Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Một số tác phẩm văn thơ cách mạng đã khắc họa được hình tượng người chí sĩ yêu nước đầu thế kỉ XX.

Thứ hai - 25/07/2016 06:04
Đó là những con người dù trong hoàn cảnh tù đày gian khổ, hiểm nguy vẫn luôn có tư thế hiên ngang, khí phách hào hùng và ý chí kiên định. Dựa vào các tác phẩm Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông, Đập đá ở Côn Lôn... hãy làm sáng tỏ điều đó.
Trong dòng văn thơ cách mạng của các tác giả viết vào đầu thế kỉ XX, đã có nhiều tác phẩm khắc họa hình tượng người chiến sĩ yêu nước trong hoàn cảnh tù đày gian khổ nhưng vẫn hiên ngang bất khuất, kiên định ý chí cách mạng. Các tác phẩm “Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông”, “Đập đá ở Côn Lôn”, “Những trò lố hay Va-ren và Phan Bội Châu”, nằm trong số các tác phẩm đó.
 
Thông qua các tác phẩm ấy, các tác giả đã thể hiện rõ hình ảnh dù họ bị tù đày nhưng tư thế vẫn hiên ngang, lẫm liệt, khí phách thật hào hùng. Đó là tư thế ung dung, tự tại đầy vẻ hào kiệt và phong lưu. Sự kết hợp hài hòa hai tính cách đó tỏ rõ một thái độ thách thức hiểm nguy. Với giọng thơ có vẻ đùa vui:
 
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.
 
thì sự thách thức càng mạnh mẽ hơn. Họ thách với hoàn cảnh tù đày, với cái chết kề bên. Vào tù nhưng lại biến mình thành một vị thần. Họ thật tài ba khi biến cái thế bị động của người tù sang thế chủ động của một con người làm chủ bản thân và hoàn cảnh.
 
Họ đã biến cái lao dịch khổ sai của nhà tù thành một công cuộc chinh phục thiên nhiên dũng mãnh. Phan Châu Trinh đã tạc lên sừng sững một nhân vật thần thoại lẫm liệt, lồng lộng giữa biển cả bao la:
 
Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn.
 
Và họ, những con người mạnh mẽ được ví với nhân vật thần thoại Nữ Oa: còn lí tưởng của họ vĩ đại như việc vá trời. Khí thế lừng lẫy như xung trận, hành động quả quyết phi thường “Xách búa đánh tan” “ra tay đập bể”, với sức mạnh thần kì làm “lở núi non”.
 
Vì vậy họ coi nhà tù như là nơi rèn luyện và để thể hiện ý chí bất khuất của người chiến sĩ yêu nước. Và những người chiến sĩ yêu nước này cũng thể hiện được ý chí hiên ngang bất khuất ngay trong cuộc đối mặt với kẻ thù. Khi thể hiện khí phách của Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc đã diễn tả tư thế gang thép của Cụ khi đối mặt với tên toàn quyền Đông Dương. Người chiến sĩ yêu nước ấy không hề nói một câu nào, không thèm nghe mà chỉ im lặng dửng dưng trước những lời dụ dỗ cũng như đe dọa của kẻ thù. Với họ, dù gươm kề cổ, súng kề tai, cũng không bao giờ phản bội lí tưởng cách mạng. Chính thái độ đó khiến kẻ thù từ chỗ tự đắc cho rằng chúng có thể bẻ gãy được ý chí của người chiến sĩ cách mạng đến chỗ phải hoang mang, rồi phải kinh sợ.
 
 Mặc dù Cụ đang bị chúng “đeo gông lên vai, đày đọa trong nhà giam, ngày đêm bị bóng dáng của máy chém như một bóng ma kề bên cổ” (“Những trò lố hay Va-ren và Phan Bội Châu”). Qua đó, ta thấy hình tượng người chí sĩ cách mạng thật hào hùng. Họ không hề sợ hoàn cảnh tù đày mà ngược lại họ còn coi thường hiểm nguy, coi việc vào tù như một sự nghỉ chân, lỡ bước với một tư thế hiên ngang, bất khuất.
 
Ý chí thực hiện lí tưởng cách mạng của những chí sĩ yêu nước cũng rất lớn lao và khó có thể suy chuyển nổi. Phan Châu Trinh viết bài Đập đá ở Côn Lôn trong hoàn cảnh của người tù bị đày đọa, nhưng lời thơ lại cứng rắn, không chịu khuất phục, cùng với giọng điệu đanh thép, lời thơ vui sống, luôn tin tưởng vào tương lai, đặc biệt là sự nghiệp cách mạng cao cả.
 
 Điều đó thể hiện ý thức, tình cảm tự giác, mạnh mẽ, quyết tâm dồn sức lực trí tuệ để đạt được mục đích. Mượn hình ảnh đập đá phá tan những trái núi, ông thể hiện chí dời non lấp biển, tinh thần gang thép mà ngục tù khổ sai không bẻ gãy được họ. Trái lại họ coi nhà tù là nơi tôi luyện thêm ý chí bền bỉ, dẻo dai, vững chắc:
 
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi
Mưa nắng chi sờn dạ sắt son
 
để họ thực hiện lí tưởng.
 
Như vậy, qua đó ta thấy hình tượng người chí sĩ rất hào hùng, kiên định một lí tưởng giải phóng đất nước, xây dựng đất nước. Bởi thế văn thơ của họ như tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho dân tộc đồng thời cũng làm cho kẻ thù khiếp sợ.
 
 Chính vì thế trước Cách mạng tháng Tám, các tác phẩm thơ văn đó chỉ thường lưu hành không công khai, nhưng không vì thế mà nó không đến với quần chúng. Nó vẫn như tiếng kèn xung trận, thúc đẩy quần chúng lên đường cứu nước.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây