Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Hãy giải thích câu nói của Bác Hồ: Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Liên hệ với bản thân.

Thứ sáu - 22/07/2016 22:59
Đất nước ta đang bước vào một thời kì mới, thời kì xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Nhiệm vụ lớn lao mà đất nước và thời đại đặt ra cho mỗi thanh niên ta là phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, bồi dưỡng tài năng để có thể gánh vác nhiệm vụ vẻ vang mà Tổ quốc và lịch sử giao phó.
 Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn sống, trong một cuộc nói chuyện với học sinh có nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.
 
Lời nói của Bác đặt ra cho thanh niên, học sinh chúng ta một vấn đề rất cụ thể và cần thiết. Phải tu dưỡng, rèn luyện để có đức, có tài. Chúng ta nên hiểu lời dạy của Bác thế nào cho đúng?
 
Có tài là có kiến thức, có kĩ năng, kinh nghiệm để hoàn thành tốt mọi công việc được giao dù công việc có khó khăn, gian khổ thế nào, dù tình huống có phức tạp đến đâu. Chẳng hạn, trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, các chiến sĩ binh chủng đặc công của chúng ta đã khéo léo ngụy trang để che mắt giặc, dùng tài năng và tinh thần dũng cảm chiến đấu của mình để tiêu diệt nhiều căn cứ ngay trong lòng giặc. Anh Đặng Thái Sơn, một nhạc sĩ pi-a-nô có tài đã biểu diễn xuất sắc các nhạc phẩm của nhạc sĩ Sô-panh, đoạt giải nhất trong kì thi âm nhạc quốc tế tổ chức tại Vác-xa-va, thủ đô của Ba Lan, quê hương của nhạc sĩ thiên tài. Anh Lê Bá Khánh Trình đã sử dụng tài trí của mình để giải xuất sắc các bài toán trong cuộc thi toán quốc tế, đem về tấm huy chương vàng cho Tổ quốc...
 
Có đức là hết lòng phục vụ nhân dân, có tư cách đạo đức, tác phong tốt; tôn trọng và bảo vệ cái đúng, dũng cảm đấu tranh cho lẽ phải; kiên quyết đấu tranh với những sai lầm, tiêu cực trong xã hội; trung thực, giản dị trong cuộc sống. Về tấm gương đạo đức, Bác Hồ của chúng ta là một người tiêu biểu. Cả đời Bác hi sinh, phấn đấu cho hạnh phúc của giống nòi, cho đời sống của con người mà quên bản thân mình. Xung quanh chúng ta, có biết bao tấm gương sáng về đức hi sinh của các chiến sĩ bộ đội, công an dũng cảm diệt kẻ gian cứu người bị nạn.
 
Trong lớp học của em, bạn Lan Anh cũng là một tấm gương sáng về đạo đức của người học sinh, bạn luôn luôn lễ độ với thầy cô giáo, giúp đỡ bạn bè trong học tập và đời sống, thẳng thắn đấu tranh với những bạn lười biếng, thiếu ý thức tổ chức kỉ luật....
 
Tài và đức, phẩm chất và năng lực là hai mặt của một con người. Có tài mà không có đức là người vô dụng, bởi lẽ có tài mà không đem ra phục vụ nhân dân, đất nước há chẳng phải là vô dụng sao? Có tài mà làm việc xấu, trái đạo đức, tiếp tay cho kẻ phản bội Tổ quốc thì chẳng những vô dụng mà còn có tội. Người có tài mà đạo đức kém thì tác hại càng lớn, càng phải phê phán, lên án. Một cán bộ quản lí giỏi nhưng tham ô, hối lộ thì chỉ gây thiệt hại cho Nhà nước và trước sau cũng dẫn đến sự yếu kém của đơn vị. Một học sinh học giỏi mà vô tổ chức, kỉ luật thì chẳng có tác dụng gì trong lớp...
 
Ngược lại, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, không đem lại hiệu quả lớn trong sản xuất và đời sống. Nếu có đức, muốn phục vụ tốt nhưng không có hiểu biết thì mọi ý định dù tốt đến mấy cũng khó trở thành hiện thực. Một đội trưởng sản xuất tốt nhưng không am hiểu kĩ thuật, làm mò mẫm sẽ dẫn đến sản xuất thụt lùi. Một học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, nhưng học kém thì không thể phát huy được tác dụng đối với các bạn.
 
Đức và tài liên quan chặt chẽ với nhau, bổ sung lẫn nhau cho con người toàn diện. Đức là yếu tố quyết định nhưng không phải là cái gì chung chung, trừu tượng mà đức phải thể hiện cụ thể trong việc hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, đạt hiệu quả cao.
 
Ngày nay, khi nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước đòi hỏi mỗi chúng ta chẳng những phải cố gắng, nỗ lực, khiêm tốn học hỏi, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc và nhân dân, mà còn phải phân đấu học tập không ngừng để đáp ứng những đòi hỏi của trình độ khoa học cao, để theo kịp những thành tựu của nhân loại, của các nước tiên tiến. Thanh thiếu niên chúng ta không thể thờ ơ, chạy theo lối sống mới sa dọa, thiếu đạo lí, mà phải không ngừng tu dưỡng phẩm chất đạo đức, tích cực học tập văn hóa, khoa học, tiếng nước ngoài để có khả năng tiếp cận trình độ tiên tiến của thời đại. Lời dạy của Bác là một bài học về nhân sinh, bài học về thực tế cuộc sống cần thiết cho mỗi người chúng ta.
 
Lời dạy của Bác động viên, tiếp sức cho chúng ta tu dưỡng, vươn lên trên tầm cao của lịch sử, của thời đại mà mình đang sống. Riêng em, em thấy mình phải không ngừng rèn luyện tư cách, đạo đức của một người học sinh, một người thanh thiếu niên mới dưới mái trường Xã hội Chủ nghĩa, cố gắng để luôn luôn xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt. Chỉ có thể làm một học sinh tốt hiện nay, một công dân và một cán bộ, một người lao động tốt sau này, mới có thể góp phần thực hiện mơ ước của bản thân, góp phần cùng thế hệ mới xây dựng đất nước ta giàu mạnh trong tương lai.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây