Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Hãy bình luận câu tục ngữ: Uống nước nhớ nguồn.

Thứ tư - 02/11/2016 05:28
Uống nước nhớ nguồn.
Đó là bài học giáo dục về nhân cách làm người của cha ông ta, thể hiện sâu sắc truyền thống đạo lí của người Việt Nam: luôn trân trọng, biết ơn người đi trước.
“Uống nước” ở đây được hiểu theo nghĩa bóng là sự thừa hưởng thành quả lao động hoặc thành quả đấu tranh của người đi trước, thế hệ trước. “Nguồn” nếu hiểu theo nghĩa đen là nơi xuất phát dòng nước; hiểu theo nghĩa bóng, chỉ những người đi trước, những người làm ra thành quả nào đó, người ta phải nhớ ơn và đền ơn xứng đáng những người đã đem lại thành quả cho mình đang hưởng.
 
Như một quy luật, trong tự nhiên hay xã hội, không có hiện tượng nào mà không có nguồn gốc. Đất nước Việt Nam hôm nay có được là nhờ tổ tiên từ mấy ngàn năm trước dựng nước và giữ nước. Cha mẹ sinh ra ta. Thầy cô giáo dạy ta học hành. Ta trưởng thành lớn khôn nhờ có nguồn gốc là thầy cô cha mẹ. Thế cho nên tục ngữ mới có câu: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” và “Không thầy đố mày làm nên”. Khi cầm bát cơm, ta nhớ tới công sức của người lao động đã “một nắng hai sương” làm ra hạt gạo củ khoai:
 
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.
 
Tấm áo ta mặc, cuốn sách ta đọc và bao thứ cần thiết khác, là thành quả lao động của bao cô chú công nhân, trí thức... ngày đêm miệt mài trong xưởng máy, nơi làm việc. Hôm nay ta sống trong hòa bình, độc lập là sự thừa hưởng thành quả đấu tranh của thế hệ đi trước đả đổi bằng xương máu.
 
Như vậy, trong cuộc sống, không có thành quả nào mà không có công lao của một ai đó tạo nên.
 
Những người hưởng thụ những thành quả của người đi trước phải biết ơn, quý mến, kính trọng công lao của người đi trước, thế hệ đi trước. Biết ơn các vua Hùng dựng nước, dân ta có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Biết ơn cha mẹ sinh thành, thầy cô dạy dỗ, chúng ta cố gắng phấn đấu để trở thành con ngoan trò giỏi. Lòng biết ơn giúp con người đoàn kết với nhau hơn, sống thân ái với nhau hơn. Thiếu lòng biết ơn và hành động đền ơn, con người sẽ trở nên ích kỉ, vô trách nhiệm. Trong thực tế, không phải không có những kẻ vô ơn, thậm chí quay lưng phản bội lại những người đã có công lao với mình. Đó là những kẻ tự cắt đứt với nguồn cội, tự tách mình ra khỏi cộng đồng. Những kẻ đó bao giờ cùng bị xã hội lên án và sớm muộn sẽ bị nghiêm trị.
 
“Uống nước” thì phải “nhớ nguồn”. Phải có những hành động cụ thể nào để thể hiện sự “nhớ nguồn”? Bác Hồ nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Câu nói ấy đã thể hiện cao nhất hành động “nhớ nguồn” của tất cả chúng ta. “Nhớ nguồn”, nghĩa là phải giữ gìn, bảo vệ thành quả của những người đi trước đã tạo ra. “Nhớ nguồn” cũng có nghĩa là phải biết sử dụng thành quả lao động một cách hợp lí, đúng đắn, tiết kiệm. Chẳng hạn, nhớ công lao cha mẹ, thầy cô và bao người khác, ta hết sức giữ gìn bàn ghế, sách giáo khoa... để các bạn học sau ta vẫn còn sử dụng tốt các thứ đó. Một điều rất quan trọng nữa là ta đã hưởng thành quả của những người đi trước, do vậy ta còn phải biết tạo ra thành quả để lại cho những người đi sau, thế hệ sau ta. Có như vậy, ta mới xứng đáng với người đi trước, thế hệ đi trước.
 
“Uống nước nhớ nguồn” là đạo lí làm người của dân tộc ta. Một người có lòng biết ơn và có hành động đền ơn là một người có nhân cách đẹp. Đối với học sinh chúng ta, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi là cách đền ơn thiết thực nhất với công lao của cha mẹ, thầy cô và xã hội. 

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây