Vượt qua những làng xanh tươi, thấp thoáng những ngôi nhà rường, đình, chùa, nhà thờ cổ mái ngói rêu phong, du khách đến chơi chợ Vinh Hiền, nơi bán nhiều hải sản, nhiều quán hàng đặc sản in đậm phong vị Huế.
Từ chợ ta đến tham quan chùa Thánh Duyên, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Vườn chùa có nhiều hoa và cây cảnh, suốt bốn mùa rợp bóng cây xanh, và ngào ngạt hương hoa.
Ngôi cổ tự này được xây dựng từ thế kỉ 17, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần; vua Minh Mạng đã cho trùng tu, đúc chuông, tạc thêm nhiều tượng Phật. Từ năm 1825, chùa Thánh Duyên trở thành quốc tự. Chùa Thánh Duyên nằm trên núi Thuý Vân, suốt đêm ngày hàng trăm cây thông cổ thụ reo vi vu, tạo nên không gian u huyền trầm mặc.
Trước cổng chùa có hai tảng đá gọi là đá chuồng, đá mỏ, tương truyền rất linh thiêng. Giếng chùa được ghép bằng đá, nước trong vắt gọi là giếng Cam Lồ. Du khách vãn cảnh chùa, hầu như ai cũng muốn được soi gương vào mặt giếng hoặc uống một ngụm nước Cam Lồ để cầu may.
Huế có 99 ngôi chùa, nổi tiếng nhất là chùa Thiên Mụ, chùa Diệu Đế,...
Đông Ba, Gia Hội, hai cầu,
Có chùa Diệu Đế bấn lần hai chuông.
(Ca dao)
Nhớ chi nhớ rứa mình ơi!
Chuông chùa Thiên Mụ ngân rơi chiều chiều.
(Nam binh)
Trong bài thơ “Vân Sơn thắng cảnh”, vua Thiểu Trị đã “xếp hạng”, chùa Thánh Duyên và núi Thuý Vân là cảnh sắc thứ chín trong số 20 thắng cảnh của cố đô Huế.
Vòng quanh chùa Thánh Duyên, ta đến thăm tháp Điếu Ngự nằm ở độ cao khoảng 50 mét, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn xuống “đệ nhất đầm” Cầu Hai được bao bọc bởi dãy núi Ngũ Phong và dải cát vàng ngăn cách với biển cả. Còn có cảnh sơn thuỷ nào hữu tình hơn?
Rời chùa Thánh Duyên, bạn đi qua cầu Tư Hiền bắc ngang đầm Cầu Hai đến cửa biển Tư Dung. Đi vào ba, bốn giờ chiều mới thú vị. Nước biển xanh lơ, bầu trời xanh trong, núi Thuý Vân, núi Ngũ Phong xanh rì, du khách cảm thấy được lơ lửng, bồng bềnh trôi về cõi mơ hồ xa xăm.
Cửa biển Tư Dung có vịnh Hải Bình nơi nuôi ngọc trai, lúc nào cũng có hàng Irăm, hàng nghìn con đò, con thuyền của ngư dân buông chài, tung lưới đánh bắt tôm cá. Tại cửa biển Tư Dung này, hơn 700 năm về trước, một đêm trăng mộng mơ, công chúa Huyền Trân nồi ngắm mây trời, trăng sao... trước khi “xuất giá” vào Vương quốc Chiêu Thành. Thiên tình sử ấy của người đẹp Đại Việt với vua Chế Mân Chiêm Thành vào năm 1306, thế mà đến nay câu ca xứ Huế vẫn còn chơi vơi, vương vấn trên sóng nước cửa biển Tư Dung này: “Một đôi lời, một đôi lời / Nhắn bạn tình ơi / Thề non nước, giao ước kết đôi / Trăm năm tạc dạ...” (Hành vân).
Du khách nào đã được nằm nghỉ trên chiếc võng vải dù mắc vào hai gốc mù u cổ thụ ở vườn chùa Thánh Duyên, rồi trầm tư theo tiếng chuông chùa diệu huyền, nghe thông reo, nghe sóng vỗ? Du khách nào đã được ngồi chơi trên con thuyền ở cửa biển Tư Dung, say mê ngắm trăng sao và lắng nghe trong gió mát câu hò, câu ca xứ Huế? Và ai nữa, hãy đến chợ cá Hiền An dưới chân núi Thuý Vân, mua một hũ mắm rò, mắm cá cơm, hoặc hũ tôm chua - hương vị Huế - về làm quà...
Xa Vinh Hiền rồi, ai còn nhớ còn thương? Hẹn gặp nhé, những mùa thu Vinh Hiền của xứ Huế mộng mơ. “Ai đi qua đó miền Trung / Xin mời ghé lại, vui cùng Huế tôi!” (Tố Hữu).