Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Không chỉ mang nặng một nỗi niềm, bài thơ Bánh trôi nước còn lắng đọng một cái nhìn Xuân Hương về phận đàn bà của thời xưa cũ. Em nghĩ gì về cái nhìn ấy?

Chủ nhật - 14/08/2016 10:23
A. Hướng dẫn làm bài
- Đề bài yêu cầu nêu suy nghĩ về nỗi niềm tâm sự và cái nhìn rất Xuân Hương về “phận đàn bà” được thể hiện qua bài thơ “Bánh trôi nước”.
- Biểu cảm dựa trên những ý tứ bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương và những sáng tác văn học dân gian Việt Nam cùng chủ đề; từ những tình cảm, cảm xúc chân thật của bản thân về thân phận bọt bèo của người phụ nữ thời xưa.
- Bài làm cần đủ những ý chính sau:
Mở bài:
+ Giới thiệu nữ sĩ Hồ Xuân Hương - một nhà thơ độc đáo của văn học Việt Nam “bà chúa thơ Nôm”.
+ Giới thiệu bài thơ “Bánh trôi nước” - bài thơ không chỉ mang nặng một nỗi niềm mà còn lắng đọng một cái nhìn Xuân Hương về “phận đàn bà” của thời xưa cũ.
Thân bài:
+ Bài thơ mang nặng một nỗi niềm:
- Người phụ nữ trong xã hội xưa dẫu đẹp đẽ nhưng phải chịu nhiều vất vả, truân chuyên, sớm bị cuộc đời nhào nặn...: “vừa trắng lại vừa tròn” nhưng “bảy nổi ba chìm với nước non / Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”.
- Cần có thái độ sống như thế nào trước cuộc đời nhiều ngang trái, bất công như vậy? -> người phụ nữ chọn lối sống cam chịu, gắng gỏi giữ lấy tấm lòng son sắt với cuộc đời “Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.
+ Bài thơ lắng đọng một cái nhìn Xuân Hương về “phận đàn bà” của thời xưa cũ.
• Thân phận bé mọn: viên bánh trôi. Trong nhiều bài thơ khác, đó là quả mít, con ốc, cái quạt,…
• Bị cuộc đời vùi giập, xoay vần: “bảy nổi ba chìm”, “nặn”,…
-> Địa vị thấp kém, bị coi thường,…
+ Nguồn gốc của cái nhìn Xuân Hương về “phận đàn bà” của thời xưa cũ:
• Xuất phát từ số phận cuộc đời chính nhà thơ: tài sắc nhưng bất hạnh.
• Từ cuộc đời, số phận thực của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
-> Nguồn gốc sâu xa là xã hội phong kiến bất công.
+ Liên hệ, mở rộng: vị trí của người phụ nữ trong xã hội ngày nay trong thực tế và trong thơ ca.
Kết bài:
+ Khái quát nội dung tư tưởng bài thơ, nhấn mạnh nỗi tủi sầu của nhà thơ.
+ Bài thơ khép lại một cái nhìn và mở ra một chiều sâu liên tưởng về số phận người phụ nữ trong xã hội ngày nay.

B. Bài văn mẫu
Theo nhiều giai thoại văn học, Hồ Xuân Hương là người phụ nữ sắc nước hương trời và tài năng tột bậc nhưng sớm có một cuộc đời đa đoan, chìm nổi. Có phải vì thế mà thơ bà nặng một nỗi niềm về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ? Không chỉ vậy, qua bài thơ “Bánh trôi nước”, nữ sĩ còn thể hiện một cái nhìn lắng đọng rất Xuân Hương về "phận đàn bà" trong xã hội đương thời.

Viết về thân phận người đàn bà trong xã hội cũ. Hồ Xuân Hương thường chọn lối ẩn dụ mượn những sự vật như con ốc, cái quạt, quả mít, bức tranh, để gửi gắm quan niệm, cái nhìn của ban thân mình. Đó là những vật hết sức tầm thường bé mọn, ít gặp trong thơ ca trung đại (đề tài của thơ ca bác học thường là những vật thanh cao như tùng, cúc, trúc, mai,...) Chọn đề tài ấy, Xuân Hương muốn thể hiện cái nhìn của bản thân về thân phận người phụ nữ: nó bé nhỏ, hòn mọn đến tội nghiệp. Bài thơ “Bánh trôi nước" cũng mượn một sự vật nhỏ nhoi như vậy để làm hiện thân cho người phụ nữ: viên bánh trôi.
 
" Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
 Mà em vẫn giữ tấm lòng son ".
 
Dẫu khiêm nhường đến mực “hạ mình” như vậy, song Xuân Hương vẫn không phủ nhận vẻ đẹp thanh khiết của người phụ nữ. Họ là những viên bánh trôi nhưng đó là những viên bánh “vừa trắng lại vừa tròn”. “Trắng” và “tròn” thể hiện vẻ đẹp xinh xắn, đáng yêu của viên bánh trôi nhưng cũng là nét phúc hậu, vẻ đẹp đẽ bên ngoài của người phụ nữ. Từ “lại” đã góp phần nhấn mạnh những đặc điểm quý báu đó.
Là thân phận viên bánh trôi, nó phải chấp nhận số phận chìm nổi lênh đênh:
 
"Bảy nổi ba chìm với nước non
 Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn".
 
Hai câu thơ mang nhưng nét tả thực: viên bánh trôi khi mới thả vào nồi thì chìm nhưng đến khi chín lại nổi. Như vậy, viên bánh bị xô đẩy liên hồi, không được an lành, yên bình. Chẳng những vậy, hình dáng viên bánh “rắn nát (rắn hay nát) đều phụ thuộc vào người khác “tay kẻ nặn”. Số phận, cuộc đời viên bánh trôi nhưng cũng là số phận, cuộc đời người phụ nữ. Họ phải “bảy nổi ba chìm chín lênh đênh” với cuộc đời, với công cuộc mưu sinh tìm kế sinh nhai: chợ búa, lợn gà, chồng con, cơm nước... Ta đã từng gặp trong ca dao những hình ảnh tội nghiệp như thế:
 
"Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non".
 
"Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao"...
 
Ông tú Trần Tế Xương trong bài “Thương vợ” cũng ngậm ngùi:
 
"Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông".
 
Những công việc của họ tuy chẳng phải đội trời đạp đất, kinh bang tế thế nhưng đều là những công lao không thể thiếu trong cuộc đời. Không có họ, sự sống không thể tồn tại. Và bởi vậy, công lao của người phụ nữ đứng sánh tầm non nước. Trong câu thơ của Xuân Hương có thoáng tự hào: “Bảy nổi ba chìm với nước non”. Nghĩa là vất vả, long đong với những công việc to tát, lớn lao.
 
Không chỉ vậy, người phụ nữ trong xã hội còn mang một nỗi khổ sâu sắc, thấm thía khác: họ không có quyền tự chủ số phận của mình trong cuộc đời. Vòng đời của họ luẩn quẩn với những ràng buộc phụ thuộc vào cuộc đời người khác: ở nhà phải nghe cha, lấy chồng phải nghe chồng, chồng chết theo con; ngay chuyện nhân duyên cũng là “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” đầy ấm ức. Bởi thế mới có câu: “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”, cuộc sống của người phụ nữ ra sao, sướng khổ thế nào điều đó tùy thuộc vào cha, vào chồng, vào con...
 
Tuy cuộc sống không được như ý muốn song điều đáng quý nhất ở người phụ nữ, ngoài những nét đẹp phúc hậu, hiền hòa còn là đức tính thủy chung, kiên trinh son sắt. Nếu như viên bánh trôi dẫu rắn nát thế nào cũng giữ được viên đường hồng đỏ trong lòng thì người phụ nữ dẫu sướng khổ đến đâu cũng giữ trọn tấm lòng sắt son với cuộc đời: “Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. “Tấm lòng son” ấy là sự tận tụy với chồng, sự tảo tần với con, là lòng hiếu thảo với cha mẹ đôi bên nội ngoại... Từ “mà” tạo ra sự tương phản giữa cuộc đời truân chuyên, gian khó với phẩm hạnh ngời sáng của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa.
 
“Bánh trôi nước” kết lại bằng nỗi niềm đầy ưu tư trước cuộc đời phải làm sao để vượt qua những cơ cực đời thường mà giữ trọn tấm lòng nhân nghĩa, mặn mà với tình đời, tình người. Nhưng trên hết, bài thơ lắng đọng cái nhìn chua xót của Xuân Hương về “phận đàn bà” trong xã hội cũ. Nó vốn sinh ra đã mỏng manh, bé nhỏ lại bị cuộc đời vùi giập, trêu ngươi. Cái nhìn ấy có nguồn gốc trực tiếp từ nỗi cay đắng mà chính cuộc đời bà phải gánh chịu. Là người phụ nữ tài tử cũng nhiều mà đa đoan cũng lắm, bà từng bị phụ mối tình đầu say đắm rồi trải qua hai lần làm lẽ phải nhường chăn sẻ gối với người mà suốt cuộc đời vẫn phiêu dạt lênh đênh. Đã nhiều lần bà thốt lên đau xót:
 
"Chém cha cái kiếp chồng chung
 Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng".
 
Đã đến nước “chồng chung” thì dẫu là thiên kim tiểu thư hay phường đầu đường cuối chợ cũng phải chịu một cảnh ngậm ngùi, xa xót như nhau mà thôi. Nhưng tựu chung lại, cái nhìn về “phận dàn bà” trong bài thơ không phải hoàn toàn mang màu sắc cá nhân vị kỉ, nó có nguồn gốc sâu xa từ vị trí xã hội hèn mọn của người phụ nữ trong xã hội cũ. Người phụ nữ bị phân biệt đối xử, bị coi thường đến tột bậc: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô". Bởi thế, họ không có quyền hành trong gia đình, trong xã hội; nhưng công việc gia đình thường bị cho là vụn vặt, tầm thường nhưng thực chất rất quan trọng, thiết yếu - một tay người phụ nữ phải cáng đáng, gánh vác.
 
Nhìn về người phụ nữ, bài thơ của Hồ Xuân Hương có nét bi quan bởi bi kịch của người phụ nữ trong xã hội, thời đại ấy chưa thể giải quyết được. Phải đến hôm nay, khi xã hội tiến lên những bước dài trên con đường phát triển. người phụ nữ dần được khẳng định quyền bình đẳng thì hình ảnh của họ trong thơ ca mới có được những sinh, khí mới. Điều đó thể hiện rất rõ trong thơ Xuân Quỳnh, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Lâm Thị Mĩ Dạ,... Ta hãy nghe lời tự sự của Xuân Quỳnh:
 
"Anh thân yêu, người vĩ đại của em
 Anh là mặt trời em chỉ là hạt muối
 Một chút mặn giữa đại dương vời vợi,
Lời rong rêu chưa ai biết bao giờ
Em chỉ là ngọn cỏ dưới chân qua
Là hạt bụi vô tình trên áo
Nhưng nếu sáng nay em chẳng đong được gạo
Chắc chắn buổi chiều anh không có cơm ăn".
 
Đoạn thơ như một lời tuyên ngôn khẳng định vai trò của nữ giới trong gia đình và xã hội.

Bài thơ “Bánh trôi nước” đã khép lại nhưng lại mở ra một cái nhìn mới mẻ, đầy đủ và toàn diện hơn về thơ và đời “Bà Chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây