Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Macxim Gorki nói: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức là con đường sống”. Suy nghĩ của em về câu nói đó.

Thứ năm - 14/01/2016 10:32
Nếu ví tri thức nhân loại như một đại dương mênh mông thì sự hiểu biết của mỗi con người chỉ như muối bỏ bể. Trên chặng hành trình kiếm tìm biển kiến thức vô tận, con người sẽ tự lớn dần lên để từ một cá thể nhỏ nhoi mà tạo được tiếng nói cho riêng mình, làm phong phú thêm cho đời sống. Sách là phương tiện trung gian đưa con người tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng nhất với nguồn tri thức ây. Mỗi trang sách có thể chứa đựng những điều có giá trị truyền đạt từ vạn năm. Mỗi quyển sách có thể mang trong lòng nó những kiến thức làm nên giá trị muôn đời. Thế nên, khi nhận định về tầm quan trọng của sách, nhà văn M. Gorki đã nói: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức là con đường sống”. Nhân loại tìm đến sách để dưỡng nuôi “con dường sống” cho mình và cho đời ví như hạt muối nhỏ nhoi nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành cả một đại dương rộng lớn.
Một hôm nào mở mắt ra, ta thấy thế giới quanh ta thật kì lạ. Tại sao sau cơn mưa trời không chỉ ánh lên một vẻ xanh mà còn lung linh bảy sắc cầu vồng? Tại sao những ngôi sao trên trời chỉ thắp sáng về đêm? Hành trình một đời người phải trải qua kể từ lúc mới được sinh ra?... Tất cả những điều mang tầm vóc vĩ mô như vũ trụ cho đến những điều thuộc về cái vi mô như tâm hồn con người, ta đều tìm thấy ở sách. Ngàn năm trước, ngàn năm sau, sách đã tồn tại như một nhân vật trung gian kết nối không gian, thời gian, kết nối nhân loại, để dù một đất nước Việt Nam nhỏ bé, ta vẫn hiểu đời sống của con người tận vùng Bắc Âu, để từ hôm nay quá khứ vẫn hiện về trong ta một thời hào hùng trong lịch sử nước nhà. Qua sách, nhân loại không chỉ hiểu biết mà còn đồng cảm nhau hơn vì những điều đã đọc mà cứ như dược sống tận nơi, nhìn tận mắt. Không chỉ đơn thuần là “của kho vô tận” đế con người đặt, đế mà sách còn là người bạn chí cốt, nơi kí thác những tâm sự thầm kín riêng tư, để rồi qua đó ta càng hiểu thêm khí chất tuyệt vời từ tâm hồn lãnh tụ. Anh Thạc, chị Thuỳ gửi vào trang giấy những tâm tình thời chiến tranh khiến ngày nay cả một thế hệ thanh niên phải nghiêng mình cảm phục. Chính vì thế, dù ở thời đại nào, sách vẫn là một nhân tố quan trọng đưa nhân loại đến gần nhau hơn trong sự hiểu biết chung về thời, mọi người, mọi cảnh huống.
 
Nguồn kiến thức mà sách mang đến cho con người là vô tận. Sách tổng hoà mọi kiến thức từ những lĩnh vực khác nhau. Đọc sách khoa học để hiểu nhân loại đã tiến bộ như thế nào từ sự xuất hiện đầu tiên của lửa, để cùng thích thú với những phát minh bậc thầy nhưng lại qua những bắt gặp hết sức ngẫu nhiên của Acsimet, Niutơn. Tìm hiểu sách xã hội để khám phá ra sự phong phú vô tận từ nền văn hoá của mọi quốc gia, hiểu được hình thế sông núi mà thiên nhiên hữu ý hay vô tình tạo dựng. Say sưa cùng những trang sách văn học để trở nên đồng cảm với nhân loại hơn trong chặng hành trình lớn lên của một con người, vận động của một tâm hồn, đấu tranh vì những khát vọng... Có tồn tại chăng nền văn minh nhân loại nếu không có sách? Không có sách, lượng kiến thức khổng lồ được chuyến tải đi đâu và làm sao ta tiếp nhận? Không có sách, con người sẽ bồi dưỡng tri thức của mình bằng cách nào? Hậu quả nếu không có sách sẽ là sự ra đời của lạc hậu và ngu dốt, con người không thể tự lớn lên (về mặt tri thức) thi lấy đâu khả năng làm chủ vận mệnh của bản thân và đất nước? Chính vì thế mà hãy tìm đến sách, vì “nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”.
 
“Sách chắp cánh cho trí tuệ và tâm hồn bằng tình yêu đối với con người và thế giới” (M. Gorki). Sách không chỉ tác động vào tri thức mà còn là thức ăn tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn con người, nhân lên sự hiểu biết của chúng ta về cả cái khách quan bên ngoài lẫn cái chủ quan bên trong. Vì thế nhân loại ngày một giàu có hơn về mặt kiến thức, tinh tế hơn về tinh thần. “Yêu sách” không chỉ là thái độ đối với sách mà còn phải phát huy được những giá trị đích đáng mà sách mang đến cho con người. Một con người bình thường có thể đọc hơn ngàn quyển sách trong đời và cũng tiếp nhận từng ấy kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng kiến thức chỉ có được qua tư duy của con người. Cuộc đời ngoài kia đang vỗ sóng, anh sẽ khẳng định được gì nếu chỉ ngồi một nơi mà tiếp nhận kiến thức? Đọc sách không chỉ là một sự tự hưởng thụ cho mình mà hãy xem nó đã đem lại gì có ích cho anh, đã đưa anh đến với cuộc đời như thế nào, và liệu anh sẽ làm được gì hơn cho đời (hay ít nhất cho mình) từ những trang sách ấy? Sách cũng như một kho báu, nó sẽ chìm lẫn vào lớp bụi thời gian hay mang những tinh hoa mà cống hiến cho đời là tuỳ vào thái độ của người đọc nó. Đọc là một chuyện, vận dụng vào đời sống lại là một chuyện khác, có lẽ chẳng ai muốn làm Đôn-ki-hô-tê nhà “quý tộc tài ba” xứ Man-tra xem đời như cuốn sách để rồi mê đắm vào những giấc mơ vô dụng, hão huyền. Hãy đặt cuốn sách lên trên cuộc đời chứ đừng đặt cuộc đời bên trong trang sách, nghĩa là vận dụng kiến thức ta có được từ những trang sách vào thực tế sôi động và phong phú ngoài kia. Thực tiễn mới là nơi ta sống, kiến thức từ sách sẽ là phù sa làm giàu có cho dòng chảy cuộc đời.
 
Nhưng có điều, không phải quyển sách nào cũng “mở ra trước mắt ta những chân trời mới”, không phải bất cứ loại sách nào cũng là bạn tốt của con người. Loại sách vô giá trị chỉ nhằm vào mục đích xuyên tạc cuộc sống, đẩy con người vào u.mê, ngu muội. Đọc sách nhiều nhưng biết gạn lọc cũng là một thái độ đúng đắn khi tiếp cận với nguồn tri thức nhân loại. Đó phải là những quyển sách mang lại cho ta một điều tốt đẹp gắn với con người và cuộc sống, nó phải nhân rộng kiến thức và tầm nhìn của mỗi cá nhân giữa đời rộng lớn, nó phải “ca tụng tình thương, lòng bác ái, sự công bình, nó làm cho người gần người hơn” (Nam Cao)... Chỉ khi ấy, sách mới luôn là hành trang tinh thần của con người trên quá trình dựng xây cuộc sống.
 
“Hãy yêu sách, nó là nguồn  kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”. Suốt đời, Gorki đã miệt mài đọc sách để tự bồi dưỡng cho mình một nguồn kiến thức dồi dào, những điều không trải qua trong đời thực ít nhiều ông đều tìm thấy sự trải nghiệm qua trang sách. Đâu phải ngẫu nhiên Gorki trở thành nhà văn bậc thầy của giai cấp vô sản. Đâu phải ngẫu nhiên Bác Hồ tìm thấy được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Người. Tất cả đều từ sách... Có thể cả đời người cũng không đủ nắm bắt toàn vẹn kiến thức nhân loại, có thể đi trọn cuộc đời cũng không thể đọc qua một vạn quyển sách, nhưng bề dày kiến thức đâu phải có được đo đếm từ số lượng sách đọc qua. Điều quan trọng là ta đã đọc như thế nào để biến những kiến thức im lặng trên trang sách phải trỗi dậy mà tạo lập lấy “con đường sống” cho ta, cho người và cho đời vốn luôn ẩn tàng biết bao điều mới lạ?!

(Nguyễn Thị Hồng Anh, học sinh giỏi thành phố)

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây