Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh chạy loạn tan tác mà nguyên nhân của nó là “tiếng súng Tây”:
Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây
Một bàn cờ thế phút sa tay.
“Vừa nghe” tức là tin hết sức sốt dẻo, chuyện hết sức bất ngờ. Mới đây thôi, chợ vẫn đông, cuộc sống vẫn yên ả, bình thường. Nhưng sau tiếng súng địch, cuộc sống của người dân bỗng trở nên hoảng loạn. Câu thơ thứ nhất có người hiểu: vừa tan chợ thì nghe tiếng súng Tây, lại có người hiểu: vừa nghe tiếng súng Tây thì chợ tan. Cách hiểu thứ nhất e chưa đi tới tận cùng hàm lượng nghĩa của ý thơ. Cách hiểu thứ hai hợp lí hơn: súng nổ, chợ tan, và tan rất nhanh. Cách hiểu này xuất phát từ chỗ nhận ra biện pháp đảo trang đảo ngữ. Theo trật tự cú pháp thông thường thì: Vừa nghe tiếng súng Tây (nên) tan chợ. Nhưng tác giả đã để hai từ “tan chợ” lên đầu câu để diễn tả rõ hơn sự nhốn nháo, hoảng loạn.
Nhịp điệu bình yên của cuộc sống bị đảo lộn một cách đột ngột được ví với “Một bàn cờ thế phút sa tay”. Cờ thế là nói về những nước cờ cuối cùng quyết định sự thắng - thua. Chỉ cần nhỡ tay một chút, lập tức bị hạ gục, không phương cứu vãn. Lưu ý thêm rằng, nếu như ở câu thứ nhất vừa nghe tiếng súng thì đến câu thơ thứ hai đã là một phút sa tay. Sự thất bại quá nhanh của vua quan nhà Nguyễn làm cho nhân dân, vốn không chuẩn bị tinh thần “chạy giặc”, bây giờ càng trở nên hốt hoảng thương tâm. Hai câu thực là hai câu thơ đặc tả cảnh tương đau lòng ấy:
Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy
Mất ổ bầy chim dáo dát bay.
Nhà thơ không quá ham chi tiết. Ông chỉ chọn hai đối tượng chính để miêu tả là lũ trẻ và bầy chim. Đây là hai câu thơ thể hiện rõ nhất cảnh chạy giặc thương tâm, kinh hoàng. Đưa “bỏ nhà” và “mất ổ” lên đầu câu, đưa “lơ xơ” và “dáo dát” (vốn là tính từ) lên trước các động từ “chạy”, “bay”, tác giả đã khắc họa được cảnh loạn li một cách khá sắc sảo. Có thể nói hình ảnh lủ trẻ lơ xơ chạy là hình ảnh “đắt” nhất toàn bài. Lơ xơ vừa nói lên cái “run rẩy”, cái “hớt hơ hớt hải”, “bơ vơ trơ trọi” của lũ trẻ, vừa chỉ dược những bước chân hãy còn non nớt và tội nghiệp của chúng. Những đứa trẻ vô tội này, lẽ ra phải được sống trong hạnh phúc nhưng cảnh mất nước đã khiến chúng trở thành những nạn nhân đầu tiên. Sự thương tâm của lũ trẻ càng được tô đậm hơn trong sự đối sánh với cảnh bầy chim mất tổ. Đây là một cảnh thực nhưng đồng thời là một ẩn dụ nghệ thuật có sức gợi lớn. Nhà cũng như tổ chim, là nơi ở, thể hiện sự đầm ấm, yên vui. Thế mà giờ đây đã “mất”, đã “tan” hết cả rồi. Lìa bỏ tổ ấm ấy, bầy chim và lũ trẻ biết tìm về đâu? Từ “dáo dát”, vì thế, vừa thể hiện sự nháo nhác, tán loạn, vừa nói đến dáng bay chới với với những tiếng kêu thảm thiết của bầy chim. Cảnh chạy giặc, qua những chi tiết có tính gợi cảm và những hình ảnh mang màu sắc tượng trưng hiện ra cụ thể, rõ nét, khiến ai cũng đau lòng. Phải là người yêu thương gắn bó sâu sắc với nhân dân, tự mình trải nếm nỗi đau chạy loạn Đồ Chiểu mới viết được những câu thơ làm xúc dộng lòng người đến thế.
