Ca dao Việt Nam xưa đă có câu:
“Nhắn ai trong cõi hồng trần
Làm người phải lấy chữ nhân làm đầu ”
Con người tồn tại trong xã hội không phải là những chiếc bóng âm thầm, lặng lẽ như cơn mưa rào chợt đến chợt đi, mà chúng ta, với mỗi chữ “nhân” của mình, đang nỗ lực sống hoà họp, đùm bọc lẫn nhau để cuộc sống này ngày một thêm ý nghĩa. Muốn được như vậy, mỗi người phải mở rộng lòng ra để trao cho nhau tình yêu thương, lòng khoan dung, nhân ái. Tục ngữ Ba Lan đã khẳng định: “Sự khoan dung là món trang sức của đức hạnh”, có tôn giáo lại cho rằng: “Khoan dung là mĩ đức, thể hiện cái Thiện nơi người thường”. Dầu cho cách nói khác nhau nhưng suy cho cùng, tất cả đều thừa nhận rằng “khoan dung” là một từ chỉ hành động hiểu biết, cảm thông và tha thứ, đó không phải là một phẩm tính chỉ được dùng cho người khác mà nó cần được dùng cho cả chính bản thân mỗi người. Nói như vậy cũng không có nghĩa thừa nhận “khoan dung” là phẩm tính của người cao hơn ban cho người thấp hơn, hay của một người tốt ban cho kẻ xấu. Bởi dòng đời vô tận luôn chảy trôi giữa bao điều trái ngược, có khi kẻ bần cùng sát đất lại là người khoan dung cho kẻ ngồi trên cao. Do đó, dưới nhiều góc độ khác nhau, khoan dung lại có những vai trò khác nhau trong cuộc sống con người.
Điều đầu tiên, cũng là điều dễ nhận thấy ở một người có lòng khoan dung là họ dễ dàng dẹp đi những chướng ngại vật trong tâm hồn và trước mắt mình, để tìm đến một cuộc sống nội tâm êm đềm, thanh thản. Có lẽ chăng vì thế mà “người hạnh phúc nhất là người không bao giờ giận”? Bạn thấy đấy, một khi xoá bỏ hết những hận thù, những ganh tị không đáng kể trong lòng, người ta thấy thật nhẹ nhõm, thoải mái, bỗng dưng lạc quan, yêu đời hơn bao giờ hết. Cuộc sống còn nhiều điều bí ẩn cần khám phá, tại sao ta không tìm niềm vui từ đó, thay vì ôm mối hận thù vô nghĩa trong lòng? Một cánh cửa khép vào lại có cánh cửa khác mở ra. Khi ta đóng kín những ý nghĩ tầm thường ở tận đáy lòng, ta sẽ hé mở những cảm xúc thi vị, mới mẻ, thánh thiện trong tâm hồn.
Thì ra, khoan dung cho kẻ khác còn là khoan dung cho chính mình, là sự cảm thông sâu sắc cho bản thân và cho những người xung quanh. Như Bác Hồ đã nói thì “Năm ngón tay cũng có ngón dài, ngón ngắn, nhưng cùng trên một cánh tay. Trong mấy triệu người, cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này thế khác đều là đòng dõi tổ tiên ta, nên ta phải khoan dung, thông cảm”. Cũng như thế, trong xã hội có nhiều mối quan hệ phức tạp, có khi không thể dung hoà được ngay, chẳng hạn như quan hệ mẹ kế – con chồng. Nhưng nếu ta mở lòng đón nhận, vượt qua mọi rào cản từ lâu đã trở thành quy luật của lẽ thường “Mấy đời bánh đúc có xương / Mấy đời đi ghẻ lại thương con chồng ”, để cảm thông, thấu hiểu lẫn nhau, thì ta vẫn có một tình mẫu tử thiêng liêng, tốt đẹp. Dễ hiểu vì sao tác giả Nguyễn Thị Thiếu Anh đã làm thơ ca ngợi mẹ kế mình:
Công sinh thành, tôi dành cho mẹ đẻ
Vốn từ lâu bất hạnh đã qua đời
Ơn nuôi dạy, tôi dành cho mẹ ghẻ
Mẹ thứ hai – người mẹ kế tuyệt vời!
Ngoài ra, khoan dung còn biểu hiện cho một tâm hồn vị tha, là đức tính cao thượng, không cố chấp, sẵn sàng tha thứ cho mọi tội lỗi. Phải chăng vì thế mà khoan dung trở nên cần thiết trong cuộc sống? Có người nói “Tha thứ là sự trả thù vinh quang nhất” quả không sai. Bởi vì lòng nhân ái, bao dung vẫn luôn là món quà cứu độ cho kẻ tội lỗi, giúp con người vượt qua mọi thử thách. Khoan dung, nhân ái là truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử. Như mọi người đều thấy, lịch sử Việt Nam gắn liền với lịch sử đấu tranh chống xâm lược. Sau những chiến thắng vĩ đại, ta vẫn không quên mở lòng bao dung, tha thứ, chuẩn bị lương thảo, thuyền bè cho quân giặc trở về nước. Điều này một lần nữa đã được đúc kết trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945: ‘Tuy vậy, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thuỳ, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng, tài sản cho họ”. Hoà bình vẫn luôn là khát vọng cháy bỏng của nhân loại, bởi trong thực tế, chưa có một ngày nào trong mấy nghìn năm qua con người được sống trong thế giới hoà bình. Sau những nỗ lực tìm kiếm, khi bước vào thiên niên kỉ mới, con người mới thấm thía được rằng “không thể giải quyết mọi tranh chắp, xung đột bằng vũ khí, phải có sự cảm thông hiểu biết, vị tha, đối thoại bằng văn hoá khoan dung”. Cũng như F.Voltaire đã từng nhận định: “Sự khoan dung là một vị thuốc duy nhất để chữa những lỗi lầm đang làm bại hoại con người khắp trong vũ trụ”. Nhận thức được điều đó, Đảng và Nhà nước hàng năm vẫn có những chính sách khoan hồng cho những tội phạm thành thật khai nhận tội danh của mình và có những dịp đặc xá cho những tù nhân cải tạo tốt. Chẳng phải là ta đang mở đường cứu sinh cho những con người biết cúi đầu sửa chữa đó sao? Vị tha không chỉ mang lại tia hi vọng sống sót cho những sinh mạng, mà còn đem lại cho mỗi con người một lâu đài công đức, đúng như có người đã nói: “Cứu vớt một người còn hơn xây bảy toà tháp”.
Ngược lại, nếu cuộc sống con người không có sự bao dung, độ luợng thì sẽ vắng bóng tình người. Bản thân mỗi người sẽ trở nên ích kỉ, nhỏ nhen, thực dụng, đôi khi trở thành tội phạm vì “giận quá mất khôn”. Đối với những người làm nhiều điều sai trái, nếu ta không tha thứ, khuyên ngăn thì một lúc nào đó họ sẽ bị dồn đến đường cùng, trở thành mãnh thú vô cùng tàn nhẫn. Đó là nguyên nhân vì sao ngày nay, người ta vẫn sống trong một nền hoà bình “nóng”. Nhiều nơi trên thế giới, từng phút từng giờ vẫn diễn ra những cuộc chiến tranh đẫm máu, kéo dài hơn cả hai cuộc đại chiến thế giới trong quá khứ. Theo thống kê, năm 2006 được coi là một năm đẫm máu của Afganixtan với hơn 100 vụ đánh bom liều chết và bạo lực khủng bố làm 3700 người chết, trong đó có hơn 1000 dân thường vô tội. Tại Uzobekixtan, các lực lượng Hồi giáo li khai và cực đoan hoạt động mạnh gây ra các cuộc đánh bom khủng bố, biểu tình, bạo loạn, ở Thái Lan, tình hình chính trị cũng bất ổn không kém. Lực lượng chống Chính phủ tìm cách cản trở mọi hoạt động chính trị của Chính phủ bằng cách biểu tình ở sân bay quốc gia, bạo loạn trước toà nhà Quốc hội… Tất cả đều bắt nguồn từ mâu thuẫn về lãnh thổ, sắc tộc, tôn giáo… Thiếu một bộ phận trên cơ thể, cuộc sống con người sẽ khó khăn, nhưng thiếu một trái tim nhân ái bao dung, con người sẽ sống mà không còn tình người. Thật vậy, không có sự cảm thông, vị tha đúng lúc, con người sẽ như ở hai đầu của một cái lò xo bị bật xa dần về khoảng cách.
Khoan dung, với giá trị sâu sắc của nó, được ví như một sợi dây vô hình nối trái tim với trái tim, làm cho cuộc sống giàu tình thương, xã hội hoà bình, thân ái. Dầu vậy, chúng ta không nên cho rằng khoan dung là nhân nhượng, là chùn bước, dễ dàng đầu hàng cái xấu, cái ác, mà nên hiểu theo nghĩa tích cực của câu “Một điều nhịn là chín điều lành”. Thế cho nên, Phật mới dạy rằng: “Tài sản quý giá nhất của đời người chính là lòng khoan dung”.
Cuộc sống luôn là cho và nhận, như nhà thơ Tố Hữu đã viết “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Nếu ta biết cho đi sự tha thứ, sự cảm thông, ta sẽ nhận về một cuộc sống bình yên, thanh thản.