Bài tấu thể hiện tấm lòng của Nguyễn Thiếp đối với việc chấn hưng nền học thuật nước nhà. Mục đích cao cả của ông là nhằm mở mang dân trí, đào tạo nhân tài cho đất nước.
Các vấn đề như mục đích, nội dung và phương pháp học tập đã được ông trình bày một cách ngắn gọn nhưng cụ thế. Mở đầu, ông nhắc lại câu cổ ngữ: “Ngọc không mài, không thành đồ vật; người không học không biết rõ đạo”. Mục đích của việc học trước tiên là biết để đối xử giữa mọi người với nhau. Nói cách khác học là để mở mang trí tuệ và bồi bổ đạo đức.
Đạo mà ông nói đến là đạo làm người. Ông than phiền rằng nền chính học đã bị thất truyền. Có biết bao tệ lậu đáng bị chê trách như đua nhau lối học hình thức hòng cầu danh lợi, coi thường đạo lí, không còn biết đến tam cương ngũ thường. Nhà dột từ nóc, chúa trọng nịnh thần. Những mặt trái đó đã làm Nguyễn Thiếp hết sức đau buồn: “Nước mất nhà tan đều do những điều tệ hại ấy”. Nguyễn Thiếp đã dùng những lời lẽ hết sức trầm tĩnh, ôn hòa mà sâu sắc.
Phần thứ hai tác giả đề cập đến nội dung và phương pháp học tập. Khi trả lời câu hỏi học ở đâu, ông cho rằng học ở trường của phủ, huyện, các trường tư; con cháu các nhà văn võ, thuộc lại đều tuỳ đâu tiện đấy mà học. Còn khi nói về vấn đề học cái gì, ông cho rằng nhất định phải theo Chu Tử, một học gia thời Nam Tống. Lúc đầu học tiểu học để bồi gốc. Tuần tự tiến đến học tứ thư, ngũ kinh, chư sử. Nội dung học tập mà Nguyễn Thiếp nêu ra không có gì mới so với các thời trước đó.
Các nội dung này đã được các triều đại phong kiến Trung Hoa và Việt Nam áp dụng từ hàng nghìn năm trước đó. Cái mới của Nguyễn Thiếp chính là phương pháp học tập. Theo ông, cần học rộng rồi tóm lược cho gọn, học phải đi đôi với hành, theo điều học mà làm. Mong ước của ông rất chân thành: “Họa may kẻ nhân tài mới lập được công, Nhà nước nhờ thế mà vững yên. Đó mới thực là cái đạo ngày nay có quan hệ tới lòng người. Xin chớ bỏ qua”.
Nguyễn Thiếp đã khẳng định tầm quan trọng của đạo học và ý nghĩa lớn lao của nó: “Đạo học thành thì người tốt nhiều, người tốt nhiều thì triều đình ngay ngắn mà thiên hạ thịnh trị”. Đúng là việc học góp phần đào tạo nhân tài, mở mang dân trí, góp phần xây dựng đất nước thịnh trị. Chiến lược trồng người đã được Nguyễn Thiếp trình bày một cách cụ thể và sáng tỏ.
Phần cuối của văn bản, Nguyễn Thiếp giãi bày lòng mình với hoàng thượng, phép học là những lời chân thành của ông chứ không phải là những lời vu vơ, ông cung kính cúi mong hoàng thượng soi xét. Tất cả tâm huyết của Nguyễn Thiếp được trình bày một cách cụ thể và thiết thực. Những đóng góp của ông cho nền học thuật nước nhà rất đáng trân trọng, chính vì thế hhân dân luôn kính trọng và nhớ ơn ông - La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp.