Nhận xét về màu sắc chung của thơ trữ tình Pu - skin, nhà mỹ học Bi-lê-lin- xki đã cho rằng, đó chính là "vẻ đẹp nội tâm của con người và lòng nhân ái vuốt ve tâm hồn". Và Tôi yêu em phải chăng là một bài thơ mang đậm màu sắc ấy?
Bài thơ gồm hai khổ thơ (theo bản dịch tiếng Việt) diễn tả trung thực tâm trạng của nhân vật trữ tình (tôi) trong tình yêu. Nói lên niềm mong mỏi hi vọng người mình yêu được hạnh phúc. Và phải chăng đó là vẻ đẹp cao thượng, thánh thiện nhất.
Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai.
Mỗi lời tâm sự cũng là lời trái tim muốn nói. Tình yêu này đã nung nấu rất lâu rồi. "Ngọn lửa tình" đã tắt nhưng "chưa hẳn đã tàn phai ", dù cho tình yêu không được em đáp lại.
Bài thơ dựa trên câu chuyện có thật của chính tác giả khi sống ở Xanh Pê-téc-bua. Pu-skin thường hay lui tới nhà vị chủ tịch viện Hàn lâm nghệ thuật Nga để gặp những người làm nghệ thuật và cũng vì cô con gái chủ nhà - nàng Ô-lê-nhi-a xinh đẹp. Nhưng khi nhà thơ ngỏ lời cầu hôn thì nàng đã từ chối.
Tại sao mở đầu bài thơ, tác giả lại viết: "Tôi yêu em đến nay chừng có thể- Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai"? Có gì đáng nói đâu nếu không có hai câu thơ tiếp theo:
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài
Nếu ở vế trước chữ "nhưng" là một sự phũ phàng, tình yêu tôi vẫn dành cho em dù em không đáp lại tình tôi. Em quá hờ hững, quá vô tình. Đằng sau chữ "nhưng" là cả một sự cao thượng. Theo lẽ thường, khi bị từ chối lời cầu hôn, người ta sẽ không dễ dàng từ bỏ người mình yêu. Người ta vẫn theo đuổi bằng nhiều cách trước khi tuyệt vọng hoàn toàn. Nhưng ở đây A.Pu-skin lại "không để em bận lòng thêm nữa", vì tôi, vì tình yêu của tôi. "Tôi yêu em", nhưng tôi sẽ không để em buồn lòng, dù thực chất người đang buồn lòng là "tôi". Vì thế mà tôi không thể để cho tâm hồn ấy phải "gợn bóng u hoài" Đấy là một tình cảm cao thượng, đầy tính vị tha.
Đọc toàn bộ khổ thơ đầu, ta thấy cảm xúc dường như đang bị dồn nén để cho một cảm xúc khác trồi lên. Nhân vật tôi hiện lên với một tấm lòng yêu thương rộng lớn.
Có thể thấy lời thơ như những lời tâm sự của tác giả. Tâm sự với người mình yêu, tâm sự với chính mình. Tâm trạng của nhân vật trữ tình có thể nào khác hơn là tâm trạng của chính thi nhân?
Mạch thơ tự sự trữ tình tiếp tục chuyển tiếp sang khổ thơ thứ hai. Cũng là cảm xúc ấy:
Tôi yêu em âm thầm không hi vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
Cái tình yêu ban đầu còn rụt rè, thầm yêu trộm nhớ ấy cũng tỏ ra có phần ích kỉ. Nhưng cái ích kỉ thật đáng yêu.
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
Tình yêu ban đầu đối với con người dân tộc nào cũng vậy, cũng có hậm hực cũng có ghen tuông, cũng rụt rè, e lệ, nhưng ấy chính là những phẩm chất mãnh liệt thiết tha và cao thượng của tình yêu.
Tôi yêu em âm thầm không hi vọng.
Lời thú nhận của thi nhân cũng chính là cõi lòng của mọi con người trong tình yêu. Nhưng đó là tình yêu đẹp, tình yêu biết đặt người mình yêu lên trên những khát khao mãnh liệt của chính bản thân mình.
Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm.
Đây lại là lời thú nhận nữa, trực tiếp và rõ ràng. Lời nói của chính trái tim đang run rẩy vì yêu, một trái tim chân thành nhất. Đó là một lời giãi bày bộc bạch tâm trạng của "tôi”, cũng là lời tâm sự chân thành để người mình yêu hiểu được trái tim mình. Nhưng cũng như câu thơ trên, ở đây, tình cảm ấy lại một lần nữa nhường chỗ cho sự cao cả:
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em .
Sự cao thượng, thánh thiện của tình yêu đến đây dường như chợt bừng sáng. Tình yêu đến đây không còn sự nhỏ nhen, ích kỉ. Tình yêu ấy trở nên cao đẹp biết nhường nào: hi sinh tình yêu của mình để cho người mình yêu hạnh phúc.
Về cách hiểu câu thơ này, có ý kiến cho rằng: đó là lời thách thức kiêu bạc. Nhân vật tôi muốn nói với em rằng liệu có ai yêu em hơn tôi, em có được người tình nào xứng đáng hơn tôi? Trong muôn nẻo đường của tình yêu, cách hiểu này không phải không hợp lí. Nhưng nêu lí giải câu thơ như vậy thì Tôi yêu em không thể nào được xem là một trong những bài thơ tình hay nhất.
Cho nên, có thể nói câu thơ cuối chính là điểm sáng của bài thơ. Nó thể hiện vẻ đẹp tâm hồn con người và tấm lòng nhân ái của con người trong tình yêu. Một tình yêu chân thành, đằm thắm sẽ nâng đỡ thanh lọc tâm hồn con người. Đó cũng chính là vẻ đẹp cao thượng trong tình yêu của tác giả.
Có người nói rằng: sự chân thành là chìa khoá mở cửa vào trái tim người khác. Và điều đó đúng trong trường hợp của A.Pu-skin. Tôi yêu em đã đi vào lòng người đọc như những bản tình ca hay nhất cho mọi thời đại. Và Pu-skin mãi là "mùa xuân của văn học Nga", là "mặt trời của thi ca Nga”.