Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bài “Thề non nước” của Tản Đà (Bài 2)

Thứ ba - 11/04/2017 05:22
Tản Đà tên là Nguyễn Khắc Hiếu sinh năm 1888 ở làng Khế Thượng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, bên sông Đà, dưới chân núi Tản Viên. Thuở nhỏ, ông học chữ Hán nhưng không đỗ. Nhà nghèo, ông chỉ biết có nghề văn mà văn chương thì" “rẻ như bèo” thời bấy giờ, nên ông sống rất chật vật. Tuy vậy, ông vẫn giữ được cốt cách và “lương tri” của một nhà chân nho không khuất phục bọn thống trị đương thời. Ông làm thơ, viết văn, làm báo, xuất bản sách, đi khắp Bắc, Trung, Nam, vẫn nghèo túng. Những năm cuối đời, ông phải làm thêm nghề tướng số kiếm ăn, thật là mỉa mai đối với một nhà thơ có tài. Ông mất năm 1939. Tác phẩm chính của ông gồm có: Giấc mộng lớn, Giấc mộng con, Khối tình con, Thề non nước...
Bài thơ Thề non nước rút từ truyện ngắn cùng tên. Truyện kể lại cuộc gặp gỡ giữa một cô đào là Vân Anh với một người đi nghe hát. Hai bên ý hợp tâm đầu. Nhưng rồi người con trai ra đi. Vân Anh chờ đợi mãi. Khi gặp lại nhau, cả hai cùng làm bài thơ này đề lên một bức tranh sơn thủy.

Quan hệ đồng nhất hay chủ đề của bài thơ này là gì. Chúng ta hảy đi từ cấu trúc của bài thơ, tìm ra những nét bất biến, đó là những yếu tố được lặp đi lặp lại nhiều lần, thể hiện nội dung cơ bản hay một mặt nào đó của nội dung cơ bản của bài thơ. Ở đây, “lời thề” đã được lặp lại bốn lần:

- Nước non nặng một lời thề
- Nhớ lời nguyện nước thề non
- Còn non còn nước vẫn còn thề xưa
- Non non nước nước chưa nguôi lời thề.


Mở đầu bài thơ bằng câu: Nước non nặng một lời thề và kết thúc bài thơ bằng câu: Non non nước nước chưa nguôi lời thề. Non tượng trưng cho người kỹ nữ, nước tượng trưng cho nhà văn, khách làng chơi. Trong 22 câu, 15 nhắc đến non và nước, trong đó:

Hai câu nhắc đến “nước”:

- Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
- Nước kia dù hãy còn đi


Năm câu nhắc đến “non”:

- Non cao những ngóng cùng trông
- Non cao tuổi vẫn chưa già
- Non cao đã biết hay chưa
- Bảo cho non chớ có buồn làm chi
- Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui


Tám câu nhắc đến cả “nước” và “non”:

- Nước non nặng một lời thề
- Nước đi đi mãi, không về cùng non
- Nhớ lời nguyện nước thề non
- Nước đi chưa lại, non còn đứng không
- Non thời nhớ nước, nước mà quên non
- Còn non còn nước vẫn còn thề xưa
- Nước non hội ngộ còn luôn
- Non non nước nước không nguôi lời thề


Sự lặp lại nhiều lần nước non, non nước là non non nước nước đã nêu bật hai hình ảnh gắn bó với nhau, và qua đó biểu hiện rõ mối tình chung thủy, tha thiết, nồng nàn và mối tương tư day dứt trong lòng của cô gái đang trông chờ khắc khoải. Đó là quan hệ đồng nhất, là linh hồn của kết cấu bài thơ.

Tác giả đã thể hiện cái linh hồn cốt tủy ấy trong kết cấu nghệ thuật như thế nào?

Qua miêu tả bức tranh sơn thủy, tác giả đã khéo vận dụng nghệ thuật tượng trưng để biểu hiện hình tượng người con gái khắc khoải trông chờ người yêu xa vắng:

- Trái núi (non cao), tượng trưng cho người con gái
- Cây mai, tượng trưng cho thân hình người con gái
- Dòng suối, tượng trưng cho mắt người con gái
- Khóm mây, tượng trưng cho tóc người gái
- Nương dâu, tượng trưng cho nước đã đi ra bể.


