Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Kể về một người thân của em (ông bà, bố mẹ, anh chị,...).

Thứ tư - 11/09/2019 04:58
A. Hướng dẫn làm bài
- Đề bài yêu cầu kể về một người thân. Đó là người thân trong gia đình, có thể là bố, mẹ, ông, bà, anh, chị, em, cô, bác,...
- Những chi tiết, sự việc trong truyện được xây dựng từ những điều quan sát trong thực tế đời sống.
- Truyện được kể bằng ngôi thứ nhất, người kể chuyện xưng “em” hoặc “tôi”. Nên kể về chính những người thân của mình, lựa chọn người đặc biệt nhất (có cá tính độc đáo / thân thiết với em nhất / người được mọi người yêu quý nhất,...) đế bài viết vừa chân thực, vừa có cảm xúc, vừa hấp dẫn. Chú ý sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt.
- Bài văn cần đủ những ý chính sau:
Mở bài:
+ Khái quát về những người thân của em (chẳng hạn: nhân ái, luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau).
+ Giới thiệu người em sẽ kể: đó là ai? những nét chung nhất về người đó.
Thân bài:
+ Kể về ngoại hình của người đó (chỉ kể những nét nổi bật nhất).
+ Kể về những tính cách của người đó (nêu đặc điểm tính cách rồi kể những việc làm, hành động, lời nói, cử chí thể hiện tính cách đó. Chẳng hạn, kể về người bà luôn yêu thương, lo lắng cho cháu:
• Tuổi đã già nhưng vẫn trồng cây để cháu được ăn quả;
• Cháu đã lớn, nhà có quạt điện nhưng vẫn tự tay quạt cho cháu ngủ;
• Được mọi người biếu hoa quả luôn để dành phần cháu,...).
+ Kể về tình cảm người đó dành cho em.
Kết bài:
+ Cảm nghĩ và những mong ước em dành cho người thân của mình.
+ Những việc làm, hành động em có thể làm để đền đáp công ơn / noi gương người thân.
B. Bài văn mẫu
Chị gái em hơn em tới mười tuổi. Trong mắt em, chị là người thật đáng quý.

Ai gặp chị em cùng phải có cảm tình. Không phải vì chị xinh đẹp, chị hơi gầy, dáng người nhỏ nhắn, trông chị dễ nhìn thôi, mà bởi chị rất vui vẻ. Chị hay cười, nụ cười tươi tắn và ánh mắt nhìn trong sáng. Chị luôn quan tâm đến những người xung quanh và đôi xử với ai cũng niềm nở.

Chị thông minh, học giỏi. Hồi học lớp 12, chị rất muốn thi và học Đại học Kinh tế quốc dân, nhưng do hoàn cảnh gia đình em còn nhiều khó khăn, chị quyết định thi vào khoa Xã hội trường Cao đẳng Sư phạm của tỉnh. Suốt ba năm học, lúc nào chị cũng đạt thành tích cao trong học tập và sôi nổi trong các hoạt động của Đoàn thanh niên. Mấy mùa hè theo học tại trường, chị đều tham gia công tác Mùa hè xanh của Thanh niên tình nguyện.

Tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi hiếm hoi trong lớp, chị em có điều kiện được học chuyển tiếp lên đại học như chị hằng mong mỏi. Nhưng cuối cùng, chị lại theo sự phân công của Sở giáo dục tỉnh về dạy tại một trường khó khăn của tỉnh nhà. Chị giải thích rằng điều kiện gia đình còn khó khăn, chị muốn đi làm để giúp đỡ gia đình. Hơn nữa, trong đợt thực tập sư phạm, chị thấy thương những em học sinh dân tộc vùng khó khăn và rất mong được cống hiến cho đồng bào dân tộc (vậy là chị đâu có vô tâm như vẻ ngoài!). Một lần, em được xem chị dạy trên lớp, hình ảnh chị đã in sâu vào tâm trí em và em cũng chợt thấy lòng say mê với nghề dạy học...
Hôm ấy, chị dạy bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải cho các anh chị học sinh lớp 9. Chị bước lên bục giảng, gương mặt nghiêm nghị khác hẳn lúc ở nhà nhưng đôi mắt vẫn long lanh, trong trẻo. Dáng vẻ của chị trở nên chững chạc kì lạ, em ngỡ ngàng không nhận ra người chị vẫn đùa nghịch với mình hàng ngày, tưởng rằng đó là một cô giáo ở trường của mình. Giọng chị giảng bài, bình thơ sao mà trong sáng, ngọt ngào đến thế. Đó không phải là giọng hát véo von, nghịch ngợm khi ở nhà. Đôi mắt cũng vậy, chị nhìn học sinh với cái nhìn ánh lên niềm yêu thương và say mê đến kì lạ. Khi giảng bài, chị kết hợp ghi bảng, bình thơ rất nhịp nhàng. Mời học sinh phát biểu, chị ngửa lòng bàn tay, đưa cánh tay hướng về phía học sinh đầy trân trọng. Có lúc vừa giảng, chị vừa kiểm tra việc ghi bài của học sinh bằng cách đi xuống lớp nhìn vở ghi của họ. Giọng chị sao mà nghe thiết tha đến vậy:

“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho dời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc...”.

Em hiểu rằng, lời thơ nhưng cũng là lời tấm lòng đẹp đẽ, trong sáng của người chị đáng kính của mình.

Hình ảnh người chị gái đã để lại trong lòng em niềm yêu quý và ngưỡng mộ sâu sắc. Chắc hẳn rằng, nếu một lần được gặp chị và nhất là được nhìn chị dạy học ai cũng sẽ có cảm xúc giống như em.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây