Leo núi, chơi thuyền, tắm suối, hái hoa rừng, leo vách núi,... thật mệt và vui, như được sống lại cổ tích, huyền thoại về Bà Goá và thần Giao Long. Có bạn thích thú hát lên: “Bắc Cạn có suối đãi vàng - Có hồ Ba Bể có nàng áo xanh”. Hai hôm sau, đi chợ phiên Nam Cường họp vào ngày thứ năm hàng tuần, chợ cách bản Pú Lò ở Ba Bể độ 4 km mới thấy nhiều “nàng áo xanh” đi chợ. Đó là những cô gái Mông-hoa, Mông-xanh, những cô gái Tày, từ các bản xa kéo về chợ phiên. Họ gùi lắt lẻo trên đôi vai nhiều lâm sản, măng rừng, mộc nhĩ, mật ong, rau rừng mơn mớn. Loại rau rừng này gọi là rau bò khai. Tò mò hỏi mới biết đó là loại rau rừng rất quý, đặc sản của vùng Ba Bể, có nhiều nhất ở Vườn Quốc gia Ba Bể. Người Tày gọi rau bò khai là dạ hiến, khau hương; người Dao gọi là long châu sói... Rau bò khai có hương vị rất đặc biệt, “khai mùi nước đái bò” nhưng đem xào với thịt treo, ăn ngon lắm, hấp dẫn lắm. Nó là vị thuốc quý để chữa các bệnh viêm gan, viêm thận, đường tiết niệu,... rất hiệu nghiệm.
Đến trạm kiểm lâm ở bản Đầu Đẳng, anh em chúng tôi được vợ chồng người Tày mời ăn một bữa cơm gia đình. Có sốt vang rùa núi với mộc nhĩ măng rừng. Có thịt treo lấy ở giàn bếp (thịt nai, thịt lợn rừng, thịt cầy hương) xào với rau bò khai. Một bình rượu ngô, một bình rượu báng (rượu cất từ cây báng). Cơm và xôi là “nếp Tú Lệ, tẻ Mường Tà” tỏa khói dâng hương ngào ngạt.
Từ 7 giờ tôi đến 10 giờ, tiệc mới tan, chủ và khách đều say tuý luý. Một anh bạn công tác ở Bộ Ngoại giao tỉ tê với tôi: “Rượu ngô, rượu báng của người Tày, người Dao vùng Ba Bể ngon tuyệt vời, loại bia tươi lúa mạch đen ở xứ Đông Âu không thể nào sánh được! Cái món sốt vang rùa núi, món rau bò khai xào với thịt treo; cá suối nướng vàng giòn trên bếp than hồng - đúng là đủ sơn hào hải vị. Các ông hoàng bà chúa ngày xưa, các đại gia ở Hà Nội, ở Sài Gòn,... ngày nay chưa chắc đã được nếm thử!...”. Vốn là một con người lịch lãm, tài hoa, từng đi Tàu, đi Tây, đi Mỹ,... như đi chợ, anh tấm tắc: “Một bữa tiệc với hương vị núi rừng Ba Bể sẽ mãi mãi nhớ đời”.
Chúng tôi đi thuyền độc mộc từ Sơn Phú ngược dòng sông Năng. Qua khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung. Từ Đa Vị đi xuồng lá tre đến gần thác Đầu Đảng. Bãi cát, bãi sỏi, đôi bờ sông Năng trơ ra, rừng cây hiu quạnh. Vượt thác Đầu Đẳng rồi đi bộ ngược dốc núi cao gần 500 mét, đi mãi, leo mãi, vượt qua bốn, năm dặm đường mới gặp lại bờ sông Năng. Tiếng kêu quàng quạc của bầy quạ đen chao lượn trên đầu, tiếng gà rừng gáy le te bên bờ suối, tiếng kêu ì ùm của rùa núi phía vách đá xa xa,... làm cho khúc nhạc hoàng hôn thêm man mác. Trúc dây đặc hữu của rừng nhiệt đới trên núi đá vôi rủ xuống như những bức mành xanh biếc óng ánh, tiếng ve rừng đổ hồi rền rĩ, phong cảnh đôi bờ sông Năng trở nên hữu tình.
Ngồi quanh bếp lửa bập bùng trên nhà sàn ăn bắp nướng, nhâm nhi chén rượu ngô, chén rượu báng ngát thơm. Ngồi trên xuồng lá tre học câu cá trên sông Năng. Bơi thuyền độc mộc trên hồ Ba Bể ngắm vành trăng cao nguyên trong vắt, ngắm dải mây trắng như bông lơ lửng trên rừng già,... Có bao ấn tượng vô cùng thú vị. Hương rừng Bắc Cạn ngào ngạt hồn tôi cứ ướp lấy hồn tôi mãi.