Hôm ấy trời thật đẹp. Chiếc xe buýt đã đợi ông cháu tôi trước cổng nhà. Tôi theo ông bước lên xe đi thăm viện bảọ tàng – nơi ông tôi đã hẹn gặp những người bạn chiến đấu ở Trường Sơn khốc liệt. Dọc đường đi, tôi thích thú nhìn những bãi mía, nương dâu xanh mát một màu. Đi qua một miền quê yên tĩnh là đến thành phố lộng lẫy, sầm uất, nhà nào cũng treo cờ Tổ quốc để chào mừng ngậy thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tôi đang mải miết với những dòng suy nghĩ về phẩm chất người lính cụ Hồ, suy nghĩ về truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam thì tiếng còi xe buýt vang lên, rồi xe dừng lại trước cổng viện bảo tàng. Ông nắm tay tôi dắt vào bên trong tham quan, nhìn lại những kỉ vật của một thời oanh liệt. Ông như nhớ lại thời khắc lịch sử oai hùng của Quân đội Việt Nam. Rồi ông đưa tôi đến nơi có bạn chiến đấu của ông đang chờ họp mặt, Ôi! những tiếng gọi nhau thân mật, những cử chỉ gần gũi thân thương của các cụ thật xúc động. Tôi xin phép ông và các cụ đi thăm quan một lúc. Tôi ngắm nghía từng kỉ vật như máy bay, xe tăng, đại bác; ngắm nhìn những hình ảnh chiến đấu hào hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bỗng tôi nhìn thấy bức ảnh một người lính ngồi lái trên chiếc xe không có kính chắn gió, người lính ấy trông thật giống cụ cựu chiến binh đang ngồi đằng kia. Tôi nhìn kĩ lại bức ảnh, nhìn dòng chữ chú thích ở phía dưới, tôi hình dung ngay đây là hình ảnh chiếc xe không kính đưa tiểu đội ra mặt trận ngày nào, người lái xe chính là cụ cựu chiến binh đang có mặt tại viện bảo tàng. Tôi chạy đến gần ông cụ. Không ngần ngại, tôi liền hỏi:
– Ông ơi! Cho cháu hỏi thăm một tí! Bức ảnh đằng kia có phải là chiếc xe mà nhà thơ Phạm Tiến Duật đã đưa vào tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính không ạ?
Ông cụ gật đầu mỉm cười và đáp:
– Đúng đấy cháu ạ! Đó là tiểu đội của ông đang trên đường ra trận chiến. Cháu có biết người lái xe là ai không?
Tôi ngập ngừng thưa:
– Có phải là ông không ạ?
Ông cụ gật đầu rồi đứng dậy xin phép các bạn của ông để đi cùng tôi đến nơi có treo bức ảnh. Rồi cụ kể về cuộc đời của người lính cụ Hồ, của người chiến sĩ cộng sản trong khói lửa chiến tranh. Cụ thật xúc động khi nhắc đến đồng đội của mình: kẻ mất, người còn, kẻ thương tật, người nhiễm điôxin. Giọng cụ nghẹn ngào khi kể về những đồng chí của mình đã hi sinh. Rồi cụ kể về nhà thơ Phạm Tiến Duật. Nhà thơ – người chiến sĩ cách mạng ấy đã tình cờ gặp tiểu đội của cụ trong núi rừng Trường Sơn. Ông Duật đã làm bài thơ tặng tiểu đội của cụ. Bài thơ thật hay, cụ thật tâm đắc. Bài thơ ấy cụ còn nhớ làu làu. Cụ đọc lại đoạn thơ với chất giọng hùng hồn, đầy chất lính:
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái.
Không có kinh ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha …
Ông dừng lại một lát như để nhớ về quá khứ, nhớ về tiểu đội trên chiếc xe không kính ngày nào, rồi ông kể tiếp:
Chiến tranh gian khổ và ác liệt lắm cháu à! Cháu tưởng tượng đi trên đường Trường Sơn lắm gió, bụi nhiều nhưng xe không có kính.
Cuộc sống thiếu thốn về vật chất vì đất nước còn lầm than bởi quân thù xâm lược, nhưng Quân đội Việt Nam luôn vượt qua mọi khó khăn, khổ ải để hoàn thành nhiệm vụ, đem lại chiến thắng vẻ vang mà cụ thể là Chiến dịch Hồ Chí Minh với đại thắng lợi mùa xuân 1975.
Ông đang say sưa kể chuyện Trường Sơn, chợt có tiếng loa phát thanh mời cựu chiến binh về hội trường họp mặt, ông dắt tay tôi bước vào phòng họp. Trên khuôn mặt rạng ngời của người cựu chiến binh già, tôi hiểu được thời gian có thể làm thay đổi hình dáng bên ngoài nhưng tâm hồn của họ vẫn giữ nguyên bản chất của người lính cụ Hồ – bản chất của người chiến sĩ cách mạng.
Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đó đã làm tôi hiểu thêm về người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn – nơi in đậm dấu chân của người lính cụ Hồ. Họ là những người làm nên trang sử vàng hiển hách, làm nên những vần thơ hùng tráng, lung linh. Tôi lại nhớ vần thơ nói về Trương Sơn ấy: Trường Sơn Đông nắng Tây mưa Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình.
Bởi thế, tôi nghĩ mình càng phải cố gắng học tập và rèn luyện để sau này tiếp bước cha anh, gìn giữ non sông mà ông cha ta đã ngàn đời xây dựng.