Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Nghị luận bài thơ: Đồng chí

Thứ ba - 21/11/2017 20:41
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp trước đây, nhân dân cả nước đã tự nguyện, anh dũng làm nên nhiều chiến công hiển hách. Hình tượng người nông dân mặc áo lính đã đi vào thơ đẹp như bài ca “không bao giờ quên”.
Một trong những bài thơ có giá trị đó là bài Đồng chí của Chính Hữu. Là một nhà thơ quân đội, tác giả hiểu rõ tình đồng đội cao quý của những người cùng lí tưởng. Tên bài thơ cũng độc đáo: “Đồng chí”.
 
Quê hương anh nước mặn đồng chua
...............
Đầu súng trăng treo.

 
Mở đầu bài thơ, tác giả giới thiệu nơi xuất thân của anh bộ đội Cụ Hồ:
 
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lèn sỏi đá,
Anh với tôi, đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,
Súng bển súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn, thành đôi tri kỉ Đồng chí!

 
Lời trao gửi tâm tình của hai người lính xa quê vào những phút giây nghỉ ngơi ngắn ngủi sau chặng hành quân dài vất vả, sau trận đánh ác Hệt hay trong đêm rừng cùng nhau phục kích quân giặc. Lời tâm sự được tác giả diễn tả bằng hình ảnh đẹp, ấm cúng. Điều làm cho mọi người dễ xích lại gần nhau là những câu chuyện quê hương.
Quê hương anh và làng tôi, cách gọi chứa đựng bao tình cảm gắn bó thiết tha. Không thấy nhắc đến một địa phương cụ thể nào, chỉ biết rằng quê hương anh là vùng nước mặn đồng chua. Câu thơ gợi nhiều hơn tả. Thành ngữ “nước mặn đồng chua” đi vào câu thơ rất tự nhiên, khiến người đọc liên tưởng đến một vùng đồng chiêm trũng ven biển quanh năm úng lụt. Cuộc sống người dân ở dây rất cực khổ, nghèo nàn.
 
Không hẹn mà nên, những người nông dân ấy gặp nhau tại một điểm: lòng yêu nước. Tình yêu quê hương, gia đình, nghĩa vụ công dân thúc giục họ lên đường chiến đấu. Bởi thế nên từ những phương trời xa lạ, mọi người chẳng hẹn mà quen nhau. Trong môi trường quân đội, đơn vị thay cho mái ấm gia đình, tình đồng dội thay cho tình gia đình. Cái xa lạ ban đầu nhanh chóng bị xóa đi bởi những người cùng cảnh ngộ. Sát cánh bên nhau chiến đấu, càng ngày họ càng cảm nhận sâu sắc về sự hòa hợp, gắn bó gịữa đồng đội cùng chung lí tưởng và hành động:
 
Súng bên súng, đầu sát bên đầu,
Đêm rét chung chăn, thành đôi tri kỉ

 
Đọc những câu thơ tiếp, ta hiểu hơn tâm sự của anh bộ đội:
 
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
Anh ướt tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài miếng vả
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.

 
Nhà thơ thông cảm với các anh, đi chiến đấu, họ để lại bao khó khăn vất vả sẽ đè nặng lên vai cha già mẹ yếu, vợ dại, con thơ. Biết chắc là như thế nhưng các anh vẫn quyết ra đi cứu nước vì cứu nước là cứu nhà. Ruộng vườn thì gửi bạn thân cày; gian nhà không cũ kĩ, xiêu vẹo đành mặc kệ gió lung lay. “Mặc kệ” nghĩa là dẹp hết chuyện riêng tư sang một bên để lo đánh giặc trước đã. Phảng phất đâu đây cái chí của “Người ra đi đầu không ngoảnh lại” (Nguyễn Đình Thi). Đấy là phong thái, là cách nói dân dã, mộc mạc của người dân. Hai cách nói khác nhau nhưng cùng chung một thái độ dứt khoát đưa nhiệm vụ cứu nước lên trên hết.
 
Trải qua cuộc sống gian khổ, biết bao điều gắn bó chiến sĩ ta lại với nhau:
 
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi

 
Tôi với anh chung cảnh ngộ, anh với tôi chung một lí tưởng, chung đội ngũ và tôi với anh giờ đây lại chung cả những cơn sốt rét rừng ghê gớm. Cái căn bệnh quái ác mà lính ta anh nào cũng sợ. Sợ mà không sao tránh khỏi. Nhà thơ nhắc đến chuyện này như nhắc đến một kỉ niệm khó quên trong tình bạn.
 
Bài thơ đem lại sự rung động sâu sắc khi dựng nên được hình ảnh trung thực và giản dị của anh bộ đội Cụ Hồ:
 
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài miếng vá
Miệng cười buốt giá Chân không giày

 
Đọc đến đây, ai mà không cảm động trước hình ảnh cha ông mình đánh giặc giữa trăm ngàn thiếu thốn. Có thế mới hiểu hơn, thương quý hơn những lớp người đi trước, đánh giặc với vũ khí tự tạo:
 
Lột sắt đường tàu
Rèn thêm đao kiếm
Áo vải chân không
Đi lùng giặc đánh
(Hồng Nguyên)

 
Khác chi người lính Tây Sơn áo vải cờ đào, khác chi người nông dân mến nghĩa làm quân chiêu mộ, chẳng cần qua mười tám ban võ nghệ vẫn anh dũng lao vào cuộc chiến đấu chống xâm lăng với rơm con cúi, lưỡi đao phay mà cũng làm nên chiến thắng.
 
Có sự gặp gỡ lạ kì giữa xưa và nay, tạo nên hình ảnh truyền thống của người dân Việt Nam giàu ngàn đời đánh giặc.
 
Bao thiếu thốn vật chất được thay thế bằng tình thương yêu sâu sắc của đồng đội:
 
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.
 
Có lẽ không ngôn ngữ nào diễn đạt cho hết tình đồng chí thiêng liêng trong hoàn cảnh ấy. Cái siết tay thật chặt và ánh mắt cảm thông, tin cậy đủ nói lên tất cả.
 
Đoạn kết của bài thơ thật đẹp. Nó đã tạc vào thơ ca chân dung người chiến sĩ mộc mạc, đơn sơ mà khỏe khoắn, hào hùng:
 
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh hèn nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.

 
Chất hiện thực và lãng mạn bay bổng hòa quyện với nhau. Cảnh vẫn là cảnh rừng hoang, sương muối âm u, lạnh giá nhưng dường như nó bị đẩy lùi ra tít phía sau, nhường chỗ cho hình ảnh của đồng đội đang sát cánh bên nhau trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Tình đồng chí thiêng liêng đã sưởi ấm lòng người chiến sĩ, chắp cánh cho tâm hồn họ bay bổng. Đêm khuya chờ giặc, trăng đã xế ngang tầm súng và tác giả hạ câu thơ độc đáo: “Đầu súng trăng treo”. Trong sự tương phản giữa hai hình ảnh súng và trăng, người đọc vẫn tìm ra được mối quan hệ gần gũi. Súng tượng trưng cho tinh thần quyết chiến dể bảo vệ hòa bình. Trăng tượng trưng cho cái đẹp và cuộc sống yên vui. Súng và trăng là biểu tượng của dân tộc Việt Nam dũng cảm, hào hoa muôn thuở, đồng thời nó cũng thể hiện lòng tin tưởng và tâm hồn yêu đời của chiến sĩ ta.

Bài thơ Đồng chí là bức chân dung sống động về anh bộ đội Cụ Hồ thời kháng chiến. Chính Hữu đã khắc họa hình ảnh người chiến sĩ với tấm lòng cảm phục và mến thương sâu sắc. Bài thơ lưu lại mãi mãi trong kí ức bao thế hệ cầm súng chống xâm lăng từ đó đến nay. Bởi thế, nhắc đến tác giả là người đọc nhớ ngay đến bài thơ tuyệt vời này.

Tạ An Cư

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây