Tết trồng cây là ngày hội chung của toàn dân, từ Bắc đến Nam, từ xuôi đến ngược, đâu đâu cũng háo hức chuẩn bị tham gia kế hoạch trồng cây theo đúng lời dặn của Bác Hồ kính yêu:
Mùa Xuân là tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.
Vậy Tết trồng cây có ý nghĩa như thế nào đối với chúng ta mà mọi người lại hăng hái tham gia đến vậy?
Trước hết, ta có thể thấy rằng Tết trồng cây đã thành là một phong tục mới trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta. Song song với những phong tục cổ xưa để lại như: Hội đền Hùng, đền Gióng, Hội Đống Đa hay Hội xuống đồng đầu xuân của nhà nông... thì Tết trồng cây là một ngày hội mới, gắn liền với xã hội mới do Bác Hồ khởi xướng vào mùa xuân năm 1959. Qua báo chí, đài phát thanh, truyền hình, ta được biết rằng khi Bác Hồ còn sống, năm nào mùa xuân đến, Người cũng đi trồng cây cùng nhân dân. Từ đó, Tết trồng cây đã trở thành một phong tục không thể thiếu trong những ngày đầu xuân của dân ta. Nay Bác Hồ đã đi xa, nhưng những cây đa Bác trồng ở công viên Lê-nin, ở Đông Anh (Hà Nội), ở Vật Lại (Hà Tây)... vẫn xanh tươi tỏa bóng mát. Chúng ta trồng cây để góp thêm màu xanh cho đất nước theo lời kêu gọi của Bác, vừa là để tưởng nhớ Bác, vị lãnh tụ vĩ đại, người Cha già của dân tộc, là để làm cho lời dạy bảo quý báu của Người trở nên bất diệt.
Tết trồng cây đầu năm có ý nghĩa hết sức to lớn. Nó đã tạo nên sự quan tâm gắn bó của mỗi người đối với thiên nhiên, môi trường và xã hội chung quanh chúng ta; làm cho chúng ta hiểu rằng cứ khai thác sử dụng cây cối, thiên nhiên tràn lan, tức là chúng ta đã tự huỷ hoại đi chiếc ô màu xanh của chính mình và của toàn xã hội. Qua đây ta có thể thấy rằng Tết trồng cây đã như muốn nhắc nhở chúng ta rằng: phải biết bảo vệ, giữ gìn và làm giàu thêm cho thiên nhiên. Nó còn giống như một con người tàng hình nắm tay mọi người lại, cùng chan hoà trong một hoạt động lợi ích chung của xã hội. Và Tết trồng cây đã góp phần không nhỏ làm giàu đẹp thêm cho đất nước, cho cuộc sống của mỗi con người. Nếu mỗi người chỉ cần trồng một cây thôi thì màu xanh của cây cối sẽ phủ khắp mọi nơi từ vùng đất trống đồi núi trọc hay những vùng ven biển đang bị cát lấn. Cây sẽ giúp con người lấy lại màu xanh ở vùng đồi trọc, cây sẽ mọc lên và giúp ta giữ lại đất màu, chống xói mòn. Những chiếc lá bé nhỏ của chúng tưởng chừng không làm được gì, nhưng khi trên cành xanh, nó sẽ là một nhà máy hoá chất tí xíu và không ngừng hút cac-bon, khí có hại cho sự sống của con người, và điều chế ô xi, cung cấp cho sự sống của con người; khi rụng xuống, nó tự phân thân, hoà vào đất, làm cho đất màu mỡ thêm. Cây xanh còn làm được nhiệm vụ và cản những dòng nước lũ từ trên núi đổ xuống, ngăn những đợt sóng biển từ xa đổ vào, điều hoà mực nước các con sông, ngăn không cho chúng gây nên những cơn lũ lụt bất thường làm thiệt hại bao nhiêu tiền của.
Cây cối còn cung cấp cho chúng ta một nguồn tài nguyên phong phú để phát triển ngành công nghiệp gỗ, sản xuất ra những đồ vật hữu dụng trong ngôi nhà của chúng ta, và còn là mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên thị trường thế giới.
Vào những ngày hè nắng chói chang, ai đã là người che nắng cho chúng ta dọc theo các đường phố? Vâng, đó là những hàng cây xanh, những người bạn của chúng ta. Chúng đã vươn mình lên cao, hứng chịu cái nắng gay gắt, cháy bỏng của mặt trời mùa hạ, để đem lại cho chúng la những đoạn đường râm mát, rợp tiếng ve ngân. Thật thú vị biết bao khi chúng ta được đứng dưới một khung cảnh rợp màu xanh cây lá, làm cho chúng ta tưởng tượng như mình đang lạc vào xứ tiên. Cây cối gọi chim chóc về làm tổ, gọi những ca sĩ hoạ mi về ca hát líu lo, xua tan đi mọi sự mệt nhọc sau một ngày làm việc căng thẳng.
Qua những lợi ích của việc trồng cây như vậy, em càng thấy được trách nhiệm của mình đối với việc tham gia trồng cây. Em ước mong sao mỗi người chúng ta hãy tự trồng lấy một cây xanh cho riêng mình và thường xuyên chăm sóc, bảo vệ nó chu đáo, góp phần làm cho thành phố xanh, đất nước xanh.
Tóm lại, ta thấy rằng Tết trồng cây là việc làm nhiều ý nghĩa, là một phong tục Hội xuân mới tốt đẹp, đang trở thành một thuần phong mĩ tục trong xã hội nước ta. Năm qua đi, Tết lại đến, thắp nén hương thơm tưởng nhớ Bác Hồ, ta trồng một cây xanh nhớ Bác, và càng thấm thía hơn lời dạy của Bác: Trồng cây để cho "đất nước càng ngày càng xuân"