Không có chữ “Buồn trông” thì hai câu thơ vẫn mang giọng điệu buồn, nhớ của Kiều. “Cửa bể chiều hôm”, một hình ảnh mà người yêu thơ, yêu hội họa cần tưởng tượng nhiều mới thấy hết cái nên thơ, huyền ảo của nó. Dĩ nhiên người đọc sẽ tự hỏi: “Ai buồn, ai trông?”. Và lúc ấy, người đọc hiểu ngay trong cái đẹp, cái nên thơ huyền ảo kia bàng bạc những buồn! Sau giây phút đớn đau khôn lường của đời con gái, sau lần tự tử hụt, Kiều đang ngồi nơi đây, một mình. Nàng làm bạn với ai? Tất cả những kẻ kia chỉ là bọn giả nhân giả nghĩa. Chỉ còn có thiên nhiên. Nàng chợt nhận ra ở ngoài khơi “thuyền ai thấp thoáng”. Cái hình ảnh di động đưa người đi như đồng cảm với tâm trạng của Kiều. Hình ảnh lúc ẩn lúc hiện của cánh buồm kia đã chập chờn lại cô đơn, cô đơn như Kiều đang vò võ ở lầu Ngưng Bích. Nhưng thuyền sẽ về với bến, còn Kiều thì biết về nơi đâu?!
Hai câu thơ mang hình ảnh biển chiều đẹp, thanh vắng nhưng lại đượm buồn bởi tâm trạng của con người. Nỗi buồn của Kiều không dừng lại ở đó, nó như con nước xoáy quyện sâu vào tâm tư của nàng. Tố Như viết tiếp:
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Nhà thơ đã mượn hình ảnh bên ngoài để diễn đạt nội tâm của Kiều. Nhìn thấy “hoa trôi”, Kiều lo buồn cho tương lai, thân phận đen tối của nàng.
Thần tình làm sao ở cách chọn từ cho hợp vần, trọn nghĩa! Thoáng hình ảnh “xa xa” thì đã thấy “ngọn nước mới sa”, một hình ảnh gần. Một hình ảnh tình cờ có tính bao quát như báo hiệu cho người đọc chú ý đến một chi tiết, một hình ảnh khác trong hình ảnh “ngọn nước mới sa” ấy. Và điều ấy đã đến. Hình như hoa cũng biết “man mác” cho thân phận của mình. Nhìn hoa bị sóng dập, cát vùi Kiều không thể không liên tưởng đến hoàn cảnh hiện tại và tương lai của nàng. Mới hôm nào đó, Kiều sống trong cảnh:
Em đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.
thì bây giờ phải sống một mình cô đơn cùng với nỗi đau bị Mã Giám Sinh, Tú Bà lừa, hành hạ. Về đâu, tương lai của Kiều?!
Chỉ một hình ảnh “hoa trôi” trong nước, cụ Tố Như đã tiên đoán số phận bọt bèo của nhân vật. Nhớ gia đình, người yêu, nghĩ đến thân phận đen tối của mình từ những hình ảnh trên biến. Kiều lo sợ, muốn tránh những hĩnh ảnh gợi buồn kia. Nhưng...
Buồn trông nội cỏ dầu dầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Kiều ở lầu Ngưng Bích trong buổi quá nửa chiều qua ngòi bút miêu tả của nhà thơ ở bốn câu trên đã buồn, thêm vào hai câu này lại càng buồn, càng quạnh quẽ hơn. Kiều trông xa rồi lại trông gần. Trông vời cửa bể, trông ngọn nước liếm bờ, nay Kiều lại trông vào “nội cỏ” vọng nhớ quê nhà vời vợi nghìn trùng. Nếu chỉ là “nội cỏ” thì chưa có gì đáng nói nhưng khi có thêm định tố “dầu dầu” thì hình ảnh “nội cỏ” trở nên nặng nề, héo úa, cỏ mà “dầu dầu”? Đúng là nghệ thuật nhân hóa tài tình của Nguyền Du. Chừng như cỏ cây sắp úa tàn vì nắng hạn kia đang mỏi mòn trông đợi từng giọt mưa long lanh. Cây cỏ chỉ có môi trường sống ấy đang khắc khoải cũng như Kiều đang bị tách rời khỏi quê nhà yêu dấu, sống vò võ một mình cùng với quá khứ hãi hùng. Nhà thơ đã gắn thiên nhiên với một tâm trạng. Không chỉ là sự “héo úa” của thiên nhiên mà đích thực là tâm trạng của nhân vật. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, một trong những đặc điểm tả cảnh của Nguyễn Du trong Truyện Kiều.