Ánh sáng của bức tranh là một buổi chiều tà, tượng trưng cho cuộc đời đang tàn tạ của người con gái.

Dựa vào mối quan hệ đồng nhất và căn cứ vào những nét đối lập, có thể chia hệ thống hình tượng này ra bốn cấp độ như sau:

- Hoàn cảnh của nước và non (4 câu thơ đầu).
- Tâm trạng của non trong những ngày vắng nước
- Lời an ủi của nước đối với non
- Nước non khẳng định lại lời nguyền.


Lựa chọn yếu tố nào để phân tích? Tác giả miêu tả hoàn cảnh xa cách của “nước” và “non”, qua đó nêu lên cảnh ngộ khái quát của “non” một mình chờ đợi. Mở đầu bài thơ, tác giả giới thiệu “non” và “nước” giao ước với nhau bằng một lời thề sâu nặng: “Nước non nặng một lời thề, cũng như Nguyễn Du đã từng nói trong Kiều: Song song hai mặt một lời đinh ninh. Nhưng rồi nước đi, đi mãi, một mình “non” ở lại đợi chờ. Cảnh ngộ đau buồn này được diễn đạt bằng hai ý với hai yếu tố ngôn ngữ lặp đi lặp lại trong một cấu trúc đan chéo:

- Nhắc lại lời thề: Câu 1 và câu 3:
- Nhắc lại hoàn cảnh xa cách: câu 2 và câu 4.


Những yếu tố lặp lại ấy diễn tả những sắc thái ý nghĩa và biểu cảm khác nhau:

Lời thề ở câu 1 nêu lên sự giao kết sâu nặng trong một lời tường thuật bình thưòng. Còn ở câu 3 thì lời thề được diễn đạt bằng một hình thức khác hơn: Nhớ lời nguyện nước thề non “Nguyện nước thề non” là phỏng theo thành ngữ chữ Hán “thệ hải minh sơn” (chỉ biển mà thề, chỉ non mà hẹn), đồng thời cũng gợi lên hình ảnh “nước” “non” cùng nhau thề thốt.

Câu 2 diễn tả sự xa cách đang diễn ra, (nước) ở đầu câu, “non” đứng ở cuối câu, giữa “nước” và “non” là những từ “đi mãi không về” tạo ra cái thế xa cách trùng trùng về thời gian và không gian. Đi mãi, không về đứng bên nhau đã nói lên cái day dứt của buổi đầu xa cách đang còn ấm hơi thở của nhau.

Câu 4 lặp lại ý câu 2, cũng nói sự xa cách, nhưng là xa cách thực sự, đã lâu dài. Nhịp điệu hài hòa của câu thơ chia đều ra làm hai vế 4- 4 đã diễn đạt được ý: Nước đi chưa lại non còn đứng không. Và tâm trạng của “non” trong những ngày vắng “nước” Non cao những ngóng cùng trông, hình ảnh của “non” thật não nùng” đăm đăm nhìn mải về một phương trời xa xăm, mờ mịt. Im lặng và “những ngóng cùng trông”. Từ đệm “những” ở đây đặt trước động từ để nhấn mạnh ý liên tục và kéo dài của thời gian, có lẽ còn hơn nàng Kiều: Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm. Hình tượng “non cao” không chỉ diễn tả sự mong đợi “đã mòn con mắt” mà còn diễn tả sự lẻ loi, trơ trọi, lặng lẽ như “hòn đá vọng phu”. Tác giả đã khéo vận dụng những hình ảnh tiêu biểu màn ước lệ để vừa tả bức tranh vừa tả người con gái tương tư: “suối khô dòng lệ”, dòng lệ đã cạn vì tháng đợi năm chờ khắc khoải, nên: Xương mai một nắm hao gầy. Tóc cũng đã bạc như khóm mây đầy sương tuyết: Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương. Đến buổi về già: Trời tây ngả bóng tà dương, người con gái không còn đủ sức chống lại sự tấn công và tàn phá thiên nhiên nữa, nên cũng đã xấu đi, sắc cũng đã lạt phai rồi: Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha. “Suối, sương mai, tóc mây, vẻ ngọc, nét vàng” là những yếu tố then chốt biểu thị trường nghĩa tương tư tiều tụy, héo hon, vì sầu não nhớ thương của một con người. Tuy nhiên: Non cao tuổi vẫn chưa già, người con gái chung tình vẫn thấy mình còn nhiều sức sống: Sức sống của tình yêu làm con người vẫn trẻ. Cho nên, người con gái trách móc người yêu: Non thời nhớ nước, nước mà quên non.

Phần còn lại của bài thơ là lời của người khách lãng du từ một phương trời xa xăm nào đó vọng về an ủi. Khác với đoạn trên miêu tả về người con gái tương tư nên nói bằng tình cảm, đoạn này phải dùng lý trí để chinh phục tình cảm. Sức mạnh của lý lẽ đưa ra là sức mạnh của quy luật tự nhiên và quy luật tình cảm.

Bắt đầu, người con trai cũng nhắc lại lời thề để đối đáp:

Dù cho sông cạn đá mòn
Còn non, còn nước, vẫn còn thề xưa.


Người con trai giả định dù có những biến đổi lớn lao như sông cạn, đá mòn thì tấm lòng của anh cũng vẫn sắc son, không thay đổi, lời thề cũ vẫn còn, nghĩa cũ vẫn như xưa. Đó là biện pháp dựa vào quy luật tự nhiên để chỉ ra chiều sâu của tình cảm, có tính chất thuyết phục. Hơn nữa, điều giả định ấy (sông cạn, đá mòn) khó có thể xảy ra hay không phải lúc nào cũng xảy ra, cho nên lại càng tăng thêm lòng tin vào thủy chung duy nhất.

Người con trai lại dựa vào quy luật tuần hoàn của nước: Nước đi ra bể lại mưa về nguồn để chứng minh quy luật tự nhiên của con người, của vạn vật. Nước về nguồn, chim về tổ, con người trở lại với gia đình. Đó là lệ thường dễ gây cho cô gái một niềm hy vọng về ngày mai đoàn tụ. Trên cơ sở nhận thức ấy, người con trai khẳng định một lòng tin:

Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo non chớ có buồn làm chi


Trong thực tế vẫn còn xa cách, nhưng xa cách để hứa hẹn ngày tái ngộ tốt đẹp.

Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui


“Ngàn dâu xanh tốt” là hình ảnh thương yêu đượm màu hy vọng. Lời an ủi mang sức thuyết phục: Có tình có lý, đanh thép, thể hiện sực gắn bó thủy chung của “nước” đối với “non”.

Tất cả những việc trên đều dẫn đến kết luận tất nhiên:

Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước không nguôi lời thề.


Lời thề non nước khẳng định lại ở câu kết thúc. Hình thức láy lại non non nước nước có ý nghĩa khái quát chỉ sự gắn bó không bao giờ phai nhạt giữa hai người.

Tóm lại, toàn bộ bài thơ là một bức tranh trữ tình, một hệ thống hình tượng biểu lộ sắc nét qua tâm tư người con gái và người con trai, một mối tình chung thủy. Đó là chủ đề của bài thơ. Nhưng chủ đề này mang tư tưởng gì của thi sĩ? Tất nhiên, mối tình chung thủy thoát ra từ hệ thống hình tượng ấy không phải là một mối tình lứa đôi, vì nếu chỉ là mối tình lứa đôi giữa nhà thơ và kỹ nữ, thì có gì đáng để người đời ca ngợi, lưu truyền. Đó là một mối tình đồng điệu giữa nhà thơ và- người kỹ nữ bị vùi dập, qua đó, tác giả lên án chế độ áp bức bóc lột chà đạp tài năng phẩm chất của con người.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây