Cảm giác hụt hẫng xen lẫn phần lo sợ, tôi đẩy nhanh cửa bước vào nhà, căn phòng khách trống trơn, phòng bếp rồi căn phòng của bà cũng chẳng thấy bà đâu. Tôi cất tiếng gọi vang, giọng run run:
Bà ơi, bà! Bà ở đâu thế?
Tôi lập cập đẩy cửa phòng vệ sinh tầng, căn phòng duy nhất chưa kiểm tra. Trời ơi! Bà tôi đang nằm lả trên nền đá hoa, tay vẫn đang cầm chiếc áo của tôi, bên cạnh là chậu quần áo bà đang lấy từ máy giặt ra, cặp mắt nhắm nghiền, hơi thở hổn hển, nước da tái nhợt. Tôi vội xốc bà lên, nhưng không nổi. Tôi vừa mếu máo khóc vừa chạy ra cửa gọi to bác Nội bên hàng xóm sang giúp. May quá, bác ấy có nhà. Hai bác cháu vực đưa bà ra nằm ở ghế sa lông phòng khách. Bác xoa ngực, xoa đầu, chân tay cho bà và giục tôi gọi điện cho bố mẹ. Tôi cuống quít quay máy, vì sợ hãi lo âu khiến tôi bấm cứ nhầm số lung tung cả. Đến khi quay được số máy của cơ quan bố thì chú bảo vệ lại thông báo bố vừa đi vắng. Quay số máy cơ quan mẹ. May quá mẹ vừa họp xong, nghe tôi thông báo tin về bà, mẹ vội vã dập máy. 15 phút sau mẹ đã có mặt ở nhà.
Có bác Nội sơ cứu, bà tôi đã tỉnh hơn nhưng vẫn chưa thể ngồi dậy, chỉ có thở đều hơn, mắt vẫn chưa mở được, tay bà run rẩy chỉ vào ngực trái, tôi hiểu rằng chắc bà đau tim.
Mẹ tôi về gọi theo xe cấp cứu, bác Nội giúp mẹ tôi đưa bà vào bệnh viện rồi dặn vội tôi trông nhà, dọn dẹp nhà cửa giúp mẹ. Còn lại một mình tôi vừa làm việc vừa suy nghĩ miên man. Tôi nghĩ về bà nhiều lắm. Bà ra ở với gia đình tôi từ khi tôi đi học, thấm thoắt đã 8 năm rồi, với tôi ngoài bố mẹ, bà là người thương yêu gần gũi nhất. Bà chăm tôi lắm, bà không nói thành lời cưng chiều nhưng trong mỗi việc làm của bà tôi cảm nhận được tình yêu thương đặc biệt bà dành cho tôi. Mỗi buổi tối học về tay bà đón cháu cất cặp, pha nước mát cho tôi; mỗi tối học bài, bà qua lại căn phòng hôm quả táo, miếng lê; hôm cam sành, bánh tẻ... ánh mắt hiền từ nhìn tôi đầy khích lệ... Bà chăm tôi thế nên giờ vắng bóng bà làm sao tôi không trông trải cho được?
Nói là làm giúp mẹ nhưng suốt từ lúc mẹ và bà đi tôi đâu có biết làm gì vì tôi quen có bà rồi mà. Cảm giác trống vắng khiến tôi tìm cớ để quên đi, tôi chỉ biết quét nhà rồi đi loanh quanh lục lọi những thứ đồ nho nhỏ trong nhà ra xem. Tôi tìm được cuốn album gia đình. Những tấm ảnh chụp toàn cảnh gia đình khiến hình ảnh bà lại dội về trong tâm trí với bao kỷ niệm: đây là ảnh bà đưa tôi đi công viên, ngày tôi học lớp hai, tôi chụp với bà trên thuyền con vịt, kia là hình ảnh bà ngồi bên tôi với nụ cười tươi trong ngày sinh nhật tôi lên 10…
Biết làm gì để giúp bà mau khỏi ốm nhỉ? Có tiếng chuông cửa. A, bố về rồi, tôi sung sướng thoát khỏi cảnh cô đơn một mình. Thôi thông báo cho bố tình hình sức khoẻ của bà bằng giọng lo lắng, bố bảo bố biết rồi vì mẹ đã gọi điện, tôi hỏi xin bố cho tôi vào viện thăm bà.
Để bố nấu cháo cho bà đã rồi bố con mình vào một thể. Bố nói vậy rồi đi xuống bếp.
Trời ạ! Nấu cháo! Thế mà từ nãy giờ tôi chẳng nghĩ ra là làm gì đó chọ bà.
Bố để con nấu cho. Tôi xăng xái theo gót chân bố.
Rồi tôi tra gạo vào nồi, vừa làm vừa hỏi bố cách bắc bếp, số lượng gạo, nước như thế nào cho vừa.
Tôi hỏi bố về sức khoẻ của bà, bố nói, bà bị bệnh tim, huyết áp cao, nên phải nghỉ khá lâu ở viện. Tôi hì hụi nấu cháo dưới sự hướng dẫn của bố.
Bố con tôi ăn cơm xong rồi hối hả vào viện. Bệnh viện Bạch Mai cách nhà tôi 3km, quãng đường không xa nhưng tôi cảm thấy dài ghê. Bố gửi xe xong, ba bố con lên phòng bà. Tôi xách cặp lồng cháo cho bà, bố tôi xách cặp lồng cơm cho mẹ.
Nhìn bà nằm trên giường bệnh, lòng tôi bỗng nhói đau. Bộ quần áo bệnh nhân, mái tóc trắng như cước của bà xoã trên gối. Da mặt đã hồng hơn nhưng dáng điệu mệt mỏi của những cơn đau vật vã vẫn còn. Bà đang thiu thiu ngủ, nghe tiếng tôi bà bừng tỉnh, mỉm cười đưa tay đỡ lấy tay tôi.
Con mang cháo vào để bà xơi đây ạ! Cháo con tự nấu đấy bà ạ.
Bà gật đầu khen tôi:
Cháu tôi giỏi quá!
Mẹ và bố đỡ bà ngồi dậy. Mẹ bón cháo cho bà từng thìa cẩn trọng. Bà chỉ ăn khoảng nửa bát rồi lắc đầu. Cả nhà tôi cố động viên nhưng bà nói không ăn thêm được.
Cứ thế một tuần liền, tôi trở thành người nội trợ thay bà. Bố mẹ thay nhau nghỉ để chăm sóc bà ở viện. Bà đỡ dần, bác sĩ bảo cuối tuần khoẻ có thể đưa bà ra viện về điều trị ngoại trú...
Thứ bẩy, nhà tôi đón bà từ viện về. Đúng 8 giờ, chiếc taxi đỗ ngay cửa nhà. Bà bước xuống xe, cái vẻ đẹp của bà tiên trong ký ức tôi lại hiện hữu. Dáng người dong dỏng, mái tóc trắng, nụ cười hiền hậu... Bà bước vào nhà, căn phòng trở lại ấm cúng. Các bác hàng xóm sang chơi hỏi thăm bà. Khách khứa ra về, tôi mới sà vào bên bà thủ thỉ:
Bà ơi, bà khoẻ nhanh nhé! Từ nay con sẽ nấu cơm, dọn nhà thay bà!
Xoa đầu tôi, bà cười:
Cô Tấm của bà giỏi rồi. Một tuần làm cô Tấm chăm bà thế là được. Bây giờ phải lo việc học của cháu chứ. Bà khoẻ rồi mà, có thể lại dọn dẹp, nấu cớm và chăm sóc các con được rồi. Con làm được những việc vừa rồi bà cảm động lắm.
Mẹ và bố không nói gì, chỉ nhìn tôi âu yếm. Tôi hiểu rằng cha mẹ tôi cũng rất vui lòng trước những gì tôi đã làm. Không phải con biết tự ý thức đâu mẹ ạ, đấy là tình thương bà dành cho con đã giúp con biết suy nghĩ và hành động theo trái tim mách bảo mà thôi.