Những câu tục ngữ, ca dao đó từ cuộc sống lao động bình dị hàng ngày của nhân dân. Nó ngắn gọn nhưng chứa đựng những chân lí hết sức sáng ngời, những phẩm chất cao quý, lưu truyền trong nhân dân ta từ đời này sang đời khác. Câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn đã biểu hiện sinh động lòng biết ơn đối với người mang lại cho ta hạnh phúc. Câu tục ngữ được chúng ta nhớ đến không chỉ vì nó ngắn gọn, dễ thuộc mà vì nó chứa đựng một ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Vậy ta hiểu câu tục ngữ đó thế nào cho đúng?
Lẽ bình thường, nước rất cần cho sự sống, không những cho con người mà còn cho tất cả mọi sinh vật tồn tại trên trái đất này. Có nước thì mới có những bãi mía nương dâu, những mùa màng bội thu trên khắp miền quê. Cuộc sống của con người vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn cũng là nhờ những dòng nước đó. Dùng những giọt nước mát, chúng ta cần phải nhớ đến nơi sinh ra nó, đó chính là nguồn đã tạo ra nước và mang đi khắp nơi. Đó là nghĩa đen, còn nghĩa bóng của câu tục ngữ là gì?
Nước ở đây không chỉ là dòng nước chảy ra từ nguồn mà còn là những thành quả mà chúng ta được hưởng hôm nay. Khi hưởng những thành quả ấy, chúng ta cần phải nhớ những người đã tạo ra nó, đó chính là nhớ nguồn.
Uống nước nhớ nguồn, đó chính là tâm niệm, khát vọng muôn đời của con người Việt Nam ân nghĩa, thủy chung. Có thể nói lời nhắn nhủ của cha ông ta gửi vào câu tục ngữ rất nhiều ý nghĩa. Câu tục ngữ khuyên chúng ta phải biết nhớ ơn những người đã làm nên thành quả cho chúng ta hôm nay. Công ơn của những người đi trước không thể không kể đến ơn sinh thành của cha mẹ:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Công cha nghĩa mẹ được so sánh với tất cả những gì cao cả và lớn lao nhất. Cha mẹ đã mang nặng đẻ đau sinh ra ta, nuôi nấng dạy dỗ ta nên người, tất cả hi sinh cho chúng ta. Những gì cha mẹ dành cho ta biết lấy gì so sánh cho vừa và ta làm gì để đền đáp lại công ơn đó? Câu tục ngữ Uống nước ngớ nguồn nhắc chúng ta phải biết ơn và kính yêu cha mẹ, ông bà, sống sao cho xứng đáng với sự hi sinh và tấm lòng bao la như trời biển của cha mẹ, ông bà.
Phải biết răng, ta khôn lớn, hiểu biết như ngày hôm nay là nhờ vào công lao dạy dỗ của những người thầy, người đã không quản ngại khó khăn dạy dỗ ta nên người. Ngoài ra, ta được sống trong một đất nước hòa bình, tự do như thế này là nhờ những người đã hi sinh, xương máu của mình, những người đã cống hiến của tuổi thanh xuân và cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp giải phóng dân tộc. Biết ơn, ghi khắc công lao của những người thương binh, liệt sĩ, những bà mẹ Việt Nam anh hùng chính là những gì câu tục ngữ uống nước nhớ nguồn muốn nhắn nhủ chúng ta.
Nước ta đang thực hiện phong trào đền ơn đáp nghĩa những người có công với Tổ quốc, phong trào này thể hiện qua những việc làm như tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc thương binh, ghi công liệt sĩ, tặng nhà tình nghĩa cho những người có công cách mạng, chăm sóc những người neo đơn, quy tập mộ liệt sĩ... Chúng ta, người được hưởng những thành quả to lớn cần phải hướng về nguồn và bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đôi với những người đã xả thân vì nước, đồng thời tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta được êm ấm, an vui, hưởng một cuộc sống bình yên chính là nhờ vào những chiến sĩ công an, biên phòng ngày đêm canh giữ biên cương đất nước. Chính vì vậy, khi chúng ta an vui cần phải nhớ đến sự hi sinh không kém phần cao cả của những chiến sĩ công an, những anh bộ đội cụ Hồ.
Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, cũng có một số người vô ơn, không biết kính trọng những người đã làm nên những thành quả cho mình được hưởng, có những kẻ chỉ biết thu vén lợi ích cho riêng mình. Những kẻ có lối sống và suy nghĩ như vậy thật đáng lên án. Những đối tượng như vậy hơn ai hết cần phải đọc lại nhiều lần và nghiền ngẫm câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn.
Câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn là một bài học sâu sắc, bổ ích cho mỗi chúng ta, là một lời khuyên chân thành, nhắc nhở chúng ta sống có đạo đức, biết cống hiến cho đất nước, biết nhớ về nguồn cội của dân tộc, nhớ về công lao của tất cả những người đã nuôi nấng và dạy bảo ta nên người. Với tất cả những giá trị ấy, câu tục ngữ không chỉ được mọi người biết đến mà còn sống mãi với tất cả mọi người hôm nay và mai sau.