Nguyễn Đình Chiểu sinh năm 1822 trong một gia đình phong kiến lớp dưới. Là con đầu lòng trong một nhà đông con (7 người con), lại là con của vợ lẽ nên ngay từ nhỏ ông đã sớm chịu cảnh lận đận ngược xuôi. Nơi ông chào đời là đất Gia Định, 11 năm sau đó, sau khi Nam Kì bị chiếm, ông được cha gửi ra Huế ở nhờ nhà một người bạn. Sau 8 năm theo học ở Huế, ông lại trở về Nam chăm lo đèn sách để chờ thi hương. Năm 1843, ông đỗ tú tài ở trường Gia Định. Năm 1846, Nguyễn Đình Chiểu lại ra Huế học chờ thi hội. Đây quả là thời kì lận đận, gian truân, đầy nhọc nhằn đối với nhà thơ.
Sinh ra trong thời loạn lạc, lớn lên ông cũng gặp cảnh gian nan trong cuộc đời. Đầu năm 1849, sắp thi thì được tin mẹ mất từ cuối năm trước, ông vội vàng về Nam chịu tang mẹ, bỏ dở việc thi cử. Trên đường về quê ông bị ốm. Đường sá xa xôi, tiết trời nóng bức, bệnh ông ngày càng nặng thêm, lại thương khóc mẹ quá nhiều nên chẳng may ông bị mù cả hai mắt. Chuyện tình duyên của ông cũng đầy éo le: Trước đây, khi ông đỗ tú tài, có nhà phú hộ ở vùng quê đã hứa gả con gái cho ông nhưng nay thấy ông bị mù liền bội ước.
Vậy là giấc mộng công danh không thành lại thành người “tàn phế"’, tình duyên thì trắc trở. Tương lai tưởng như chấm hết, cánh cửa cuộc đời tưởng như đóng sập trước ông. Thế nhưng, bằng ý chí và nghị lực phi thường, ông đã vượt qua mọi khó khăn, biến đau thương thành sức mạnh, vươn lên làm chủ số phận của mình. Sau khi mãn tang mẹ, ông mở trường dạy học, học trò theo học ông rất đông và từ đó người ta gọi ông là Đồ Chiểu. Ngoài việc dạy học ông còn nghiên cứu thêm về y học và bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Đây quả đúng là tấm gương sáng về ý chí và nghị lực sống làm nhiều người cảm phục.
Không chỉ vậy, cuộc đời ông còn là một tấm gương ngời sáng về lòng yêu nước, thương dân, về tinh thần bất khuất trước kẻ thù. Tuy bị mù, không thể trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến được nhưng ông vẫn thường bàn bạc việc quân với Đốc binh Là và trao đổi thư từ với Trương Định - những lãnh tụ nghĩa quân chống Pháp lúc bấy giờ. Khi tản cư về quê vợ ở Ba Tri, ông vẫn giao thiệp với các nhà chí sĩ yêu nước và làm thơ văn phục vụ công cuộc kháng chiến của dân tộc. Khi Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây, các cuộc khởi nghĩa ở miền Nam đã bị dập tắt, khi mà một số lớn các nhà chí sĩ ra Bình Thuận thì Nguyễn Đình Chiểu vẫn ở lại Ba Tri nêu cao tấm gương bất hợp tác với địch. Mặc dù thực dân Pháp tìm mọi cách để mua chuộc, dụ dỗ ông nhưng ông vẫn một mực cự tuyệt. Khi chiếu Cần Vương được ban bố, phong trào kháng Pháp lại sục sôi khắp Bắc và Trung Kì, ông lại tràn đầy tin tưởng vào cuộc chiến đấu mới của dân tộc.
Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng ngời về ý chí và nghị lực sống, lòng yêu nước, thương dân và tinh thần bất khuất trước kẻ thù. Con người ấy, người đọc đã gặp trong hình ảnh chàng trai Lục Vân Tiên - người thanh niên lý tưởng của thời đại trong "Truyện Lục Vân Tiên".
Cuộc đời ông làm ta cảm phục và văn thơ ông cũng được ta yêu mến. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm quý: Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh, Văn tế Trương Định.. Giá trị của những áng văn thơ ấy vẫn còn sống mãi trong lòng người đọc bởi lý tưởng đạo đức, nhân nghĩa và tấm lòng yêu nước thương dân tha thiết của ông.
Trong thơ văn của ông, không có loại thơ văn thuần tuý giải sầu, chúng nhằm mục đích chiến đấu, bảo vệ đạo đức của nhân dân và quyền lợi của Tổ quốc, ở đó lý tưởng nhân nghĩa luôn được đề cao. Lý tưởng ấy phù hợp với truyền thông văn hoá của nhân dân ta.
Vì sao Khuê rực rỡ Nguyễn Đình Chiểu gần gũi vô cùng nhưng khi nào ta cũng ngước nhìn với một tấm lòng ngưỡng vọng chân thành. Nguyễn Đình Chiểu, đó là một con người, một tài năng Việt Nam hơn hết thảy.