Câu 8 “Chân mây mặt đất một màu xanh xanh” có âm hưởng nhè nhẹ với thanh bằng - ngang chiếm ưu thế nhưng không để diễn tả một tâm trạng đã qua rồi âu lo mà còn làm tăng thêm bởi hai từ “một màu”. Tất cả như mở ra một không gian bao la hiu quạnh và không một đổi thay, chẳng thấy bóng người. Một màu “xanh xanh” kia chừng như là hoàng hôn lạnh vắng, hoàng hôn phủ kín đường về, một hoàng hôn đời Kiều không lối thoát. Hoàng hôn trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan cũng man mác buồn, nhưng dù sao vẫn còn:
Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn
Gác mái ngư ông về viễn phố...
Nghĩa là vẫn còn bóng người, vẫn còn âm thanh... vẫn còn hướng mở ra, vẫn còn sự sống chứ không chờ chết, bế tắc như hoàng hôn của đời Kiều.
Sống giữa bức tranh thê lương, ảm đạm đó làm sao Kiều không lo sợ? Kịp khi Buồn trông gió cuốn mặt duềnh - Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi thì đúng Kiều đang hãi hùng lo sợ cho một hiện tại hàm chứa tương lai đen tối, não nề.
Ai đã từng ở biển chắc sẽ nhận ra sức gió hoàng hôn. “Gió cuốn mặt duềnh” nào ai thấy được nếu không có con sóng bạc đầu vươn dậy từ mặt biển bao la lăn dài vào bờ cát đá? Như thế thì các giác quan của nhà thơ quả là tinh tế thật! Lại càng tinh tế hơn khi liên tưởng đến nàng Kiều. Gió cuốn, sóng gào thét dữ dội đến đâu cũng là hiện tượng tự nhiên vô tri, vô giác. Nhưng khi có sự hiện diện của con người thì gió và sóng như có tâm hồn nghĩa là gió và sóng có ý nghĩa hẳn lên. Kiều đang trong tâm trạng buồn lo. Tâm trạng ấy tăng theo thời gian cũng như gió và sóng. Càng hoàng hôn, gió sóng càng mạnh càng cảm thấy cô đơn, quạnh què, buồn lo. Cả hai nào có kém gì! Mới đây, Kiều đã bị lừa, bị hành hạ... Và ngày mai? Mịt mù sóng đêm! Tiếng sóng ầm ầm tự nhiên đã ập vào lòng Kiều, bao quanh Kiều như chực cuốn Kiều vào vũng xoáy... Tiếng sóng ấy đã đưa Kiều trở về thực tại, một thực tại hãi hùng đến tột đỉnh nàng mới mắc mưu Tú Bà mà đi theo Sở Khanh... bước vào nỗi truân chuyên khác càng thảm khốc và tồi tệ hơn nhiều!
Đoạn thơ như lời dự báo số phận lênh đênh, cực nhục của người con gái tài sắc vẹn toàn. Cả tám câu thơ, từng cặp đề sử dụng điệp từ nhuần nhị. Ngữ điệu buồn ở sáu câu đầu nhưng ở hai câu sau lại vào tiết tấu mạnh thật phù hợp với tâm trạng của con người bị giam lỏng trong hoàng hôn.
Nguyễn Du là nhà thơ tài hoa nhất trong nghệ thuật tả cảnh lồng tình, tình và cảnh trong đoạn thơ trên như chan hòa là một, khiến người đọc càng xót xa cho thân phận của Kiều. Cuộc đời như Kiều thì đời nào cũng có nhưng rõ ràng nguyên nhân mở đầu chuồi ngày truân chuyên thì đã khác xa. Vấn đề còn lại ấy là những phụ nữ đang chìm trong bóng tối có nghị lực vươn tìm ánh sáng!
Cảm ơn cụ Nguyễn Du đã cho em được thưởng thức những dòng thơ hay. Khi đọc những dòng thơ ấy, chắc ai cũng rung động như nhà thơ Tố Hữu:
Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu.
(Bùi Thức Phước)