Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Kể về một người thầy kính mến

Thứ năm - 28/07/2016 06:23
Hai năm về trước vào một buổi chiều thứ bảy, em đi học về, thấy trong nhà có khách lạ. Đó là một cụ già ngoài 70 tuổi lần đầu tiên mới đến nhà em chơi. Em cất mũ khoanh tay chào cụ và chào bố, rồi xin phép đi vào nhà đặt cặp sách lên bàn học và đi rửa mặt mũi chân tay.
Cụ già và bố em vẫn ngồi nói chuyện ở bộ xa lông nơi phòng khách. Tiếng “thưa Thầy” của bố em nói, em nghe rất rõ. Tiếng cụ nói nhỏ nhẹ, ấm áp. Một lát sau, mẹ em ở cơ quan và chị Hoa đi học cùng về. Lúc bấy giờ, bố em mới gọi ba mẹ con lại và giới thiệu:
 
Cụ là thầy học thời kháng chiến chống Pháp ở Thanh Hóa. Nửa thế kỉ sau, thầy trò mới gặp lại nhau. Nghĩa tình thủy chung là vậy. Thầy đã đào tạo được nhiều lớp học sinh tài giỏi.
 
Bố em lần lượt giới thiệu với thầy về mẹ em, về chị Hoa và em. Bố em báo tin cho thầy biết là ông bà nội của em, người mà thầy tùng quen biết, đã mất cách đây hơn mười năm.
 
Bố mẹ em mời thầy ở lại chơi, nhưng thầy bảo là phải về vì tối nay đã hẹn bạn già cùng gặp mặt. Bố mẹ em và hai chị em tiễn thầy ra tận xe tắc xi. Cụ xoa đầu em và nhắc bố em chủ nhật tới đưa vợ con lên chơi nhà thầy.
 
 
Buổi tối hôm ấy, vừa ăn cơm bố em vừa kể chuyện về những ngày tản cư vào Thanh Hóa. Đó là năm 1947. Các thầy học cũ nay đã mất gần hết. Thầy Trung dạy lớp Nhất. Thầy dạy giỏi và rất thương học trò. Khi nhận lời vào lớp, thầy nói với ông nội các con: “ Chẳng cần giấy tờ gì. Thời buổi chiến tranh mà. Chỉ cháu học và quyết tâm học tập là được ...".
 
Thầy Trung đậu Tú tài thời Pháp thuộc. Vì thế, những năm học cấp 2 và cấp 3, bố em đều là học sinh của thầy, do thầy làm chủ nhiệm. Thầy rất thương các học sinh tản cư về học ở trường thầy, lớp thầy. Bố nhắc lại bao kỉ niệm sâu sắc về thầy và gia đình thầy. Thầy tổ chức cho học sinh đi thăm núi Nưa, đập Bái Thượng, đi tắm mát ở Sầm Sơn ngắm hòn Trống Mái. Mấy lần thầy giữ lại ăn cơm. Có lần, bố em gặp vợ thầy đi chợ về, bố em đã xách hộ cụ một bị cói đựng đầy gạo và mấy quả dứa, v..v...
 
Cụ có ba người con: hai trai, một gái và tám đứa cháu nội ngoại. Cụ bà đã mất vào năm 1980. Hiện nay, cụ ở với người con trai út trong khu tập thể Quân đội tại phố Lý Nam đế. Mấy lần em được theo bố mẹ mang hoa lên tặng cụ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Cụ đón tiếp niềm nở, thân tình; cụ coi bố mẹ em và hai chị em em như con cháu trong gia đình. Cụ hỏi rất kĩ về việc học ở trường, ở lớp, việc tự học của hai chị em. Cụ đọc báo, có một số tờ báo tiếng Pháp. Nhiều học trò cũ vẫn đến thăm thầy. Một ấn tượng sâu sắc nhất đối với em là hình ảnh một cụ già tóc bạc trắng, vầng trán cao, đôi mắt hiền từ, dáng người thanh tú. Lời nói, nụ cười, cử chỉ toát lên một sự ấm áp, tao nhã, chứa chan tình thương mến bao la. Một trí thức, một người thầy cao nhã.
 
Lần nào cũng vậy, khi bố mẹ em bày hoa quả lên bàn thờ, thắp hương khấn rồi mới xin phép thầy về. Cụ tiễn ra tận ngoài cổng xa xa mới quay trở lại.
 
Đầu năm học mới 2004-2005, cụ gửi tặng chị Hoa một chiếc túi rất xinh, tặng em một chiếc cặp rất đẹp, món quà cụ đi tham quan Trung Quốc mua về.
 
Cụ Trung, người thầy học cũ của bố em là hình ảnh tuyệt đẹp về nhà giáo Việt Nam: thông minh, nhân ái, thanh bạch và sang trọng. Mỗi lần được theo bố mẹ đến thăm cụ, lúc nào em cũng suy nghĩ mãi về truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân ta. “có chí hướng trong học tập cháu ạ ...” - câu nói ấy của cụ nhắc chị Hoa, nhắc em, em nhớ mãi.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây