Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Kể về quê ngoại của em.

Thứ hai - 23/09/2019 10:43
Được về quê ngoại vào dịp hè là niềm vui lớn nhất của chị em tôi thuở nhỏ. Nhà ngoại cách Cần Thơ khoảng 3 giờ đi đò lớn. Tôi hay bị say sóng nhưng chỉ cần thấy đầu vàm thấp thoáng từ xa là khỏe lại ngay, chỉ chờ đò cập bến là nhảy phóc lên bờ, đi bộ chừng cây số là đến. Nhà ngoại lợp lá mát rượi, lu nước mưa đầy ắp quanh năm, ngoại thả thêm vào mấy trái bí đao, nước trong veo, uống vào một ngụm mát cả ruột gan. Ông ngoại mất sớm, ngoại chỉ có ba người con: hai con gái - dì Hai và má tôi có gia đình riêng, cậu út lại học nghề ngoài thị xã nên dì Hai cho chị Sáu - con của dì, về ở với ngoại.
Đã về quê thì phải ra thăm đồng, đi bộ hay đi bằng xuồng đều được. Thường thì ngoại cho chúng tôi ngồi đằng trước, chiếc xuồng rẽ đám lục bình lững thững trôi theo dòng nước. Dọc bờ rạch bên này ngoại trồng nhiều cây ăn trái. Dọc bờ rạch bên kia, phía liền với ruộng ngoại gieo đủ thứ loại rau củ. Lần đầu tiên nhìn thấy những trái dưa leo, khổ qua bé tí xinh xinh chen chúc với những cánh hoa vàng tươi lóng lánh những hạt sương mai còn đọng lại, chị em tôi đã reo lên thích thú. Lại còn giàn mồng tơi vừa hái lá nấu canh, vừa hái quả chín để làm mực... nghịch. Qua khỏi những hàng cây um tùm hai bên, rợp bóng che mát rượi là đồng lúa mênh mông, xanh rì.

Cạnh nhà ngoại là một cái ao không sâu lắm, là nơi để ngoại cất ... chiếc ghe tam bản và chiếc xuồng ba lá của ngoại. Ở vùng sông nước như quê ngoại, ghe xuồng được xem như một phương tiện để đi lại, tựa như chiếc xe máy, xe đạp trong gia đình ngoài thị xã. Đi đám tiệc, đi chợ, đi mua bán đều bằng ghe, thậm chí qua bờ sông bên kia xem tivi cũng bằng ghe. Hôm nào có tuồng nào hay là người ta í ới thông báo cho nhau để tối đó cùng qua sông coi, ghe đậu đầy bến.

Hầu như hè nào về chị em tôi cũng được tham gia bắt cá ở cái ao đó. Chị Sáu chặn ngõ thoát nước ra sông và ngõ vào ruộng rồi mấy chị em hì hục tát. Ao không sâu nên không mất bao nhiêu thời gian là đã có thể chặn bắt cá. Nhiều hôm bắt được con cá lóc to, thế là được ăn món cháo cá lóc nấu nước dừa béo ngậy, thơm lừng. Còn mớ cá tép nhỏ hơn ngoại kho trong nồi đất để ăn dần. Có hôm được nhiều, ngoại đem sang nhà hàng xóm vừa bán vừa cho. Cái ao đó cũng là nơi chị em tôi tập bơi, phao là thân cây chuối hột to một vòng tay ôm không hết mà chị Sáu chặt sau vườn.

Quê ngoại hồi ấy làm gì có điện. Dù thích về ngoại là thế nhưng đêm vẫn là lúc tôi sợ nhất. Ngoại không cho chúng tôi ra khỏi nhà vào ban đêm vì chúng tôi không quen đường, vả lại có cho tôi cũng không dám. Ăn cơm sớm, trời chạng vạng tối là chị em tôi chỉ ngồi quanh chiếc đèn trứng vịt đọc sách cho ngoại nghe. Xung quanh, nhà nào cũng chỉ có bóng đèn dầu leo lét, muỗi bay vo vo tiếng ếch nhái, ễnh ương kêu oàm oạp suốt đêm. Được một lát thôi, chị em đã chui vào mùng, mỗi đứa một bên rúc vào nách ngoại nghe ngoại kể chuyện đời xưa, rồi giấc ngủ đến tự lúc nào không rõ. Khi chúng tôi thức giấc, ngoại đã ra đồng.

Nhiều mùa hè hạnh phúc đã trôi qua như thế, chúng tôi lớn lên, ngoại cũng yếu dần, nhưng vẫn không chịu ra thị xã sống với má tôi. Ngoại bảo ngoại đã quen với cuộc sống trên mảnh ruộng bao năm gắn bó. Cho đến khi má rước được ngoại ra, thì tôi đã không thể tận tay chăm sóc ngoại được vì phải lên Sài Gòn học đại học. Những mùa hè lại phải làm thêm để có tiền ăn học, nên tôi chỉ có ít ngày được ở bên ngoại. Mắt ngoại kém lắm nhưng ngoại luôn nhận ra chúng tôi. Lần nào tôi về thăm, trước khi đi, ngoại cũng nắm tay tôi dặn dò đủ điều rồi ngoại khóc.

Theo nguyện vọng trước khi mất của ngoại, gia đình đặt phần mộ của ngoại cạnh phần mộ của ông ngoại trong khu vườn của em ruột ngoại. Cậu tôi sau khi học thành nghề trở về quê lập gia đình nhưng không ở trên đất của ngoại, ruộng đất bán lần bán hồi cũng hết. Chị em tôi không còn dịp để về quê ngoại nữa, nhưng những ngày tháng tuổi thơ hạnh phúc ở quê ngoại vẫn còn mãi trong tâm trí tôi, như một bức tranh sống động, không nhòa với thời gian.
 

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây