Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Nguyễn Đình Thi và tác phẩm: Đất Nước

Thứ năm - 31/08/2017 20:02
Đất nước là một bài thơ được viết trong một thời gian dài (1948 - 1955). Nhà thơ sống với bộ đội, theo bước hành quân và tận mắt thấy các chiến sĩ Điện Biên từ chiến hào xông lên, tạo nên chiến thắng vẻ vang, chấn động địa cầu. Với Đất nước, Nguyễn Đình Thi đã sớm góp một tiếng nói hay và khái quát về đất nước.
I. TÁC GIẢ (xem bài Mấy ý nghĩ về thơ)
II. TÁC PHẨM: Đất Nước
1. Xuất xứ

Trong Nhà văn nói về tác phẩm (NXB Văn học, Hà Nội 1994), Nguyễn Đình Thi viết: “Đất nước là một bài thơ tiêu biểu của tôi trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Bài thơ được bắt đầu viết từ năm 1948. Đây là thời điểm rất có ý nghĩa. Sau chiến dịch thu đông Việt Bắc 1947, tình cảm với đất nước ở mỗi người đều gắn liền với lòng tự hào, niềm tin tưởng vào sự thắng lợi của cuộc kháng chiến. Tình cảm công dân ở người viết cũng được biểu hiện sâu sắc. Lúc này tôi viết bài Nhận đường nói lên nhận thức và lòng quyết tâm của mình và cũng là của cả anh em văn nghệ sĩ đi theo kháng chiến. Cảm hứng bài Đất nước cũng bắt đầu từ đấy. Bài thơ được tổng hợp từ một số bài thơ khác như Sáng mát trong và Đêm mít tinh”.
 
Đất nước là một bài thơ được viết trong một thời gian dài (1948 - 1955). Nhà thơ sống với bộ đội, theo bước hành quân và tận mắt thấy các chiến sĩ Điện Biên từ chiến hào xông lên, tạo nên chiến thắng vẻ vang, chấn động địa cầu. Với Đất nước, Nguyễn Đình Thi đã sớm góp một tiếng nói hay và khái quát về đất nước. Đây là Tổ quốc đứng dậy - chiến đấu, được cảm nhận qua lăng kính tâm hồn tài hoa của người trí thức tiểu tư sản đã nhập thân với Cách mạng.
 
2. Bố cục
Bài thơ có thể chia thành 2 phần:
Đoạn 1 (Từ đầu đến câu “Lòng dân ta yêu nước thương nhà”): Diễn tả quá trình nhận thức về đất nước, về kháng chiến và sự hình thành những tình cảm yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm.
 
Đoạn 2 (còn lại): Diễn tả khái quát những chặng đường kháng chiến, kết thúc bằng sự đứng dậy hiên ngang đầy tự hào của đất nước.
 
3. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
a. Mùa thu trong hoài niệm: một mùa thu đẹp nhưng buồn
- Đây là mùa thu Hà Nội trong hoài niệm, vì hoài niệm nên chỉ những gì là đọng nhất, sâu nhất mới hiển hiện. Câu thơ thứ nhất Sáng mát trong như sáng năm xưa chỉ viết bằng thanh ngang và thanh sắc, cách thể hiện ấy đã tạo thành một chuỗi âm thanh vừa trong, vừa sáng để nó hoà điệu với sự trong sáng của nội dung câu thơ. Câu thơ là một thoáng bâng khuâng hoài niệm. Là cái khoảnh khắc mà ở đó hiện tại chợt nhớ về quá khứ, sáng hôm nay nối với sáng năm xưa. Tâm hồn thi nhân làm một cuộc viễn du trở về với ngày xưa.
 
- Khí trời trong mát, hương cốm ngọt ngào, chút se lạnh của làn gió heo may, những chiếc lá vàng lặng lẽ rơi, nắng vàng, thềm phố vắng... Chỉ vài nét gợi tả mà dựng lại được cả không gian, sắc màu, hương vị và cả nhịp điệu của thời gian của bức tranh thu.
 
- Hình ảnh thơ gợi cảm và tinh tế. Cảm giác về sự chuyển mùa thật rõ rệt, chuyển mùa trong trời đất và chuyển mùa trong lòng người. Tĩnh lặng và buồn, ấy là đặc điểm của hồn thu và tình thu Hà Nội.
 
-Trên cái nền không gian và thời gian ấy, Hà Nội mùa thu năm xưa càng ám ảnh lòng người hơn với hình ảnh những chàng trai tài hoa của đất Hà thành phải xa rời thành phố rất đỗi thân yêu ra đi vì tiếng gọi của non sông đất nước. Câu thơ Người ra đi đầu không ngoảnh lại - Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy đã ghi lại rất thực nỗi lòng người đi, dứt khoát nhưng cũng đầy lưu luyến. Hình ảnh con người hiện lên trong một bức tâm cảnh vừa có hình khối, có màu sắc, tạo nên những ấn tượng day dứt lòng người.
 
- Phải là người trong cuộc, phải có một tình yêu Hà Nội như máu thịt, phải là một nghệ sì tài hoa mới có được bức tranh tâm cảnh tuyệt đẹp trên.
 
b. Mùa thu ở chiến khu Việt Bắc: một mùa thu đẹp rực rỡ, khoáng đạt với những niềm vui phân chấn, hồ hởi, đầy tự hào.
 
Mùa thu nay khác rồi. Nhịp thơ, giọng thơ đột nhiên biến đổi hẳn. Nếu trong 7 câu thơ đầu nhịp thơ chậm, giọng thơ dịu nhẹ sâu lắng thì đến đoạn này nhạc điệu thơ trở nên khỏe khoắn, mạnh mẽ, hồ hởi, phấn chấn. Vì thế bức tranh mùa thu ở đây đã khác hẳn bức tranh thu trước đó.
 
- Một bức tranh thu với không gian vô cùng rộng mở, khoáng đạt. Có lẽ, đến với đoạn thơ này, lần đầu tiên trong thơ ca Việt Nam mới có một bức tranh mùa thu rộng lớn đến như vậy. Những từ ngữ chỉ không gian mở rộng liên tiếp xuất hiện liền kề nhau, đó là: trời xanh, núi rừng, những cánh đồng, những ngã đường, những dòng sông. Những hình ảnh này có sức gợi lên một đất nước rộng lớn mênh mông.
 
- Không còn gió heo may hiu hắt buồn, mùa thu mới với ngọn gió tự do, phóng khoáng thổi ào ạt làm cả rừng tre phấp phới. Mùa thu gắn liền với tấm áo mới trong biếc, với tiếng cười nói rộn ràng. Niềm vui từ bên ngoài, từ cảnh vật đã trở thành niềm vui bên trong, cái vui của chính chủ thể con người. Cái vui không chỉ nằm riêng trong một âm thanh mà là cái vui bao trùm cả đất trời, trải ra trên mọi âm thanh, màu sắc.
 
-Cảnh thu tươi vui, sáng mát, trẻ lại, hồi sinh. Thi nhân đang đứng giữa đất trời Việt Bắc tự do, tựa lưng vào cuộc kháng chiến để nói lên niềm vui chung của nhân dân, của dân tộc. Cái tôi trữ tình ở đoạn đầu đã nhường chỗ cho cái ta chung của cộng đồng. Cảm hứng ở đây, vì thế, mang đậm chất sử thi.
 
c. Hai hức tranh mùa thu trong bài thơ đều đẹp, độc đáo thể hiện tài năng nghệ thuật của nhà thơ
- Bức tranh thứ nhất đẹp một cách cổ kính, sang trọng, lịch lãm, chuyên chở được cái hồn của một Hà Nội nghìn năm văn vật.
 
- Bức tranh thứ hai tươi mới rạng rỡ, hiện đại, chuyên chở niềm vui, lòng tự hào chính đáng của một dân tộc anh hùng.
 
- Hai bức tranh mùa thu trên không tách bạch nhau mà hoà quyện vào nhau, bồi đắp cho nhau thể hiện sự nhận thức sâu sắc về kháng chiến, về đất nước, về con người Việt Nam trong thời điểm lúc bấy giờ.
 
d. Hình ảnh đất nước từ trong đau thương, căm hờn đã anh dũng đứng lên chiến đấu
Viết về những khốc liệt của chiến tranh, Nguyễn Đình Thi đã sáng tạo những câu thơ thật xúc dộng, ấn tượng:
 
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu
 
Cảnh tượng vừa cụ thể vừa khái quát, vừa hư vừa thực, từ một hình ảnh thực qua vùng Bắc Giang, tác giả đã nâng lên thành một hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng khái quát về sự đau thương của đất nước trong chiến tranh. Chiến tranh đã biến những cảnh tượng thanh bình như những cánh đồng quê trở thành hoang vắng, đau thương, chết chóc. Đó là ngoại cảnh nhưng đó cũng chính là tâm cảnh. Ý thơ đã miêu tả nỗi đau xót vô hạn của nhà thơ trước cảnh quê hương thân yêu bị tàn phá.
 
Trong đau thương, đất nước đã anh dũng vùng lên chiến đấu. Tác giả vẫn sử dụng những hình ảnh khái quát để diễn tả cuộc chiến đấu toàn dân, toàn diện đi đến chiến thắng. Nhịp thơ đoạn cuối nhanh, mạnh, dồn dập theo những chặng đường hành quân, những chiến thắng liên tiếp. Bài thơ khép lại bằng hình ánh khái quát tượng trưng cho đất nước từ trong máu lửa chiến tranh, từ trong đau thương căm phẫn đứng dậy hào hùng.
 
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà.
 
Nhà thơ đã tạo nên bức tượng đài của dất nước sừng sững hiện lên chói ngời trên cái nen của máu, lửa, bùn lầy, trong một không gian dồn dập ầm vang tiếng súng nổ rung trời.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây