Nhân vật “tôi” cũng tự nguyện giúp lão một cách chân thành: “Tôi giấu giếm vợ tôi, thỉnh thoảng giúp ngấm ngầm lão Hạc”. Nhưng lão Hạc với tính cách giàu lòng tự trọng chỉ nhận sự giúp đỡ về pháp lí liên quan đến tài sản dành cho con. Nhân vật “tôi” cũng là người giàu lòng trắc ẩn, giàu tình thương và luôn có sự đồng cảm với hoàn cảnh éo le của lão Hạc và tự nguyện giúp lảo một công việc trọng đại đối với cuộc đời lão: “Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt! Lão đừng lo gì cho cái vườn của lão. Tôi sẽ cố giữ cho lão. Đến khi con trai lão về tôi sẽ trao lại cho hắn và bảo hắn: “Đây là cái vườn mà ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn; cụ thà chết chứ không chịu bán đi một sào...”. Nhân vật “tôi” thể hiện đạo lí sống có thủy có chung, hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, cho dù trong thời điểm mà cái đói, cái rét, cái đau, cái khổ không trừ một ai.
Câu chuyện được kể từ ngôi thứ nhất, tạo nên tính chân thực và độ tin cậy cao. Với cách kể này, câu chuyện như là một hình thức giải bày tâm sự, cuốn hút độc giả, buộc độc giả phải nhập vai, liên tục theo dõi các diễn biến của câu chuyện. Các tình tiết, sự kiện của câu chuyện được sắp xếp các nút thắt mà tâm điểm là mảnh vườn lão Hạc để lại cho con. Từ đó, một loại chi tiết được tạo ra: con lão có hiếu với cha nên chấp nhận không đòi bán vườn để cưới vợ mà bỏ quê đi kiếm ăn tại đồn điền cao su; con chó mà đứa con mua để khi nào trở về cưới vợ thì giết thịt trở thành bạn đêm hôm khuya sớm, rồi lão phải bán chó, lão phải nhờ ông giáo giữ hộ mảnh vườn và cuối cùng, lão tự nguyện kết thúc cuộc đời mình theo cách của lão...
Câu chuyện vừa mang tính chất tâm tình vừa bộc lộ cảm xúc chân thành, tạo ra những nhận thức mới về con người và cuộc đời. Việc kết hợp tả và kể được thực hiện một cách tài hoa, tạo ra ấn tượng về một sự thực của cuộc sống đời thường. Ngôn ngữ và hành vi phù hợp với tính cách nhân vật, không cường điệu, khoa trương mà rất chân thành, sống động. Cách triết lí nhẹ nhàng mà sâu sắc, tác động và gây cảm xúc cho người đọc. Cuộc sống xung quanh diễn ra đa chiều nhiều hướng, theo kiểu mà dân gian vẫn thường nói là “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Cuộc sống đó đòi hỏi sự cảm thông sâu sắc giữa người và người, đừng để cho “cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất”. Vì thế, “đối với những người quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương...”. Trước hết, đối với con người, phải dùng tình thương để đáp lại tình thương, phải nhận ra nhân cách cao quý của những con người ở xung quanh ta, phải biết rằng “nhân chi sơ tính bản thiện” - nghĩa là bản chất con người vốn là lòng thiện ngay từ khi được sinh ra làm người.
Triết lí trữ tình của nhân vật “tôi” mang trong nó cảm xúc chân thành chen lẫn niềm xót xa trước thời thế đảo điên. Đây cũng là cách thức nhìn nhận, đánh giá con người đúng đắn, là bài học cho mỗi một cuộc đời. Điều đó cũng cho thấy cách nhìn nhận cuộc đời tinh tế và tình thương yêu con người sâu sắc của tác giả.