Câu thơ thật đúng, thật hợp với tâm trạng nàng Kiều. Đặc biệt trong ngày tết thanh minh, khi ba chị em đang dừng trước nấm mộ vô chủ - Đạm Tiên:
Nao nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
Sè sè nấm đất bên đường,
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
Cũng trong ngày ấy, cũng là cái nơi có nhịp cầu và dòng nước chảy ấy, nhưng khi Kiều gặp Kim Trọng, lúc "khách đà lên ngựa, người còn ghé theo" thì cảnh quan thiên nhiên lại được miêu tả khác:
Dưới cầu nước chảy trong veo,
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.
Trong lần thứ nhất, bức tranh phong cảnh được vẽ với những hình ảnh đều mang dáng dấp nhỏ nhoi, bó hẹp và phảng phất nỗi buồn của sự tàn lụi. Dòng nước "nao nao" là dòng nước không chảy róc rách, không réo rắt mà dường như nó đang buồn trước khung cảnh ảm đạm này. Còn nhịp cầu "nho nhỏ” thế hiện sự thu hẹp, cái bé nhỏ trong khoảng không rộng lớn. Một "nắm đất" "sè sè" bên đường thật cô đơn, thật lẻ loi, thật giá lạnh. Bởi không có được chăm sóc như nhửng ngôi mộ khác. Nấm mộ thấp bé nằm chơ vơ bên lề đường, thật cô đơn và gợi nỗi sầu thương. Và ngay đến cả những đám cỏ cũng phải "rầu rầu", cũng mang tâm trạng buồn bã, đau thương... Tất cả, từ dòng nước, nhịp cầu, nấm mồ đến ngọn cỏ... dường như đang chuẩn bị cho sự gặp gỡ một kiếp người bất hạnh. Và ngòi bút của Nguyễn Du cũng đã đồng cảm với nồi lòng của người trong cảnh. Một nỗi buồn tê tái, ảm đạm đến lạ kì. Dường như tất cả mọi vật đều khép mình lại, đồng cảm vọng với nỗi lòng của nhân vật. Có thể nói đây là một bức tranh ám ảnh ghê gớm đến với cả người đọc. Nó chứa đựng những dự cảm chẳng lành.
Nhưng đến bức tranh thứ hai thì lại khác, vẫn là nhịp cầu và dòng sông ấy nhưng lại mang một vẻ gì thiết tha, lưu luyến. Bởi, ngay từ cái nhìn đầu tiên, ngay từ hình ảnh "Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa" đã làm cho Kim Trọng - một văn nhân tài tử "chập chờn cơn tỉnh cơn mê"... "Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" đã được thi hào Nguyễn Du ghi lại một cách thần tình:
Bóng tà như giục cơn buồn,
Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo.
Rất tế nhị và thanh tao, cái giây phút rạo rực trong trái tim Kim Kiều cái lưu luyến, bị rịn của một tình yêu đắm say chớm nở khiến Nguyễn Du viết nên những vần thơ tình tuyệt bút. Với bút pháp tả cảnh ngụ tình tác gia đã vẽ ra một không gian thật trong trẻo. Dường như tất cả mọi vật, từ chiếc cầu nhỏ xinh xinh, dòng nước trong veo lững lờ, cành liễu thướt tha trong bóng chiều nhạt... dường như cũng đang xao xuyến chứng kiến cho một mối tình đẹp vừa nảy nở.
Cảnh vật đẹp và thơ mộng quá! Thiên nhiên như mang nặng tình người. Dòng nước trong veo chảy dưới cầu hay chính là mối tình đầu trong trẻo, tinh khiết của Kim — Kiều? Mỗi cành liễu dài đang thướt tha bay trong làn gió nhẹ hay chính là lời chào của thiên nhiên gửi đến cho hai con người, cho "người quốc sắc kẻ thiên tài"! Cả tâm cảnh và ngoại cảnh dường như hòa nhập với nhau tạo nên sự bâng khuâng, xao xuyến của Thúy Kiều và Kim Trọng.
Chỉ một vài nét phác thảo cộng với gam màu nhẹ hòa hợp, tạo cảm xúc thơ mộng: màu xanh của dòng nước trong veo, màu vàng nhạt của bóng chiều tà mùa xuân, màu xanh lục của liễu... Dường như tất cả sinh vật đang xao xuyến rung động trước nỗi niềm bâng khuâng, man mác của lứa đôi và đã in dấu tâm sự, tình cảm của buổi đầu gặp gỡ giữa hai con người tài hoa. Đồng thời, cảnh vật muôn nói hộ cho nỗi vương vấn của cặp tình nhân trong mối tình không lời và đầy e ấp cho tới tận lúc tạm chia xa. Có thể nói hai câu thơ cuôi là khúc nhạc của một.tình yêu mới bắt đầu hé nụ.
Dưới ngòi bút tinh tế, tài hoa của nhà thơ, hai bức tranh cùng vẽ về một cảnh vật đã hiện lên không hoàn toàn giống nhau. Một bức mang đầy u buồn, thê thảm, một bức lại chan chứa tình cảm thiết tha, lưu luyến. Điều đó càng chứng tỏ ngòi bút miêu tả của tác giả đã đạt đến trình độ điêu luyện, tinh tế...