Từ chỗ phơi bày cảnh chạy giặc, nhà thơ nói đến những mất mát to lớn mà nhân dân phải chịu, đồng thời vạch trần tội ác của kẻ thù qua hai câu luận:
Bến Nghé của tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.
Nếu như hai câu 3 - 4 là cận cảnh thì hai câu 5 - 6 là viễn cảnh, vẽ lại sự mất mát diễn ra trong một khung cảnh rộng lớn. Bến Nghé và Đồng Nai vốn là hai vùng đất nổi tiếng về sự trù phú, sầm uất và giàu có của Nam Bộ. Vậy mà giờ đây “của tiền” đã tan thành “bọt nước”, cửa nhà (tranh, ngói) đã bị thiêu trụi thành mây khói. Bước chân của kẻ thù vừa đặt lên đất Gia Định, ấy thế mà tội ác của chúng đã chất cao như núi. Sự xuất hiện của chúng đồng nghĩa với sự hủy diệt, đồng nghĩa với tai họa.
Với sáu câu thơ đầu, bức tranh “chạy giặc” đã được hoàn tất khâu cuối cùng: cảnh gần là lũ trẻ, bầy chim, cảnh xa là Bến Nghé, Đồng Nai, dưới mặt đất là “trẻ chạy lơ xơ”, trên cao là “bầy chim dáo dát”. Tất cả những hình ảnh, sự việc ấy được đặt trong một không gian nhuốm màu tang tóc: “Tranh ngói nhuốm màu mây”. Đứng trước hiện thực đau lòng ấy là một người yêu nước thương dân, thử hỏi làm sao Nguyễn Đình Chiếu lại im lặng được? Hai câu kết thực sự là thái độ trách cứ của nhà thơ với triều đình Nguyễn bạc nhược, hèn nhát.
Hỏi trang dẹp loạn này đâu vắng
Nỡ để dân đen mắc nạn này.
Không chỉ trách cứ, câu thơ còn mang sắc thái, châm biếm, mỉa mai và phê phán. Lẽ ra, trước nạn ngoại xâm, các bậc mày râu, hảo hán phải ra tay dẹp loạn. Đằng này họ lẩn tránh, làm ngơ. Vua quan nhà Nguyễn quá yếu hèn, nghe đến Tây là đã sợ thất kinh, còn đâu nhuệ khí mà đánh giặc. Việc “dân đen mắc nạn này” là kết quả tất yếu của nguyên nhân đã nói ở trên: vắng trang dẹp loạn! Nhà thơ hỏi cũng chỉ để mà hỏi vì ông hoàn toàn thất vọng trước thực tế. Phía sau câu thơ là nỗi đau Đồ Chiểu. Phê phán kẻ đã nỡ để dân lầm than, nhà thơ trực tiếp bày tỏ thái độ đứng về nhân dân, thông cảm với nỗi đau của nhân dân và nỗi đau của dân tộc. Thế mới biết, dẫu bị mù lòa, nhà thơ vẫn nhìn thấy tất cả, hiểu tất cả. Ông đã dùng “đôi mắt” của tấm lòng để hiểu, để căm giận và để thương yêu. Đó chính là yếu tố cốt tử nhất làm nên tầm vóc, giá trị của “ngôi sao” Nguyễn Đình Chiểu.
Không chỉ sử dụng một cách điêu luyện và linh hoạt các biện pháp nghệ thuật quen thuộc của thi pháp văn học truyền thống như đảo trang, hoán dụ, ẩn dụ... mà còn sáng tạo ra những hình ảnh, những từ ngữ có sức gợi cảm lớn, Nguyễn Đình Chiểu đã dựng lại một cách chân thực tình cảnh điêu linh của người dân trong những ngày đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta. Bài thơ cũng là một minh chứng cho tấm lòng yêu nước thiết tha, cháy bỏng của Nguyễn Đình Chiểu, người mở đầu cho dòng văn học yêu nước chống Pháp ở Nam Bộ nói riêng và ở Việt Nam nói chung.