác thường, phi thường đầy ấn tượng. Một chén trà sương, một chậu thạch lan hương, một cách đánh cờ tướng của ông thầy địa lí, một cái dỗ gông của tử tù, v.v... ai đã đọc qua đâu dễ quên? Nguyễn Tuân đã khám phá ra cái đẹp trong hiện thực cuộc sống và con người bàng một bút pháp nghệ thuật tài hoa, độc đáo, uyên bác.
"Chữ người từ tù" là một kiệt tác văn chương "chín nhất, tròn nhất, viên mãn nhất" trong "Vang bóng một thời". Nhân vật Huấn Cao uy nghi lồng lộng được Nguyễn Tuân thể hiện bằng bút pháp lãng mạn, một nhân vật dược lí tưởng hoá "vừa là nghệ sĩ tài hoa, vừa là người có khí phách hiên ngang bất khuất" xuất hiện trong một hoàn cảnh “xưa nay chưa từng có".
Huấn Cao là một nghệ sĩ tài hoa. Quản ngục và thầy thơ lại đã nói những lời tốt đẹp nhất, tâm phục nhất đối với một kẻ sĩ "văn võ đều có tài cả". Huấn Cao "người đứng đầu bọn phản nghịch" được nhiều người trong thiên hạ "nhắc nhỏm đến cái danh đó luôn", người "mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp".
“Thư pháp" là một thứ nghệ thuật lâu đời, trong đó vẻ đẹp của "hoạ" kết hợp với cái tinh tuý của "văn", chữ đẹp và cái hay, cái sâu sắc của văn được kết hợp một cách đầy nghệ thuật, tạo nên những câu đối, hoành phi, bộ tứ bình, những thiếp Lan Đình vô giá. Viết chữ và chơi chữ là một nghệ thuật. Phải là khách tài tử - văn chương mới sáng tạo được và có thú đam mê ấy. Huấn Cao là nghệ sĩ "thư pháp" rất tài hoa lừng danh thiên hạ. Những con người như thế mà "phải chém" thì ai mà chẳng thấy: "thương tiếc". Chữ của Huấn Cao "đẹp lắm, vuông lắm", "có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật trên đời". Nguyễn Tuân đã qua "cái sở nguyện" của ngục quan mà làm nổi bật chất nghệ sĩ tài hoa của Huấn Cao, một tài tử đã sáng tạo nên cái đẹp vô giá làm cho nhiều người trong thiên hạ hằng mơ ước, khao khát. Quản ngục là một con người có học "biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền" chỉ mong sao "có một ngày kia treo ở nhà riêng mình một câu đối do tay ông Huân Cao viết" trên chục vuông lụa trắng thì ông ta "mãn nguyện" lắm.
Là một nghệ sĩ tài hoa, Huấn Cao trọng nghĩa khinh tài. Ông tự biết: "chữ thì quý thật" nhưng ông "không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết bao giờ". Cách ứng xử ấy cho thấy tâm hồn của Huấn Cao vô cùng trong sáng, thanh cao. Đó là nhân cách kẻ sĩ chân chính ở đời. Ông cho biết: "Nhất sinh cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi".
Huấn Cao là nguyên mẫu Cao Bá Quát, một trong hai danh sĩ Bắc Hà: “Thần Siêu, Thánh Quát" trong thế kỉ XIX. Một kẻ sĩ thanh cao "Nhất sinh đê thủ bái mai hoa" mà tên tuổi và sự nghiệp gắn liền với cuộc khởi nghĩa nông dân Mĩ Lương chống triều đình nhà Nguyễn trong thế kỉ XIX. Từ nguyên mẫu ấy, Nguyễn Tuân với bút pháp lãng mạn, tài hoa đã xây dựng thành công nhân vật Huấn Cao thành một nghệ sĩ tài hoa được ngục quan và thầy thơ lại ca ngợi, ngưỡng mộ.
Huấn Cao là một đấng trượng phu có khí phách hiên ngang bất khuất. Là "người đứng đấu bọn phản nghịch", "một tên tù có tiếng là nguy hiểm", một kẻ "ngạo ngược nguy hiểm nhất". Đó là những suy nghĩ của ngục quan, của thầy thơ lại và của bọn lính khi chưa "kiến kì hình" mà mới chỉ "văn kì thanh" Huấn Cao thôi! Huấn Cao xuất hiện dần dần, mỗi ngày một thêm hiên ngang sừng sững. Trước cửa ngục vào một buổi sáng, sáu tên tử tù xuất hiện với chiếc gông gỗ lim dài đến tám thước, có thể nặng đến bảy tám tạ. Huấn Cao đứng đầu gông. Một cái "dỗ gông" làm bay ra một trận mưa rệp ngay trước mắt ngục quan và trước mũi bọn lính. Đó là một nét vẽ có thần làm nổi bạt khí phách hiên ngang của Huấn Cao và các chiến hữu trước cường quyền bạo lực. Một câu nói "cố ý làm ra khinh bạc đến điều": "Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây" - đã làm cho ngục quan "không lấy làm oán thù", trái lại, càng thêm kính phục con người "chọc trời quấy nước" dám phất cao cờ nghĩa chống lại triều đình. Huấn Cao mưu đồ đại sự bất thành, trở thành tử tù, vẫn hiên ngang bất khuất "chẳng biết có ai nữa" trên đầu mình, ngay cả "đến cái chết chém ông còn chẳng sợ nữa"...
Chất nghệ sĩ tài hoa và khí phách hiên ngang bất khuất của Huấn Cao còn được thể hiện tập trung nhất trong cảnh cho chữ, đó là một cảnh tượng "xưa nay chưa từng có". Khi được biết ngục quan là một con người "biệt nhỡn liên tài" thì Huấn Cao liền cho chữ. Ông ngạc nhiên nói: "Nào ta biết dâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ".
Nguyễn Tuân đã khẳng định và ca ngợi khí phách hiên ngang bất khuất của Huấn Cao bằng những nét vẽ tương phản đặc sắc. Nơi cho chữ - một nghệ thuật thanh cao - không diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, nơi đài các, viện sảnh, thư phòng mà lại diễn ra tại trại giam tỉnh Sơn, nơi phòng giam tử tù, một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột, phân gián. Tử tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng lại là người cho chữ, đang vung bút viết những nét chữ "vuông vắn rõ ràng" trên tấm lụa trắng tinh. Thầy thơ lại thì "run run" bê chậu mực. Ngục quan "khúm núm" cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ... Bó đuốc tẩm dầu, mực bốc lên mùi thơm. Tử tù sắp bước ra pháp trường mà vẫn ung dung đĩnh đạc nêu cao thiên lương. Hình ảnh tử tù đỡ viên quản ngục đứng thẳng dậy rồi ân cần khuyên bảo... là một hình ảnh tuyệt đẹp. Câu nói của ngục quan: "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh" đã thể hiện sức mạnh to lớn, kì diêu của cái Đẹp và Thiên lương.
Đọc truyện "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân, ta càng thấy rõ, người nghệ sĩ tài hoa có thể bị hãm hại, nhưng cái đẹp thì trường tồn, bất tử. Ta càng thêm thấm thía một sự thật cay đắng ở đời: "Anh hùng di hận kỉ thiên niên" (Nguyễn Trãi).
Nguyễn Tuân đã tạc vào thời gian và lòng người một hình tượng Huấn Cao vừa tài hoa, vừa hiên ngang bất khuất, đẹp như một tượng đài tráng lệ:
"Trăng kia khi khuyết khi tròn,
Tinh thần phản kháng hãy còn sáng soi".
(Sóng Hồng)