Thói đời phú quý sinh lễ nghĩa. Các đám cưới, giỗ chạp được tổ chức ăn uống lu bù. Quán bia, quán cà phê,... là nơi tụ tập của một số thanh niên, học sinh ăn chơi, đua đòi. Thầy Tùng hiệu trưởng đã mấy lần nhắc nhở. Hiện tượng học sinh bỏ học, tối tối không chịu học bài, tụ tập chơi điện tử gây nên cảnh ồn ào, ầm ĩ. Các vị phụ huynh học sinh phàn nàn, lo lắng. Trong các cuộc họp xóm, vấn đề này được đem ra bàn bạc, thảo luận.
Bác Xuân, sĩ quan về hưu, hội trưởng Hội khuyển học, tối nào cũng đi đến các quán điện tử, cà-phê nhắc nhở các cháu học sinh về nhà học bài. Nhiều vị cha mẹ học sinh đã cấm con em mình chơi bời, tụ tập. Các quán điện tử, quán cà phê không còn đông khách như trước nữa. Các chủ quán tức tối ra mặt. Họ đặt vè nói xấu bác Xuân, gắn cho bác là kẻ “ăn cơm nhà, thổi tù và hàng tổng”. Bác vẫn thầm lặng và bền bỉ vận động, thuyết phục. Nhờ có bác Xuân mà việc học tập của các học sinh quê em đã đi vào ổn định. Số học sinh thi Đại học, Cao đẳng, thi lên lớp 10 năm nào cũng dẫn đầu toàn xã. Xóm Vôi trở thành đơn vị dẫn đầu nếp sống văn minh, được nhận cờ thi đua toàn xã.
Tối nào cũng vậy, bác Xuân lại đánh ba hồi kẻng dài, báo cho các gia đình biết “giờ văn hoá” đã bắt đầu. Nghe tiếng kẻng, mẹ em lại nhắc: “Lý ơi, ngồi vào bàn học bài đi con!”.