Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Nhiễu điều phủ lấy giá gương - Người trong một nước phải thương nhau cùng. Người xưa muốn nhắn nhủ điều gì trong câu ca dao ấy?

Thứ tư - 10/08/2016 00:11
Dân tộc ta vốn có truyền thống quý báu yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Tự ngàn xưa, cha ông ta đã dạy: Nhiễu điều phủ lấy giá gương - Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Trong bài ca dao trên, Nhiễu điều là tấm vải đẹp màu đỏ. Trong quan niệm của nhân dân ta, màu đỏ còn là màu của may mắn, hạnh phúc. Tấm vải quý giá ấy “phủ lấy giá gương” để bảo vệ gương khỏi những ảnh hưởng của những tác nhân có hại bên ngoài (bụi bẩn, nắng, gió...). Hình ảnh tấm vải quý giá, đẹp đẽ bao bọc, chở che giúp tấm gương sáng trong, lành lặn là một hình ảnh đẹp của sự đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Hình ảnh đó khiến ta liên tưởng đến nhiều câu ca dao tục ngữ như:
 
"Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn",
 
"Lá lành đùm lá rách
Lá rách ít đùm lá rách nhiều",...
 
Và đó cũng là cơ sở để nhân dân đưa ra lời khuyên: “Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Tại sao cần phải như vậy?
 
Trước hết, bởi tất cả chúng ta là “người trong một nước”. Chúng ta có cùng nguồn gốc tổ tiên, cùng một bọc trăm trứng nỡ trăm con của mẹ Âu Cơ, cùng một ngày lễ quốc Tổ cúng Vua Hùng. Hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng biết mấy. Bởi vậy, ta phải biết thương yêu nhau bởi người người trên đất nước này đều là anh em cùng chung dòng máu con Lạc cháu Hồng. Không chỉ vậy, còn như ta đã biết, đất nước ta rất nghèo. Xưa, bao phen ta phải đối mặt với giặc ngoại xâm: Trung Quốc phong kiến, Pháp, Mĩ,... Nay, kinh tế ta lạc hậu, chủ yếu dựa vào nông nghiệp, hàng năm lại gặp nhiều thiên tai lũ lụt, hạn hán.... Chính bởi những điều đó ta phải đùm bọc lẫn nhau để tạo nên sức mạnh đoàn kết chống giặc cứu nước. Phải thương nhau  cùng nhau chống lũ lụt, hạn hán; để cùng cấy cày, vun xới,... phát triển non sông.
 
Tình yêu thương ấy cần được thể hiện như thế nào? Trước hết, mỗi chúng ta cần biết yêu thương, giúp đỡ những người thân yêu trong gia đình: bố mẹ, anh chị em “Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”, “Anh em như thể tay chân. Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”,... Tiếp đến là những người hàng xóm láng giềng của bản thân. Cha ông ta cũng từng dạy: Bán anh em xa mua láng giềng gần, Hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau.. Hơn thế, nếu có điều kiện thuận lợi, chúng ta có thể tham gia ủng hộ, giúp đỡ những đồng bào gặp hoạn nạn, khó khăn do thiên tai, do di chứng chiến tranh... qua các phong trào ủng hộ thường niên hoặc đột xuất: "Vì người nghèo", "Nối vòng tay lớn", ủng hộ đồng bào lũ lụt,...
 
Với mỗi người học sinh, chúng em cần hiểu rõ tư tưởng nhân văn của những câu ca dao, tục ngữ trên bởi chúng thể hiện những truyền thống quý báu của dân tộc. Tiếp thu lời căn dặn của tiền nhân, chúng em có thể thể hiện tình yêu thương đồng bào của mình ngay trong tập thể lớp, trong nhà trường qua các hoạt động giàu ý nghĩa như giúp đỡ gia đình những bạn có hoàn cảnh khó khăn, những bạn học yếu, tham gia các phong trào ủng hộ, giúp đỡ các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình thương binh liệt sĩ,...

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây